Không phải “tiền đâu”, mà là thị trường

Thứ bảy, ngày 13/01/2018 07:00 AM (GMT+7)
Tôi hỏi các bạn trẻ sau khi vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cuối tuần qua kết thúc: Theo các bạn, khởi nghiệp điều gì là quan trọng nhất? “Là vốn”, một số bạn vui vẻ giải thích và chêm thêm: thủ tục đầu tiên mà cô. Đồng tiền luôn đi liền khúc ruột!
Bình luận 0

img

  Lê Mai Tùng người sáng lập ShareCar.vn (bìa trái) và Trần Ngọc Thái Sơn người sáng lập Tiki.vn.

Ba năm trước, tôi nói chuyện với các bạn trẻ được giải Lương Định Của (có thành tích làm nông giỏi) của tỉnh Nghệ An. Các bạn khẳng định: có vốn là sẽ xong hết. Một bạn đứng dậy phát biểu thẳng thừng: Trung ương Đoàn “kẹo” quá, chỉ hỗ trợ mỗi dự án có 30 triệu. Tôi cười, Trung ương Đoàn giàu nhất và gan nhất đó chứ. Bởi cứ chi đều đều ba chục, ba chục, các bạn làm ăn kiểu này chừng vài tháng đứt vốn, lại “châm tiếp” thì tiền núi cũng hết. Và chẳng ai có đủ tiền để mà “châm”.

Còn ở huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh, các bạn có khá nhiều sáng kiến. Em làm nghề thêu chữ thập. Em thêu khéo lắm tặng bạn bè ai cũng thích, mê. Em nuôi thỏ, thỏ nấu rượu chát thì hết sảy. Nhìn các em hồn nhiên say sưa với dự định khởi nghiệp của mình, tôi nhắc tới cách mà các nhà đầu tư Israel xem xét các dự án khởi nghiệp để bỏ tiền đầu tư. Họ quan tâm gì nhất? Họ chỉ chăm chú tìm hiểu về “chất lượng” của đội ngũ nhóm sáng lập và điều hành dự án. Xem thực chất có biết kinh doanh không, có đoàn kết không, có đủ thành phần cần thiết không (thành phần thường gồm người giỏi kinh doanh, người nắm kỹ thuật và người giỏi phát triển các mối quan hệ). Xem ra, họ chẳng cần xem lưng vốn của các nhà khởi nghiệp...

Sẽ là “ăn khớp” với nhau khi những nguồn cội và bước phát triển của khởi nghiệp chính là: tìm ra nhu cầu thật từ cuộc sống và sau khi dựng được doanh nghiệp rồi thì tiếp tục gắn bó với thị trường, cạnh tranh không ngừng với các sản phẩm (cùng giải quyết vấn đề của cuộc sống như doanh nghiệp mình) để tiếp tục phát triển. Khởi đầu là nhận ra những câu hỏi buộc phải giải quyết một vấn đề gì đó của đời sống. Dù cực kỳ nhỏ. Và đôi lúc thấy lại là bình thường, không có gì là quá đại sự mà còn chìm khuất trong các vấn nạn lớn lao, nhưng đó là nhu cầu có thật của đời sống.

Giải đáp nhu cầu thực đó khiến sản phẩm trở nên cần thiết. Và rồi, cũng chỉ từ sản phẩm đó mà sáng tạo để cải tiến không ngừng. Sản phẩm mang trong mình nó một sức mạnh để phát triển bền vững, chính là từ sự khởi nguồn đó. Hãy nhìn cách các nước tiên tiến cải tiến một món đồ quét rác, nâng hay hạ đồ đạc để lau dọn, hay lau nhà, hay nhóm bếp... cho người nội trợ trong nhà.

Tại cuộc thi chung kết khởi nghiệp của các bạn trẻ ở Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiều sáng kiến được đưa ra, nhưng có nhiều dự án, hầu như các bạn chẳng mấy quan tâm tới thị trường. Sản phẩm “quà tặng theo mô hình ngọn hải đăng Vũng Tàu bằng inox” của một công ty sản xuất thiết bị dầu khí thực hiện khá công phu nên giá cũng hơi cứng, nhưng tất cả chỉ là mô hình đó, khách hàng mua một lần rồi không thể tiếp tục, vì nhu cầu chỉ có thế và khả năng chọn lựa cũng chỉ có thế. Cả “dãy” sản phẩm cũng chỉ có... một.

Mô hình “điểm dừng chân, tham quan vườn lan tại thành phố Bà Rịa” càng vui vẻ, tức là các chị đã có vườn lan kinh doanh tốt, giờ nghĩ mình phải phát huy lên thành trạm dừng chân để kinh doanh các dịch vụ khác. Và bài toán tài chính của việc xây trạm dừng chân không được tính kỹ, ngoài một niềm động viên to lớn là “chúng tôi đã đi thăm vườn thiên nhiên tương tự ở Singapore, họ làm được sao mình làm không được”? Giám khảo phải “can”: các chị ơi, công trình ở Singapore là vốn của nhà nước xây lên, đủ hấp dẫn bán vé thu tiền vào cửa và kinh doanh các dịch vụ khác. Nếu vườn lan kinh doanh thu ổn hãy khoan nghĩ tới một loại hình kinh doanh dịch vụ hoàn toàn khác...

Bài học đầu tiên, theo tôi nên là: vì sao phải có sản phẩm hay dịch vụ của bạn? Không có nhu cầu từ thị trường mà chỉ xuất phát từ đam mê ngất trời, hay là do có mọi điều kiện thuận lợi sẵn sàng ngay trong gia đình, thì mầm hoạ tan rã đã có sẵn.

Thêm nữa, hai chú bé học sinh đại diện của một nhóm học sinh cấp 3, cùng nghĩ ra một loại nước rửa chén sinh học với nguyên liệu gốc từ thiên nhiên: sả, chanh, bồ kêt, vỏ bưởi... thế là hồn nhiên cho rằng các sản phẩm thuần hoá chất trên thị trường là độc hại cho da tay và sức khoẻ người tiêu dùng. Hãy dùng sản phẩm của các bạn. Không cần biết sản phẩm này đang là cuộc chiến trăm tỷ của các đại gia hoá mỹ phẩm... Lại có sáng kiến trồng cây hữu cơ thu ngay bạc tỷ, siêu lợi nhuận, nghe rất thị trường mà chẳng có tiêu chuẩn, nguyên tắc gì về trồng cây hữu cơ, bởi lại kết hợp nuôi dê, trồng xen đủ thứ. Có sản phẩm là nước sắn dây đóng chai và đóng lon, rất hữu ích về dinh dưỡng và có cả dược tính giải độc rượu từ kết quả nghiên cứu trong trường đại học với phương pháp thuỷ phân tinh bột. Thí sinh lúng túng giải thích về giá bán khá cao bằng các tính năng và nhấn mạnh, đây là niềm đam mê của nhóm chúng tôi, quyết tâm phải biến công trình nghiên cứu trở thành sản phẩm có ích thiết thực cho xã hội...

 Những lớp học khởi nghiệp giờ được mở ra khắp nơi trên đất nước này. Sau một thời gian dài quan sát sự phát triển, vận hành của các dự án, nhận thấy một điều căn bản, là điểm xuất phát của các dự án đóng vai trò rất quyết định tương lai của dự án. Bài học đầu tiên, theo tôi nên là: vì sao phải có sản phẩm hay dịch vụ của bạn? Không có nhu cầu từ thị trường mà chỉ xuất phát từ đam mê ngất trời, hay là do có mọi điều kiện thuận lợi sẵn sàng ngay trong gia đình, thì mầm hoạ tan rã đã có sẵn. Sau đó là mô hình kinh doanh.

Hiểu đơn giản: cách nào kiếm tiền, cách nào để kiếm được lợi nhuận (dù không hẳn kiếm được lợi nhuận ngay, nhưng mô hình kinh doanh phải giải đáp câu hỏi đó). Do đó, việc tổ chức cho các bạn trẻ làm những startup tour là rất quan trọng. Dẫn họ đến những thị trường đầy sức sáng tạo càng hay. Vì sao tại thị trường California, Hoa Kỳ, các phụ gia, phụ liệu cho thực phẩm và các gia vị lại phong phú hơn ở Việt Nam?

Vì nhu cầu chế biến nhanh, thao tác không quá phức tạp mà vẫn giữ được mùi vị truyền thống tốt nhất trong khả năng có thể. Khi nhu cầu càng cao (cuộc sống công nghiệp, không có thì giờ ủ ướp, pha chế), sản phẩm phát sinh để đáp ứng càng nhiều. Phải quan sát thị trường, nghiên cứu thị trường, đây là quá trình học hỏi lâu dài. Tốt nhất là có chuyên gia tư vấn tin cậy và kiểm tra lại từ thị trường. Các vườn ươm, trung tâm khởi nghiệp hãy đưa các chủ dự àn trở lại mặt đất. Khuyên họ săm soi chăm chú vào từng nhu cầu nhỏ của cuộc sống. Núi vàng ở đó. Và luôn đồng hành với thị trường, mọi năng lượng sống cũng từ đó.

Kim Hạnh (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem