Con đường trở thành “đại gia” ngân hàng của doanh nhân tuổi Canh Tý Dương Công Minh

Nhật Minh Thứ bảy, ngày 25/01/2020 10:34 AM (GMT+7)
Trước khi trở thành ông chủ cũng như “đại gia” trong lĩnh vực ngân hàng, ông Dương Công Minh – Chủ tịch Sacombank cũng đã từng phải “ném trải” những thất bại trong kinh doanh.
Bình luận 0

Con đường trở thành “đai gia” tuổi Tý trong lĩnh vực ngân hàng

Ông Dương Công Minh (sinh 05/10/1960) quê Quế Võ, Bắc Ninh. Ông Minh từng tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Vật giá năm 1984 tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân).

Biệt danh đầu tiên trên thương trường của ông Dương Công Minh không phải là “Minh Him Lam” như nhiều người biết đến, mà là "Minh Xoài". Cái tên “Minh Xoài” bắt nguồn từ việc ông Minh kinh doanh xoài xuất khẩu sang Trung Quốc trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX.

img

Chủ tịch tuổi Canh Tý của Sacombank ông Dương Công Minh

Ông Minh cho biết, hồi đó quả xoài hiếm lắm chứ không phổ biến và có nhiều giống xoài như bây giờ. Buôn xoài cũng rất lãi. Một xe xoài bán xong lãi 20 triệu đồng, 100 xe lời 2 tỷ đồng. Đây là một con số lớn khủng khiếp thời những năm 1988 – 1989.

Thế nhưng, với ông Dương Công Minh kinh doanh không phải là một con đường bằng phẳng đoạn nào cũng trải đầy hoa hồng. Trong một chuyến buôn lớn gặp phải lô xoài non nên trên đường xuất khẩu đã thối và hỏng hết. Chuyến buôn này khiến ông phá sản. Kết quả, “Minh Xoài” đã phải bán nhà để trả nợ. Tuy nhiên, chính trong lúc lo thủ tục giấy tờ bán nhà, ông Minh đã nhận thấy những cơ hội làm giàu từ bất động sản. Những ý tưởng lúc đó về sau đã hình thành nên Công ty Cổ phần Him Lam – Him Lam Group, một trong những tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Cái tên “Minh Him Lam” cũng xuất hiện từ đó. Không chỉ là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Him Lam với tỷ lệ sở hữu 99%, ông Minh còn dấn thân vào lĩnh vực ngân hàng và trở thành Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank.

Ngày 30/6/2017, ông Dương Công Minh chính thức trúng cử vị trí Chủ tịch HĐQT Sacombank. Để bước chân vào Sacombank, ông Minh đã phải từ nhiệm chức vụ Chủ tịch LienVietPostBank. Đồng thời Tập đoàn Him Lam cũng buộc phải thoái toàn bộ phần vốn của mình tại LienVietPostBank để tránh tình trạng sở hữu chéo giữa hai ngân hàng.

Hiện tại, ông Dương Công Minh đang nắm giữ 3,49% vốn Sacombank. Theo thị giá cổ phiếu STB trong ngày cuối cùng của năm Kỷ Hợi 2019 (22/1/2020), lượng cổ phần này mang về cho ông Minh khối tài sản 682 tỷ đồng. Vì vậy, ông Minh đứng ở vị trí 88 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Dù vậy, số tiền này cũng đủ cho ông là đại gia ngân hàng tuổi Tý giàu nhất sàn chứng khoán. Ngoài cổ phiếu STB, ông Dương Công Minh còn nắm giữ cổ phiếu của Liên Việt Holdings. Theo mệnh giá, lượng cổ phiếu đó tương đương 313 tỷ đồng.

Kỳ vọng Sacombank “bứt phá” trong năm tuổi của Chủ tịch Dương Công Minh

Ông Dương Công Minh trở thành Chủ tịch HĐQT Sacombank năm 2017, đúng thời điểm ngân hàng này phải đối diện với nhiều thách thức.

Thế nhưng, chỉ sau 2 năm dưới sự lèo lái của vị Chủ tịch Canh Tý, lợi nhuận của Sacombank đã được cải thiện với hơn 3.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 21,4% so với kế hoạch đã cam kết tại đại hội đồng cổ đông và tăng 43,2% so với năm 2018.

Với con số lợi nhuận này, Sacombank cũng đánh dấu sự trở lại tương đương thời kỳ hoạt động tốt nhất là những năm 2012 - 2013, trước khi tiến hành nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam.

img

Tổng tài sản đạt gần 453.600 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cuối năm 2018. Huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt hơn 410.330 tỷ đồng, tăng 14,7% còn cho vay khách hàng đạt hơn 296.000 tỷ đồng, tăng 15,3% so với đầu năm.

Về cơ cấu nợ, tại thời điểm 31/12/2019 Sacombank có 5.733 tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu được kéo xuống chỉ còn 1,93%, so với 2,2% tại thời điểm cuối năm 2018.

Trong năm 2019, Sacombank duy trì được hệ khách hàng ổn định gần 6 triệu cá nhân và doanh nghiệp; mạng lưới hoạt động gồm 570 điểm giao dịch tại 52 tỉnh thành Việt Nam cùng hai nước Lào, Campuchia.  Ngoài ra Sacombank cũng đã ứng dụng Basel II vào hoạt động từ ngày 01/01/2020 theo đúng lộ trình của thông tư 41.

Tính đến 31/12/2019, Sacombank có 19.237 nhân viên (theo báo cáo hợp nhất), tăng từ mức 18.818 nhân viên ghi nhận vào cuối năm 2018. Như vậy, so với Vietcombank, số nhân viên tại Sacombank nhiều hơn 292 nhân viên. Trong khi đó, chi lương và phụ cấp trong năm là hơn 4.894 tỷ đồng, tương ứng bình quân 21,6 triệu đồng/người/tháng. Năm 2018, mức thu nhập bình quân chỉ trên 18,9 triệu đồng/người/tháng.

Về phần mình, ông Dương Công Minh khẳng định, bản thân ông cũng từng chịu nhiều áp lực trước không ít “điều tiếng” cho rằng ông tham gia ngân hàng là vì khối tài sản bất động sản của Sacombank. Tuy nhiên, “tôi vào đây không mua bất cứ tài sản nào của Sacombank và tôi không sử dụng bất cứ đồng vốn nào của Sacombank”, ông Minh khẳng định.

Như vậy, tính tới hiện tại Sacombank của đại gia tuổi Tý cơ bản đã giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng và đây là lực đẩy cho Sacombank bứt phá trong năm mới khi vị Chủ tịch nhà băng này bước vào “năm tuổi”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem