Độc đáo tháp Cửu phẩm Liên Hoa cao 9 tầng hoa sen ở một ngôi chùa cổ kính đất Nam Định

Mai Chiến Thứ bảy, ngày 11/05/2024 05:42 AM (GMT+7)
Tháp Cửu phẩm Liên Hoa nằm trong khuôn viên chùa Cổ Lễ (thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Tháp được xây dựng vào năm 1927, thiết kế theo kiểu 9 tầng hoa sen, cao 32m, có 8 mặt và toàn bộ tháp đặt trên lưng con rùa khổng lồ.
Bình luận 0

Tháp Cửu phẩm Liên Hoa (thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) do Hòa thượng Phạm Quang Tuyên - Trụ trì chùa Cổ Lễ đã thiết kế và xây dựng. Video: Mai Chiến.

Tháp 9 tầng hoa sen, nằm trên lưng con rùa khổng lồ

Trước khi tìm hiểu về tháp Cửu phẩm Liên Hoa, chúng tôi xin sơ lược về chùa Cổ Lễ. Chùa Cổ Lễ được xây dựng từ thế kỷ 12 thời Lý Thần Tôn với hiệu là "Thần Quang Tự", chùa thờ Phật và Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không.

Độc đáo tháp Cửu phẩm Liên Hoa cao 9 tầng hoa sen ở một ngôi chùa cổ kính đất Nam Định- Ảnh 1.

Tháp Cửu phẩm Liên Hoa (thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) nhìn từ trên cao. Ảnh tư liệu.

Theo văn bia còn lưu giữ tại chùa ghi lại, Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không hương quán tại làng Điền Xá (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Thủa nhỏ, ngài làm nghề chài lưới của cha ông; đến năm 29 tuổi ngài xuất gia.

Ngài cùng Thiên sư Giác Hải và Thiền sư Từ Đạo Hạnh kết nghĩa anh em sang Tây Vực (Bắc Ấn Độ) tầm học phép "Tâm vô lậu" đắc "Giới - Định - Tuệ viên dung nhập Thánh siêu phàm du nhật nguyệt".

Sau khi đắc lục trí thần thông, cả 3 trở về nước. Đức Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh trụ trì chùa Sài Sơn. Đức Giác Hải Thiền sư trụ trì chùa Diên Phúc. Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không trụ trì chùa Thần Quang (nay gọi là chùa Cổ Lễ).

Độc đáo tháp Cửu phẩm Liên Hoa cao 9 tầng hoa sen ở một ngôi chùa cổ kính đất Nam Định- Ảnh 2.

Tháp Cửu phẩm Liên Hoa được xây dựng năm 1927, nằm ở vị trí trước chùa Cổ Lễ. Ảnh: Mai Chiến.

Trước đây, chùa Cổ Lễ được thiết kế bằng gỗ theo kiến trúc cổ. Trải qua thời gian phong hóa của nắng xói, mưa mòn và mối mọt nên ngôi chùa bị xuống cấp nghiêm trọng.

Năm 1902, Đệ Nhất sư Tổ Phạm Quang Tuyên về trụ trì đã trùng tu, tái thiết lại ngôi chùa theo kiến trúc"Nhất Thốc Lâu Đài" với quy mô rộng lớn, mang nền kiến trúc văn hóa Phật Giáo trứ danh.

Để tạo điểm nhấn trong khuôn viên chùa Cổ Lễ, năm 1927, Hòa thượng Phạm Quang Tuyên - Trụ trì chùa Cổ Lễ đã thiết kế và xây dựng tháp Cửu phẩm Liên Hoa với kiến trúc nhiều tầng vươn cao dần lên không trung, thể hiện sức bươn trải của đạo và mang đặc trưng của kiến trúc Phật giáo.

Độc đáo tháp Cửu phẩm Liên Hoa cao 9 tầng hoa sen ở một ngôi chùa cổ kính đất Nam Định- Ảnh 3.

Toàn bộ tháp Cửu phẩm Liên Hoa nằm trên lưng con rùa khổng lồ, đầu rùa hướng vào chủa Cổ Lễ. Ảnh: Mai Chiến.

Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa thiết kế theo kiểu 9 tầng hoa sen, cao 32m, có 8 mặt, toàn bộ tháp nằm trên lưng con rùa khổng lồ. Dáng vóc rùa thật sinh động, chắc khoẻ, dài 18m, rộng 10m. Mai rùa được cách điệu lượn cong thành 8 múi lớn, mỗi múi dài 4,65m. Bốn chân rùa vươn dài trụ vững xuống lòng hồ, đầu hướng vào trong chùa, đuôi hướng ra phía ngoài.

Rùa biểu tượng cho sự vững trãi, trường tồn, Tháp "Cửu phẩm liên hoa" xây trên lưng rùa, gọi nôm na là Tháp rùa - một biểu tượng của văn hóa Phật giáo Tịnh độ, cũng là biểu tượng cho sự vững trãi, trường tồn của Phật pháp.

Độc đáo tháp Cửu phẩm Liên Hoa cao 9 tầng hoa sen ở một ngôi chùa cổ kính đất Nam Định- Ảnh 4.

Lối lên vào bên trong tháp Cửu phẩm Liên Hoa. Ảnh: Mai Chiến.

Đặc biệt, 4 góc hồ có đắp 4 núi hình tháp nhỏ mang dáng dấp tháp chàm, mỗi tháp có 1 con voi áp mình vào thân núi, phỏng theo triết lý Đông phương "Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái" mà Kinh dịch từ nghìn năm trước đã dạy.

Thân tháp Cửu phẩm Liên Hoa được trang trí nhiều con vật, các câu kệ

Người dân địa phương truyền trai nhau rằng, việc xây dựng tháp Cửu phẩm Liên Hoa hết sức công phu. Để xây dựng được tháp trên một hồ nước, nhà chùa phải cho gia cố móng bằng 50 cây gỗ lim lớn, nhờ vậy tháp mới đứng vững cho đến ngày nay.

Theo thiết kế, trong lòng tháp có cột thông tâm hình trụ tròn và cầu thang xoáy chôn ốc, đi lên tới đỉnh có bàn thờ Phật là 64 bậc, ứng với 64 quẻ của Kinh dịch.

Độc đáo tháp Cửu phẩm Liên Hoa cao 9 tầng hoa sen ở một ngôi chùa cổ kính đất Nam Định- Ảnh 5.

Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa thiết kế theo kiểu 9 tầng hoa sen, cao 32m, có 8 mặt. Ảnh: Mai Chiến.

Trên 4 mặt chính của tháp đều thể hiện các tên hiệu Phật thông qua các câu kệ: Nam mô Liên trì hội thượng Phật Bồ Tát/ Nam mô Tây Phương cực lạc A Di Đà Như Lai/ Nam mô Quan Đại thế chớ Bồ Tát/ Nam mô Thanh tịnh Đại hải chúng Bồ Tát.

Ngoài ra, tháp Cửu phẩm Liên Hoa còn được trang trí bởi những con lân, phượng và 6 cặp rồng bám theo thân tháp, từng đôi vờn nhau, con phía trước nghểnh xuống, con phía dưới ngóc lên. Chính vì vậy mà tôn thêm sự hoành tráng của cây tháp, biểu tượng cho sự phồn vinh của nền nông nghiệp lúa nước.

Hiện tại, cánh cửa ra vào tháp Cửu phẩm Liên Hoa luôn trong tình trạng "cửa đóng, then cài". Cửa chỉ mở mỗi khi chùa có lễ lớn, những ngày hội diễn ra vào tháng 9 âm lịch.

Vào dịp lễ hội, du khách có thể trải nghiệm leo lên tầng cao nhất trong lòng tháp để phóng tầm mắt qua ô cửa thông gió nhìn ra bốn phương, tám hướng, ngắm toàn cảnh ngôi chùa từ trên cao.

Độc đáo tháp Cửu phẩm Liên Hoa cao 9 tầng hoa sen ở một ngôi chùa cổ kính đất Nam Định- Ảnh 6.

Trên 4 mặt chính của tháp đều thể hiện các tên hiệu Phật thông qua các câu kệ. Ảnh: Mai Chiến.

Một người dân địa phương cho biết, những lỗ thông gió trên cùng của tháp Cửu phẩm Liên Hoa đã được bộ đội, quân du kích sử dụng làm đài quan sát trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

"Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa Cổ Lễ vừa là nơi hội họp chỉ đạo phong trào cách mạng của tỉnh Nam Định, vừa là cơ sở nuôi giấu cán bộ, du kích và bộ đội chủ lực Sư đoàn 320, Đại đội 91 của tỉnh, Đại đội 75 huyện Trực Ninh", người dân Cổ Lễ chia sẻ.

Độc đáo tháp Cửu phẩm Liên Hoa cao 9 tầng hoa sen ở một ngôi chùa cổ kính đất Nam Định- Ảnh 7.

Trên tháp Cửu phẩm Liên Hoa có đắp nổi hình con rồng, lân,... Ảnh: Mai Chiến.

Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Hoà thượng Thích Thế Long đã chủ trì buổi mít tinh trọng thể làm lễ phát nguyện cho 27 nhà sư "cởi áo cà sa khoác chiến bào ra trận" để bảo vệ quê hương. Đó là ngày 27/2/1947.

27 nhà sư này là những người yêu nước đến từ nhiều địa phương trong tỉnh Nam Định. Song, trong số này cũng có người đến từ Nghệ An, Hải Phòng, Ninh Bình.

Hôm đó, tại buổi lễ Cởi áo cà sa, chư ni Thích Đàm Nhung xúc động đọc lời phát nguyện:

"Cởi áo cà sa khoác chiến bào

Việc quân đâu có quản gian lao

Gậy thiền quét sạch loài xâm lược

Theo gót Trưng Vương tỏ nữ hào".

Độc đáo tháp Cửu phẩm Liên Hoa cao 9 tầng hoa sen ở một ngôi chùa cổ kính đất Nam Định- Ảnh 8.

Vườn tượng 12 nhà sư đã hi sinh tại các mặt trận chiến trường. Ảnh: Mai Chiến.

Ngay sau đó, 27 nhà sư đã "cởi áo cà sa", chính thức lên đường nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các nhà sư đã lập nên nhiều chiến tích; tuy nhiên có 12 nhà sư đã hy sinh tại các mặt trận chiến trường.

Các nhà sư còn lại, sau khi xong nhiệm vụ cứu nước, có người tiếp tục ở lại quân ngũ giữ nhiều chức vụ cao, có người lại trở về cửa thiền tu hành, giữ nhiều trọng trách quan trọng khác trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Năm 1988, Chùa Cổ Lễ (thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem