4 dự án vũ khí "siêu ngông cuồng" trong thế kỷ 20

Kim Ngân Thứ hai, ngày 24/02/2020 19:31 PM (GMT+7)
Không quân Mỹ từng muốn nã tên lửa mang đầu đạn hạt nhân lên mặt trăng để thị uy với Liên Xô, còn phát xít Nhật mơ ước chế súng điện từ có khả năng giết triệu người.
Bình luận 0

Trạm phóng laser bên ngoài trái đất

Vào năm 1983, khi tổng thống Ronald Reagan của Mỹ công bố Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược để bảo vệ dân Mỹ khỏi những cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo, giới chức Liên Xô tỏ ra lo ngại, The Washington Post đưa tin. Trước đó quân đội Liên Xô nghi ngờ phi đội tàu con thoi của Mỹ có thể trở thành vũ khí bí mật khi chúng bay lên vũ trụ. Thậm chí họ còn nghĩ chúng có thể lao từ quỹ đạo trái đất xuống bầu khí quyển để thả bom xuống thành phố Moscow. Dường như Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược là một vỏ bọc cho kế hoạch triển khai những vũ khí trong không gian. Nếu quả thực người Mỹ muốn đưa chiến tranh lên vũ trụ, Liên Xô phải đáp trả thật sớm.

img

Ảnh minh họa: Livescience.

Giới chức Liên Xô tán thành ý tưởng lắp đặt một trạm phóng laser trên quỹ đạo. Polyus-Skif, tên của trạm, sẽ phóng loại laser CO2 cực mạnh, có khả năng hủy diệt những vệ tinh của đối phương trên quỹ đạo. Trong trường hợp cần thiết, trạm có thể biến các tàu con thoi của Mỹ thành những đống kim loại trôi lang thang trong vũ trụ. Về mặt lý thuyết, Polyus-Skif còn có thể chặn các tên lửa đạn đạo, song các giới hạn về công nghệ khiến khả năng đó không trở thành hiện thực.

Trên thực tế, các vấn đề kỹ thuật cản trở dự án ngay từ khi nó chưa bắt đầu. Một máy phóng laser đủ mạnh để hủy diệt vệ tinh nhân tạo là thứ quá nặng đối với mọi tên lửa đẩy. Người Liên Xô phải chế tạo một loại bệ phóng hoàn toàn mới để có khả năng chịu sức nặng của loại tên lửa khổng lồ mà họ sử dụng để đưa trạm lên quỹ đạo. Họ cũng phải thiết kế một hệ thống điều khiển phức tạp để bù đắp lượng khí thất thoát từ trạm. Thế những người Liên Xô vượt qua mọi thử thách và họ phóng phiên bản thử nghiệm vào ngày 15/5/1987.

Một lỗi phần mềm nhỏ khiến trạm nổ tung và rơi xuống Thái Bình Dương. Do ông Gorbachev, tổng thống Liên Xô thời đó, muốn giảm chi phí quân sự nên ông không cho phép thiết kế một trạm phóng laser khác. Quyết định của Gorbachev đã phá tan giấc mơ về một vũ khí trên quỹ đạo.

Bom gây sóng thần

Trong Thế chiến thứ hai, các chính phủ thuộc phe Đồng Minh hiểu rằng họ cần một vũ khí với sức mạnh không thể ngăn cản để không phải chiếm các đảo của Nhật Bản bằng bộ binh. Nhưng trong khi Mỹ thực hiện dự án bí mật Manhattan (chế tạo bom nguyên tử), chính phủ New Zealand quyết định dốc những nguồn lực của họ vào một vũ khí khủng khiếp hơn nhiều. Họ muốn tìm ra cách để giải phóng sự giận dữ của thiên nhiên lên kẻ thù, thông qua một cỗ máy tạo sóng thần hủy diệt. Điều đáng sợ hơn là họ đã tiến rất gần tới thành công.

img

Ảnh minh họa: blogspot.com.

“Bom sóng thần”, thứ vũ khí mà New Zealand muốn chế tạo, thực chất là hàng loạt quả bom nằm cách bờ biển vài km. Khi những quả bom nổ đồng thời, chúng có thể tạo ra một đợt sóng thủy triều với sức hủy diệt siêu lớn. Chính phủ Mỹ tài trợ cho dự án, bởi họ coi đó là kế hoạch dự phòng trong trường hợp bom nguyên tử không nổ.

Người New Zealand thử thành công những phiên bản “bom sóng thần” quy mô nhỏ ở ngoài khơi quần đảo New Caledonia (lãnh thổ hải ngoại của Pháp ngày nay) và xung quanh thành phố Auckland. Vào năm 1999, các nhà khoa học của Đại học Waikato nhận định rằng, kế hoạch chẳng những khả thi, mà phiên bản quy mô lớn của “bom sóng thần” có thể tạo ra sóng với độ cao tới 30 m.

Song “bom sóng thần cũng có nhiều khiếm khuyết. Đặt một hàng thuốc nổ dọc theo bờ biển không phải việc dễ dàng khi binh sĩ đối phương hiện diện trên bờ biển với vũ khí hạng nặng. Mỹ không còn quan tâm tới “bom sóng thần” sau khi họ thử thành công bom nguyên tử trong phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos. Vì thế Washington ngừng tài trợ dự án. Ngạc nhiên thay, New Zealand không hủy dự án ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc. Họ tiếp tục thực hiện các báo cáo về nó tới tận thập niên 50.

Súng điện từ có khả năng diệt triệu người

Những vũ khí phóng xung điện từ đã xuất hiện trong các tiểu thuyết viễn tưởng từ vài thập kỷ trước, nhưng chúng chưa từng tồn tại trong thực tế. Nikola Tesla, nhà khoa học lập dị từng tạo ra nhiều phát minh đột phá trong lĩnh vực điện và từ trường, tin rằng ông có thể tạo ra súng phóng xung điện từ có khả năng diệt một triệu binh sĩ trong nháy mắt. Tesla chưa bao giờ công bố thông tin chi tiết về ý tưởng của ông, song danh tiếng của ông đủ lớn để quân đội Nhật Bản nghĩ tới việc tạo ra một loại súng như thế.

img

Ảnh minh họa: Mirror.

Vào năm 1943, các nhà nghiên cứu của Shimada City, bao gồm Sin-Itiro Tomonaga, người sẽ đoạt giải Nobel trong tương lai, đã thành công trong việc tạo ra một cỗ máy có khả năng phát xung điện từ ngắn và mạnh. Quân đội Nhật Bản phá hủy cỗ máy trong những ngày cuối cùng của Thế chiến II, song các câu chuyện từ thời đó cho thấy người Nhật cố gắng biến cỗ máy thành một loại vũ khí, Japan Times cho biết. Họ đã đạt thành công ở mức giới hạn. Vũ khí đó có thể giết một con thỏ ở khoảng cách 1.000 m, nhưng với điều kiện con thỏ đứng bất động hoàn toàn trong ít nhất 5 phút.

Nã tên lửa hạt nhân lên mặt trăng

Khi Không quân Mỹ nhân ra rằng Liên Xô đang vượt họ trong cuộc đua vào không gian, họ quyết định đáp trả bằng biện pháp điên rồ nhất: Nã tên lửa hạt nhân lên mặt trăng.

img

Ảnh minh họa: Science Daily.

Leonard Reiffel, nhà vật lý từng chỉ đạo dự án tấn công mặt trăng bằng vũ khí hạt nhân, giới lãnh đạo Không quân mời ông tham gia dự án vào năm 1958. Họ muốn biết mức độ khả thi của việc phóng một tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân lên mặt trăng để tạo ra một đám mây hình nấm khổng lồ mà người trên trái đất có thể thấy. Nghiên cứu của Reiffel cho thấy ý tưởng ấy khả thi, mặc dù có thể người trên trái đất không thể thấy vụ nổ bằng mắt thường. Trên thực tế, Reiffel tính toán rằng một tên lửa đạn đạo từ trái đất có thể lao trúng mục tiêu trên mặt trăng với mức lệch tối đa 3,2 km.

Mặc dù mục tiêu chính của dự án – mang mật danh A119 – là dọa Liên Xô (và mọi nước khác), song thực ra Không quân Mỹ còn có một ý định bí mật khác. Một vụ nổ trên mặt trăng có thể giúp họ đánh giá những tác động của quá trình di chuyển trong vũ trụ của vũ khí hạt nhân. Đó là yếu tố vô cùng quan trọng đối với đề xuất của Không quân về việc thành lập những điểm phóng tên lửa đạn đạo trên mặt trăng. Nếu Liên Xô chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến tranh hạt nhân với Mỹ, phần còn lại của quân đội Mỹ có thể phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân từ mặt trăng xuống lãnh thổ Liên Xô.

Tuy nhiên, Không quân Mỹ hủy dự án A119 do nhiều quan chức lo ngại về những tác động của vụ nổ hạt nhân đối với những hoạt động phóng xạ tự nhiên của mặt trăng.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem