Đối thoại Mỹ-Trung ở Alaska: Điềm bất lành không thể khác

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ hai, ngày 22/03/2021 14:01 PM (GMT+7)
Cuộc gặp giữa Mỹ và Trung Quốc vừa rồi ở Alaska không phải được thu xếp để hai bên giải quyết những bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích lâu nay mà để bên này nói rõ quan điểm và chủ ý cho bên kia biết.
Bình luận 0
Đối thoại Mỹ-Trung ở Alaska: Điềm bất lành không thể khác - Ảnh 1.

Hai tháng sau khi tân tổng thống Mỹ Joe Biden (Đảng Dân chủ) và người tiền nhiệm là Donald Trump (Đảng Cộng hoà) rời Nhà Trắng, Mỹ và Trung Quốc có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên. Trước đó, ông Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc điện đàm. Cuộc gặp gỡ trực tiếp diễn ra ở thành phố Anchorage (bang Alaska của Mỹ) với sự tham dự của bộ trưởng ngoại giao Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan ở phía Mỹ với uỷ viên bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc phụ trách đối ngoại Dương Khiết Trì và bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị ở phía Trung Quốc. 

Cuộc đấu khẩu vô tiền khoáng hậu giữa hai bên ngay khi phiên gặp thứ nhất trong số ba phiên họp được dự định bắt đầu gay gắt và bất hoà báo hiệu cuộc gặp này giữa Mỹ và Trung Quốc không thể đưa lại được kết quả tích cực gì và kết cục cuộc gặp như thế là điềm chẳng tốt lành chút nào cho mối quan hệ song phương này trong thời gian tới.

Nếu nhìn vào những diễn biến liên quan đến mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian qua thì sẽ hiểu vì sao điềm báo chỉ có thể là bất lành chứ không phải tốt lành. Khi ông Biden chưa lên cầm quyền ở Mỹ, mối quan hệ song phương này đã không được tốt đẹp và êm thấm nhưng ông Trump trên thực tế chỉ làm găng với Trung Quốc về thương mại nhằm giảm mức độ thâm hụt của Mỹ trong trao đổi thương mại với Trung Quốc. 

Vào cuối nhiệm kỳ cầm quyền, ông Trump mở rộng xung khắc với Trung Quốc sang cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về khoa học, kỹ thuật công nghệ cao mà biểu hiện rõ nhất là cuộc thập tự chinh của ông Trump nhằm vào những doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc trên thị trường Mỹ. Ông Trump dùng cuộc xung khắc thương mại với Trung Quốc làm một trong những biểu hiện đặc trưng điển hình cho khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" và còn phê phán ông Biden vì quá mềm yếu trước Trung Quốc nên khiến nước Mỹ bị thua thiệt trong quan hệ với Trung Quốc. Trong thời gian hai tháng cầm quyền ở Mỹ đến nay, ông Biden và cộng sự trong chính quyền mới ở Mỹ đã đảo ngược không ít chính sách cầm quyền của ông Trump  nhưng không những không làm như vậy trong chính sách đối với Trung Quốc mà còn tỏ ra cứng rắn và gay gắt hơn. 

Nguyên do ở chỗ đối phó Trung Quốc đã trở nên cấp thiết đối với Mỹ và chỉ có thông qua đối phó chứ không phải thông qua hợp tác thì Mỹ mới có thể đẩy lùi được thách thức từ Trung Quốc trên mọi phương diện đối với Mỹ. Lợi ích chiến lược cơ bản hiện tại cũng như lâu dài của nước Mỹ buộc ông Biden phải tiếp tục định hướng chính sách của người tiền nhiệm đối với Trung Quốc. Nguyên do tiếp theo là bằng cách gia tăng mức độ bất hoà và xung khắc như thế với Trung Quốc, ông Biden vừa có thể rũ bỏ mọi phê phán của ông Trump lại vừa chứng tỏ dự khác biệt với ông Trump. 

Trong tất cả những phát ngôn công khai cho đến nay của ông Biden và cộng sự cũng như những hoạt động đối ngoại đầu tiên của họ đều không thể thiếu đề cập hay ám chỉ đến thách thức từ phía Trung Quốc và chủ ý cạnh tranh chiến lược không khoan nhượng với Trung Quốc. Ngay trước cuộc gặp vừa rồi giữa Mỹ và Trung Quốc ở Alaska, thiên hạ thấy ông Biden và cộng sự nỗ lực tranh thủ đồng minh và tập hợp đối tác để cùng đối phó Trung Quốc như ở cuộc gặp trực tuyến giữa ông Biden và thủ tướng Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, như ở chuyến đi Nhật Bản và Hàn Quốc của bộ trưởng bộ ngoại giao và quốc phòng Mỹ hoặc như chuyến đi Ấn Độ của bộ trưởng quốc phòng Mỹ. Tới đây, thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ là khách nước ngoài đầu tiên của ông Biden ở Nhà Trắng.

Cuộc gặp giữa Mỹ và Trung Quốc vừa rồi ở Alaska vì thế không phải được thu xếp để hai bên giải quyết những bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích lâu nay - bởi việc giải quyết này hiện tại hoàn toàn bất khả thi và cũng không phải mục đích của phía Mỹ - mà để  bên này nói rõ quan điểm và chủ ý cho bên kia biết. Ông Biden và cộng sự dùng việc này để trang trải nhu cầu đối nội và để tập hợp lực lượng ở bên ngoài nước Mỹ cùng đối phó Trung Quốc. Phía Trung Quốc cần cuộc gặp này để ở trên chính lãnh thổ của Mỹ thể hiện ngang bằng về thế và lực với Mỹ, sự sẵn sàng chấp nhận chơi sòng phẳng và sát ván mới với Mỹ. Cả Trung Quốc cũng chủ ý dùng cuộc gặp để trang trải nhu cầu đối nội và phân hoá Mỹ với những bên khác mà Mỹ đang tìm cách liên thủ cùng đối phó Trung Quốc.  Chính vì những mục đích này mà cả hai bên đều không thất vọng mà thậm chí lại còn có phần hài lòng về kết cục không đạt kết quả gì của cuộc gặp.

Hiện tại thấy toàn những điềm bất lành cho mối quan hệ giữa hai nước này trong thời gian tới. Nhưng tính bất lành ở đây chỉ là tương đối và mức độ bất lành cũng chỉ hạn chế bởi cả hai phía đều chủ ý lấy cương chế cương, nhận thức rất rõ về triển vọng tới đây và đã sẵn sàng chấp nhận triển vọng ấy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem