Docimexco bỏ rơi người trồng lúa

Thứ năm, ngày 05/04/2012 07:14 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc Công ty CP Sản xuất và kinh doanh lúa gạo Docimexco (Đồng Tháp) từ chối mua lúa gạo theo hợp đồng ký với nông dân trước đó đã khiến người dân vựa lúa khốn khổ.
Bình luận 0

Như đã thông tin, vụ đông xuân 2011-2012, hàng loạt hợp tác xã (HTX) trồng lúa chất lượng cao ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) ký hợp đồng bao tiêu với Công ty CP Docimexco. Nhưng tới vụ thu hoạch, công ty từ chối mua với nhiều lý do khác nhau. Vì vậy, hàng ngàn ha lúa ở cánh đồng mẫu lớn (CĐML) bị doanh nghiệp "bỏ rơi" nên nông dân bán ra bên ngoài với giá thấp hơn.

img
Cánh đồng lúa ở xã Phú Cường không được doanh nghiệp thu mua dù đã ký hợp đồng bao tiêu.

Ông Nguyễn Văn Trãi - Chủ nhiệm HTX Tân Cường cho biết "Công ty đã từ chối thu mua với lý do rất vô lý là lúa chưa chín! Vì vậy hầu hết bà con xã viên đều bán cho thương lái ở bên ngoài với giá thấp gây thiệt hại lớn. Đây là mô hình được chính UBND tỉnh Đồng Tháp chọn làm thí điểm nhưng cuối cùng vẫn bị tắc ngay ở đầu ra".

Ký 10, thu mua chưa tới 1

Ông Phùng Công Thanh - Chủ tịch UBND xã Phú Cường cho rằng: "Nông dân xây dựng mô hình CĐML sản xuất lúa chất lượng cao nhưng cuối cùng đã không được doanh nghiệp thu mua dù đã được ký hợp đồng bao tiêu. Chính việc này đã gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc vận động nông dân xây dựng mô hình CĐML trong những vụ sau".

Theo ông Thanh, việc làm này cho thấy doanh nghiệp không đồng hành, chia sẽ khó khăn với nông dân. Bởi vì thời điểm thu hoạch giá lúa liên tục giảm nên doanh nghiệp đưa ra nhiều lý do để từ chối thu mua.

Ngoài ra, theo nhiều nông dân những CĐML thu hoạch rộ nhưng năng lực tài chính, vận chuyển, phơi sấy, kho trữ... của doanh nghiệp hạn chế nên đã không thu mua lúa của nông dân theo hợp đồng đã ký.

Cần trọng tài phân xử tranh chấp

Để có thông tin đa chiều, PV NTNN đã trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Giang - Trưởng phòng Kế hoạch, tổng hợp (Công ty CP Docimexco) về lý do vì sao không thu mua lúa của nông dân theo hợp đồng.

Ông Giang cho biết: Đúng là từ đầu vụ, công ty đã ký hợp đồng thu mua lúa với các HTX. Tuy nhiên, đây chỉ là hợp đồng thỏa thuận giữa 2 bên. Trong đó có quy định về chất lượng hạt lúa, giá cả, thời điểm thu hoạch. Giá thu mua dựa trên cơ sở giá thị trường và bà con có quyền bán ra bên ngoài. Trong đợt thu hoạch đầu tiên ở HTX Tân Cường, công ty không mua được là do chưa thống nhất thời điểm thu hoạch. Đến đợt thu hoạch thứ 2, doanh nghiệp có mua nhưng số lượng ít vì bà con đã bán ra bên ngoài và do giá thấp nên họ phơi khô trữ lại để chờ giá lên. Đây là hợp đồng dân sự nên chuyện xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn là việc bình thường. Theo tôi cần có đơn vị thứ 3 có chuyên môn đứng ra phân xử, giải quyết mâu thuẫn để đi đến thống nhất trong việc thu mua lúa của nông dân.

Trước đó, Công ty CP Docimexco đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa chất lượng cao với 10 HTX trên địa bàn huyện Tam Nông. Trong đó phần lớn đều sản xuất lúa chất lượng cao theo mô hình CĐML, với tổng diện tích 2.644ha. Tuy nhiên, đến vụ thu hoạch Docimexco chỉ mua 1.461 tấn - tức chỉ chiếm khoảng 6% tổng sản lượng đã ký hợp đồng. Rất nhiều HTX sản xuất lúa chất lượng cao đã bị công ty từ chối mua với nhiều lý do khác nhau như thời điểm thu hoạch, độ ẩm, giá… Trong 10 HTX đã ký hợp đồng bao tiêu với Docimexco thì chỉ có 3 HTX được mua, nhưng với số lượng rất ít.

Ở HTX Tân Cường, xã Phú Cường xây dựng mô hình CĐML trên diện tích 600ha lúa Jasmine. Ngay từ đầu vụ HTX đã đại diện cho nông dân ký hợp đồng tiêu thụ với Docimexco nhưng tới gần thời điểm thu hoạch công ty đã từ chối thu mua với lý do lúa chưa chín. Tổng cộng sau 2 đợt thu hoạch công ty chỉ mua của nông dân 8 ha - chiếm khoảng 1,3% tổng diện tích đã ký hợp đồng.

Tại HTX Phú Cường, may mắn hơn, Docimexco mua cho khoảng 50% sản lượng so với hợp đồng đã ký. Ông Dương Văn Hùng - Chủ nhiệm HTX Phú Cường cho biết "Vụ đông xuân này Docimexco đã ký hợp đồng bao với diện tích 250ha. Nhưng do công ty không mua hết sản lượng của bà con xã viên nên HTX phải tự tìm đơn vị bên ngoài mới tiêu thụ hết. Tất nhiên, giá thu mua phải thấp hơn 50 đồng/kg. Việc doanh nghiệp " bỏ rơi" cánh CĐML đã khiến hàng trăm nông dân ở HTX chịu thiệt".

Nhà nước cần làm trung gian

Hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân không thực hiện được là do 2 bên chưa thống nhất ở nhiều điểm như: Thời điểm thu hoạch, phương thức vận chuyển, số lượng thu mua, độ ẩm lúa… Nhưng dù thế nào đi nữa, khi xảy ra sự không thống nhất thì nông dân là người chịu thiệt vì bán ra bên ngoài giá thấp hơn.

Ông Dương Nghĩa Quốc - Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Tháp cho biết: “Giữa 2 bên đều không thống nhất với nhau nên nông dân chấp nhận bán ra bên ngoài với giá thấp. Do đó cần phải có "trọng tài" đứng ra phân xử để giải quyết bất đồng giữa doanh nghiệp và nông dân. Chẳng hạn, thời điểm thu hoạch 2 bên không thống nhất nhau thì cần có ngành nông nghiệp, cán bộ chuyên môn xác định lúa chín hay chưa...

Ngoài ra theo ông Quốc, cần có sự liên kết chặt chẽ của "4 nhà" (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) để mô hình CĐML đạt hiệu quả cao nhất. Nhà nước phải làm trung gian, phân xử những tranh chấp để tránh tình trạng đổ vỡ hợp đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem