Lấn sân sang nông nghiệp, Bầu Hiển sở hữu quỹ đất “vàng”

Nguyên Phương Thứ tư, ngày 16/05/2018 07:05 AM (GMT+7)
Lặng lẽ đầu tư vào bất động sản từ năm 2009, đến nay Bầu Hiển đã khiến nhiều đại gia bất động sản phải giật mình bởi quỹ đất “vàng” rải đều trên khắp cả nước được tích lũy sau những thương vụ mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá, thoái vốn như Bia Việt Hà, Vinafor, Vigecam...
Bình luận 0

img

Ông Đỗ Quang Hiển, thường được gọi là Bầu Hiển nhờ giữ vai trò ông bầu của CLB Bóng đá Hà Nội

Ông Đỗ Quang Hiển, thường được gọi là Bầu Hiển nhờ giữ vai trò ông bầu của CLB Bóng đá Hà Nội. Trên thương trường, bầu Hiển từng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T, ông cũng là Chủ tịch HĐQT của: Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Công ty CP Quản lý Quỹ Sài Gòn - Hà Nội (SHF); Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS); Công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp SHB (SHB Land)...

Bầu Hiển bước chân vào lĩnh vực bất động sản từ năm 2009, bằng những thương vụ hợp tác đầu tư như 584 Lilama SHB, Công ty Best &T, Công ty T&T – MCK.

Gần đây, tên tuổi của Bầu Hiển được dư luận chú ý với hàng loạt thương vụ thâu tóm những doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá, thoái vốn với tiến độ nhanh gọn. Đáng chú ý là loạt doanh nghiệp này đều sở hữu quỹ đất vàng tại cả Hà Nội và TP.HCM khiến dư luận đồn đoán phải chăng doanh nhân này đang vung tay gom doanh nghiệp với mục đích chính là đất.

Gom loạt doanh nghiệp nhà nước có quỹ đất vàng

Việc mua cổ phần của các doanh nghiệp Nhà nước làm nông nghiệp chính là phong cách đầu tư mà công ty của bầu Hiển thường thực hiện trong vài năm trở lại đây.

Gần đây nhất, phiên đấu giá gần 115 triệu cổ phần, chiếm 23% vốn điều lệ của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) diễn ra sáng 14.3 đã kết thúc với giá trúng bình quân quanh mức giá khởi điểm là 10.101 đồng/cổ phần. Vinafood II đã thu về gần 1.160 tỷ đồng từ đợt chào bán này nhờ tổng cộng 41 nhà đầu tư tham gia đấu giá và trúng giá, gồm 40 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư là tổ chức.

Yếu tố khiến phiên đấu giá có kết quả như trên xuất phát từ việc Vinafood II đã chọn Tập đoàn T&T là nhà đầu tư chiến lược duy nhất. T&T dự kiến sẽ phải chi gần 1.300 tỷ đồng để sở hữu toàn bộ số cổ phần trúng giá của Vinafood II.

img

Một số thương vụ thâu tóm cổ phần các DNNN do tập đoàn T&T thực hiện trong thời gian ông Đỗ Quang Hiển là Chủ tịch HĐQT tập đoàn (Ảnh: I.T)

Trước đó, trong giai đoạn 2015 – 2016, Công ty của bầu Hiển đã không tiếc tiền mua cổ phần tại một loạt doanh nghiệp Nhà nước như 98% cổ phần tại Công ty CP Cảng Quảng Ninh với giá 490 tỷ đồng hay trở thành cổ đông chiến lược tại Bệnh viện Giao thông vận tải thông qua việc chi 119 tỷ đồng để nắm 51,43% vốn điều lệ.

Cổ phần của Bia Việt Hà, Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Tổng công ty Rau quả nông sản (Vegetexco) cũng lần lượt vào tay T&T trong vài năm trở lại đây.

T&T cũng mua 50% cổ phần Công ty xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội (Unimex Hà Nội) – đơn vị thành viên của Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro), một công ty kinh doanh nông sản (cà phê, chè, sắn…).

Không chỉ mua nhanh, công ty của bầu Hiển còn mua cổ phần của không ít DNNN với giá khá bèo, chỉ nhỉnh hơn mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần do các DN này làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, nợ lớn.

img

Dù doanh thu lớn nhưng kết quả kinh doanh của Vinafood II trong những năm gần đây đều ghi nhận con số thua lỗ nặng nề (Ảnh minh họa)

Điển hình là Vinafood II, dù doanh thu lớn nhưng kết quả kinh doanh của Vinafood II trong những năm gần đây đều ghi nhận con số thua lỗ nặng nề.

Cụ thể, năm 2013 Tổng công ty lỗ 216 tỷ đồng và đến năm 2014 thì số lỗ tăng vọt lên 873 tỷ đồng. Trong hai năm 2015 và 2016, tình hình kinh doanh cải thiện với khoản lãi 156 tỷ đồng và 161 tỷ đồng, nhưng sau đó hiệu quả kinh doanh lại giảm sút và sáu tháng đầu năm 2017 lại lỗ tiếp 118 tỷ đồng. Đến giữa năm ngoái, Vinafood II vẫn còn lỗ luỹ kế tới 912 tỷ đồng.

Vinafood II còn có những khoản đầu tư không hiệu quả dẫn đến thua lỗ lớn, đặc biệt trong lĩnh vực thuỷ sản. Theo đó, Tổng công ty có 11 dự án đầu tư không hiệu quả với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là gần 770 tỷ đồng.

Trong số đó, có những dự án đã tạm ngừng hoạt động như Nhà máy Chế biến thức ăn thủy sản, dự án Nhà máy Chế biến và bảo quản thủy sản thực phẩm, dự án Nhà máy Chế biến thủy sản Cầu Quan.

img

Doanh thu hơn 1.300 tỷ đồng, song lợi nhuận từ kinh doanh hàng hóa nông sản của Cảng Quảng Ninh chỉ đạt hơn 400 triệu đồng

Bầu Hiển có đang thực sự chơi lớn ở lĩnh vực nông nghiệp? Thực tế, những thương vụ nêu trên cho thấy có vẻ như bầu Hiển muốn tập trung vào lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, chứ không đầu tư vào theo hướng nuôi trồng như một số đại gia đầu tư làm nông nghiệp trước đó.

Theo báo cáo tài chính mà Công ty cổ phần Cảng Quảng Ninh - một đầu mối chính trong việc kinh doanh nông sản của nhóm bầu Hiển, doanh thu quý I.2018 lên đến gần 1.400 tỷ đồng, tăng vọt so với con số chưa đầy 100 tỷ cùng kỳ.

Sự tăng mạnh về doanh thu của Cảng Quảng Ninh không phải bắt nguồn từ hoạt động kinh doanh tại cảng như trước đây. Các hoạt động truyền thống như bốc xếp, cầu bến, tiền hàng qua cảng, tiền vận chuyển hàng, lưu kho, bãi…thay đổi theo chiều hướng sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2017. Bù lại, hoạt động kinh doanh hàng hóa nông sản đã giúp Cảng Quảng Ninh thu về 1.305 tỷ đồng doanh thu.

Song hoạt động kinh doanh nông sản không giúp Cảng Quảng Ninh thu lại nhiều lợi nhuận khi lãi gộp cho mảng này chỉ đạt hơn 400 triệu đồng.

Sở hữu quỹ đất vàng nhờ đầu tư vào nông nghiệp

Các đại gia luôn cố gắng xây dựng chuỗi kinh doanh với nhiều lĩnh vực có thể hỗ trợ nhau. Hiện diện tên tuổi trên nhiều mảng khiến người ta cảm nhận được đó là thương hiệu mạnh, nhưng cũng chính là con dao hai lưỡi khi nguồn lực doanh nghiệp bị phân tán quá nhiều.

Tập đoàn T&T đang hoạt động trong 9 lĩnh vực chủ đạo, gồm Đầu tư tài chính; Kinh doanh bất động sản; Hạ tầng giao thông; Thăm dò khai thác và chế biến khoáng sản; Kinh doanh nông sản; Thương mại xuất nhập khẩu; Đầu tư kinh doanh cảng biển – Logistics; Công nghiệp sản xuất, lắp ráp; Y tế giáo dục.

img

Các DNNN do tập đoàn T&T thực hiện thâu tóm cổ phần trong thời gian ông Đỗ Quang Hiển là Chủ tịch HĐQT tập đoàn sở hữu không ít đất vàng (Ảnh minh họa)

Trở lại câu chuyện mua gom hàng loạt công ty Nhà nước giai đoạn 2015 – 2016, không ít nhà đầu tư cho rằng bầu Hiển nhắm đến quỹ đất khổng lồ mà các doanh nghiệp này nắm giữ.

Đặc điểm chung của các công ty được T&T đầu tư mua lại cổ phần là đều nắm giữ nhiều “đất vàng” trong khi hoạt động kinh doanh chính không mấy hiệu quả.

Điển hình là Vigecam, dù làm ăn bết bát song DN này hiện quản lý, sử dụng quỹ đất thuê của Nhà nước với tổng diện tích 114.794m2. Trong đó, có 6 khu đất rộng lớn tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng.

Đáng chú ý, khu đất 23.000m2 tại quận Đống Đa (Hà Nội) là dự án khu vui chơi giải trí, đang được chuyển đổi chủ đầu tư… Quỹ đất đai này được xem là “miếng bánh màu mỡ” nhất mà các đại gia bất động sản nhòm ngó.

Trong khi đó, Vinafor có 43.400ha đất nông nghiệp, khoảng 50ha đất phí nông nghiệp và nhiều dự án BĐS ở Hà Nội.

Còn Công ty Bia Việt Hà cũng có 2 khu đất ở trong tình trạng thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quyết định của UBND TP. Hà Nội vào năm 2016, đó là khu đất rộng gần 20.000 m2 tại 87 Lĩnh Nam (Hoàng Mai) và một khu đất tại số 11-13 Nguyễn Chí Thanh (Ba Đình) rộng 1.071 m2. Ngoài ra, Việt Hà cũng được Hà Nội giao quản lý hàng loạt các khu đất vàng tại phố Quán Sứ, Hàng Thiếc, Hàng Trống (Hà Nội).

img

Một số dự án BĐS do tập đoàn T&T góp vốn hoặc do các công ty con của T&T triển khai (Ảnh: I.T)

Trước đó, bầu Hiển đã bén duyên kinh doanh bất động sản từ năm 2009. Nhằm phục vụ cho kế hoạch kinh doanh của mình, bầu Hiển lập ra T&T Land, công ty với nhiều dự án TTTM khắp ba miền với nhiều hoạt động mua lại, nắm giữ các khu đất vàng tại Hà Nội như tòa văn phòng số 45 Lý Thường Kiệt, tòa văn phòng 23 Láng Hạ, khu tổ hợp 273 Tây Sơn, chung cư 120 Định Công, khu nghỉ dưỡng cao cấp Hồ Xuân Khanh hay tòa nhà căn hộ T&T Riverside tại 440 Vĩnh Hưng.

Phía Nam, T&T lấn sân với các dự án như 446 – 448 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, khu căn hộ cao cấp Long Hậu trên diện tích đất 300 ha hay dự án đất nền Long Hậu tại tỉnh Long An. Miền Trung có Dự án khách sạn T&T – Đà Nẵng, KĐT Điện Bàn có diện tích 400 ha ở Quảng Nam, dự án 152 ha ở Tân Dân, Thanh Hoá...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem