Thị trường máy bơm nước còn lắm điều đáng suy ngẫm…

Thứ bảy, ngày 02/09/2017 07:00 AM (GMT+7)
Nếu chỉ là chiếc máy bơm nước, chọn loại giá rẻ của Trung Quốc là xong, đâu có gì ầm ĩ? Nhưng ông Hà Vĩ Hồng lại không nghĩ như vậy. Thị trường máy bơm nước còn lắm điều đáng suy ngẫm…
Bình luận 0

Lối nhỏ ta đi…

Từng mua đi, bán lại, sửa chữa, phục hồi, khởi đầu là cơ sở sản xuất nhỏ kiểu gia đình, ông Hà Vĩ Hồng đo được nhu cầu bơm tưới, hút giếng, tầng cao, tiêu thoát nước… nên kêu gọi góp vốn cổ phần, tổ chức sản xuất theo đội hình hàng Việt.

img

Ông Hà Vĩ Hồng cho rằng, thị trường máy bơm nước còn lắm điều đáng suy ngẫm.

13 năm trôi qua, từ cơ sở sản xuất nhỏ thành công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu, ông Hồng cảm nhận cuộc cạnh tranh gay gắt hơn, hành trình chông gai hơn, nhưng đã “ngồi trên lưng cọp”, không thể dừng lại, bước xuống hay quay đầu.

“Không chỉ có máy của chúng tôi, thị trường không thiếu loại máy bơm nào, Tây Tàu có đủ”, từ góc nhìn này, ông Hồng dõi theo sự chuyển động của những trang trại, những nhóm nông dân tưới tiết kiệm nước và thực trạng “khóc ròng” của những người “tính già hoá non”, khi mua máy bơm Trung Quốc… để tìm về nông thôn.

Ngay cả kẻ lắm tiền như ngân hàng cũng dè dặt với thị trường nông thôn “nhiều rủi ro”, vậy ông Hồng có gan gì? “Tôi nghĩ khác, chơi với nông dân là chắc cú vì họ chất phác, không có chiêu trò gì, cứ sống thực thì ai cũng tử tế với mình”, ông Hồng thích chí khi nói rằng chỉ cần dân miền Tây nói “cái này xài được, thằng này xài được bây” là cứ yên tâm… nội, ngoại, sui gia sẽ mua.

Mỗi tháng, lượng hàng tiêu thụ bình quân ở miền Tây khoảng 5.000 máy bơm, thị phần ổn định, nhưng đó là sợi dây vô hạn và ông chỉ mới nối dài tới đại lý. Thỉnh thoảng ông Hồng lại chạy về miền Tây chuyện trò với các nhà phân phối và bắt đầu “thâm nhập” các câu lạc bộ hỗ trợ nông gia, các  startup từ nông nghiệp. Cũng giống như những nhà sản xuất, ông Hồng mời “dùng thử”, nhưng thử dùng máy bơm với những yêu cầu đa năng của nông dân, không hề đơn giản chút nào.

Bạo vì niềm tin

Miền Tây có anh thợ điện gom linh kiện máy vi tính về chế bảng điều khiển bơm tưới nước tự động cho vườn quýt 5 công, có người chế xuồng tự chở hàng bằng năng lượng mặt trời, tự chế máy cuộn rơm, cải tiến máy đuôi tôm chạy vỏ lải, nhưng tới cái máy bơm thì không làm gì thêm vì việc ứng dụng đã chạm tới ngưỡng. Hễ 1 ngựa (mã lực) là 750W, 1 ngựa rưỡi  là 1.100W… tiết kiệm hơn nữa, máy nhỏ thì lưu lượng nhỏ theo. Còn độ bền? Khi các nhà kinh doanh chỉ dám bảo hành một năm thì ông Hồng hai năm, người ta hai năm thì ông bảo hành ba năm. Không có cái máy nào ở Việt Nam dám bảo hành ba năm, chỉ có ông Hồng sẵn sàng cho người tới nơi tư vấn, thậm chí quấn lại môtơ do người xài cắm dây lạnh xuống ao!

“Chất lượng máy? Hễ mình làm được tới đâu người khác cũng làm được, nhưng chăm sóc khách hàng là việc khó, mình làm được những việc không ai làm thì tự nhiên sẽ bớt cái khó”, ông Hồng am hiểu thực trạng  “tiền mất tật mang” từng tồn tại ở nông thôn.

Nông thôn chết khổ vì những chiêu “bán hàng thanh lý” không rõ từ đâu đến bán hàng giá rẻ, một “combo” ba chiếc áo sơmi chỉ 120.000 đồng, giặt một lần sờn mặt vải. Hỏi hàng thanh lý có phải là loại tồn kho quá lâu nay đem ra bán?, người bán trả lời: “Dạ công ty con tên là Thanh Lý”. Có nơi họ đổ một xe sữa hộp, chào bán ì xèo, thu tiền xong là dọt lẹ. Sữa chào mời coi bộ ngon nhưng loại bán cho sạp, ngày nào cũng nghe đôi co, mắng vốn từ khách hàng. Chỉ có máy móc thiết bị, có lẽ nặng nề quá và khó gạt nên ít khi thấy hàng lề đường. Mấy năm nay, hàng Việt về nhiều hơn, trước đây hầu hết là hàng Trung Quốc. Thực lòng mà nói, hàng tiêu dùng  nhiều chứ máy móc sản xuất trong nước, nhất là loại phục vụ nông nghiệp cũng chẳng có bao nhiêu, một thành viên câu lạc bộ  hỗ trợ nông gia, nói.

Dù giá cao hơn thị trường  khoảng 20% nhưng người ở nông thôn vẫn chọn hàng của ông, đơn giản là vì độ bền và “cái tình” khi mua bán, cần gì là có người tư vấn, lấn cấn gì thì có đại lý tới nơi. Ông Hồng coi trọng việc thắt chặt, gia cố sợi dây liên hệ này.

Giấc mơ xuất ngoại

Từ số vốn chỉ 10 cây vàng, thời điểm 2004, chừng mấy trăm triệu để bắt đầu ý tưởng khởi nghiệp; ông Hồng cười ngất khi có ai đó hỏi: “Nếu cân lại phải mất bao lâu”. “Hai năm vừa qua, việc đầu tư máy móc công nghệ mới, làm nhà xưởng (2ha) ở  Long An trên 2 triệu USD, năng suất lên gấp đôi so với cơ sở ở Tân Bình, TP.HCM. Tháng 10 sẽ vận hành khu này, công ty hoạt động khá tốt và số lời nhìn thấy là cơ sở sản xuất mới chuẩn bị cho bước tiến sang Lào, Myanmar, ông trả lời.

Kinh doanh bây giờ quá nhiều cơ hội, mua đồ Trung Quốc về dán nhãn nhặng xị là có thể kiếm lời, đầu tư chi cho mệt. Nhưng đó không phải là đích đến của năm sáng lập viên công ty đang “máu lửa” với việc mở rộng thị trường, cải tiến kỹ thuật, làm mẫu mới cho máy bơm và quạt công nghiệp sau mười năm thay đổi mẫu mã, nâng chất sản phẩm để tiến về nông thôn và cụm công nghiệp.

Một đất nước công nghiệp hoá, nhiều việc lớn lao, cao cả nên ít ai nghĩ tới việc nhỏ. Bán quạt như bao nhiêu người khác, có gì ầm ĩ? Nếu chỉ bán và người mua lắp ở đâu đó là xong, nhưng đây là công cụ để tạo một không gian lao động mát mẻ, không khí hài hoà để mọi người làm việc thoải mái, chúng tôi tự nguyện khảo sát và tham gia ý kiến với người thiết kế về công suất, lưu lượng gió… Cũng có nhiều người nói làm gì mà “quan trọng hoá” vấn đề? Vài cái quạt là mát cả xưởng, lắp ít hơn để tiết liệm chi phí thì oi bức một chút là cùng, công nhân được trả lương, còn bao nhiêu người khác làm ngoài trời, cần gì quạt?

“Hành trình khởi nghiệp là phát hiện những vấn đề hiện lên trong đời sống, làm gì đó cho cuộc sống tốt hơn mà không phải chen lấn với ai thì mình làm”, ông Hồng, tổng giám đốc công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu, khẽ khàng nói.

Hoàng Lan (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem