Đại tướng của Phương Lạp khiến 9 đầu lĩnh Lương Sơn vong mạng là ai?

Thanh Xuân Thứ ba, ngày 03/09/2019 16:32 PM (GMT+7)
Dân Việt từng có bài viết về một tướng bên Phương Lạp, từng trực tiếp và gián tiếp gây ra cái chết của tổng cộng 13 đầu lĩnh Lương Sơn Bạc trong phần Tục Thủy Hử (hậu Thủy Hử). Đó là “Tiểu Dưỡng Do Cơ” Bàng Vạn Xuân. Nhưng họ Bàng dù sao cũng dùng tên bắn hạ các anh hùng Lương Sơn chứ không phải là tay thực sự xuất sắc trong giao chiến trực tiếp. Xét về bản lĩnh võ nghệ, năng lực chiến đấu thì số một quân Phương Lạp chính là Nam Ly Đại tướng quân Thạch Bảo.
Bình luận 0

Bản lĩnh ngang Quan Thắng, kỹ năng giao chiến bá đạo

Nếu như Lương Sơn Bạc có ngũ hổ tướng là “Đại Đao” Quan Thắng, “Song tiên” Hô Diên Chước, “Báo tử đầu” Lâm Xung, “Tích lịch Hỏa” Tần Minh và “Một Vũ tiễn” Trương Thanh thì phía Phương Lạp cũng sở hữu Tứ đại tướng quân. Bao gồm: Bảo Quang Như Lai quốc sư Đặng Nguyên Giáp, Nam Ly Đại tướng quân Nguyên soái Thạch Bảo, Trấn quốc Đại tướng quân Lê Thiên Nhuận, Hộ quốc Đại tướng quân Tư Hành Phương. Bộ tứ này được quản lý trực tiếp bởi Phương Thiên Định – Thái tử của Phương Lạp.

img

Thạch Bảo – Nguyên soái đại tướng quân phía Phương Lạp với tài nghệ ngang ngửa Quan Thắng.

Trong 4 cái tên nêu trên, Thạch Bảo, người gốc Phúc Châu (Phúc Kiến ngày nay) được đánh giá cao nhất không chỉ bởi bản lĩnh trận mạc, tài nghệ chiến đấu mà còn ở sự đa mưu túc trí. Mô tả đầu tiên về Thạch Bảo, Tục Thủy Hử viết: “Quen dùng cây chùy lưu tinh đánh trăm đòn trăm trúng, cũng giỏi đánh Bích phong đao cắt sắt chặt đồng đâm xuyên ba lần giáp sắt”.

Bản lĩnh của Thạch Bảo sớm hiện ra ở hồi 115 như thế này: “Thạch Bảo đeo chùy lưu tinh nhẩy lên ngựa, tay cầm đao, mở cửa thành xông ra. Bên quân Tống, Đại đao Quan Thắng thúc ngựa ra trận giao chiến với Thạch Bảo. Hai tướng đánh hơn hai mươi hiệp, Thạch Bảo quay ngựa bỏ chạy. Quan Thắng dừng ngựa quay về bản trận. Tống Giang hỏi: - Sao hiền đệ không đuổi theo? Quan Thắng đáp: - Tài nghệ đao pháp của Thạch Bảo không kém gì Quan Thắng tôi. Thấy hắn bỏ chạy tất phải hiểu là có mưu kế từ trước”. Như vậy, về tài dùng đao – họ Thạch cơ bản ngang ngửa với Lương Sơn đệ nhất đao Quan Thắng.

Ở hồi thứ 116, khi quân Tống Giang đến eo biển Thất Lý gặp Thạch Bảo dẫn binh ra đón đánh, Thi Nại Am – La Quán Trung từng tả trận họ Thạch một mình giao chiến với 2 tướng chuyên dùng thiên phương họa kích của Lương Sơn như thế này: “Lã Phương một mình một ngựa, tay nâng ngọn kích xông thẳng vào Thạch Bảo, Bảo vội múa đao đón đánh. Hai tướng ngồi trên lưng ngựa quần thảo đến năm mươi hiệp, Lã Phương có phần sút kém. Quách Thịnh thấy vậy bèn nâng kích tề ngựa đến trợ chiến. Hai tướng hết sức đánh giáp vào. Thạch Bảo chỉ một thanh đao chống chọi với hai ngọn kích nhưng không hề một sơ suất nhỏ”.

img

Thạch Bảo còn có bản lĩnh dùng lưu tinh chùy trăm phát trăm trúng.

Cái đặc biệt ở Thạch Bảo là gã chẳng ngại ngần gì trong việc dùng các chiêu trò bàng môn tà đạo để giành thắng lợi trên chiến trường. Người xưa đúc kết “Binh bất yếm trá” và Thạch Bảo có lẽ là tay số một trong Thủy Hử ở nghệ thuật hắc ám trong giao chiến. Đoạn đối thoại giữa Ngô Dụng và Tống Giang sau lần “ra mắt” của Thạch Bảo phần nào hé lộ về nhân vật này: “Ngô Dụng nói: - Người này quen dùng cây chùy lưu tinh, thường giả thua quay ngựa chạy để dụ cho đối phương lọt vào chỗ hiểm. Tống Giang nói: - Nếu Quan Thắng đuổi theo tất sẽ mắc mưu hắn”.

Trực tiếp và gián tiếp giết chết 9 đầu lĩnh Lương Sơn

Dĩ nhiên, không phải tướng nào của Lương Sơn cũng “tỉnh đòn” như Quan Thắng. Bằng chứng là “Cấp tiên phong” Sách Siêu sau đó đã dính chiêu của Thạch Bảo mà tử trận: “Bên quân Tống, Sách Siêu vốn nóng nẩy vội vung búa lớn, chẳng nói nửa câu, phóng ngựa chặn đánh Thạch Bảo. Hai tướng ngồi trên ngựa quần nhau chưa đầy mười hiệp, Thạch Bảo đâm dứ một đường rồi quay ngựa bỏ chạy. Sách Siêu tế ngựa đuổi theo. Quan Thắng thấy vậy liền lớn tiếng gọi lại, nhưng ngay lúc ấy Sách Siêu đã bị Thạch Bảo đánh một chùy lưu tinh trúng mặt lăn nhào xuống ngựa”.

Sau khi đánh một chùy hạ Sách Siêu, Thạch Bảo tiếp tục vung đao đoạt mạng Đặng Phi, cũng là một hảo hán võ nghệ giỏi, dùng cây thiết liên rất tài: “Đặng Phi vội đến cứu thì Thạch Bảo cũng vừa phóng ngựa tới. Đặng Phi trở tay không kịp bị Thạch Bảo phạt một đao đứt làm hai đoạn”. Chỉ một trận, Thạch Bảo hạ liền 2 tướng tài của Lương Sơn. Bản lĩnh đúng là danh bất hư truyền.

img

“Cấp tiên phong” Sách Siêu – đầu lĩnh Lương Sơn đầu tiên bị Thạch Bảo hạ sát trong giao đấu.

Nạn nhân thứ ba của Thạch Bảo xuất hiện trong lần giao chiến với bộ tứ Lý Quỳ, Hạng Sung, Lý Cổn, Bao Húc: “Cả bọn bốn người nhất tề xông thẳng đến trước ngựa Thạch Bảo. Thạch Bảo vung đao đón đánh, Lý Quỳ phạt nhanh một búa vào chân ngựa, Bảo vội nhảy xuống chạy về thành... Tống Giang ra lệnh cho mã quân xông vào thành. Quân giặc trên thành liền tới tấp lao gỗ đá xuống. Tống Giang sợ có sơ hở vội cho lui quân, không ngờ Bao Húc trong lúc lộn xộn đã lọt vào thành. Bấy giờ Thạch Bảo đã nấp sẵn trong cửa thành, thấy Bao Húc xông vào liền đưa xiết một đao chém Húc làm hai đoạn”.

Hai đầu lĩnh tiếp theo của Lương Sơn chết bởi tay Thạch Bảo là Giải Trân – Giải Bảo, dù lần này họ Thạch không trực tiếp ra tay. Thủy Hử hồi 116 viết anh em họ Giải mạng vong trong lần vượt đèo Ô Long do dính phải quân phục kích của Thạch Bảo: “Giải Trân bị ngọn câu liêm kéo bổng người lên. Giải Trân vội vàng rút dao phạt đứt cán câu liêm, người cũng rơi luôn xuống vực. Phía dưới vách núi lởm chởm đá tai mèo, Giải Trân rơi xuống đó liền xương tan thịt nát. Giải Bảo thấy anh mình rơi ngã vội xoài người lui nhưng lúc ấy từ trên cao đá lớn đá nhỏ lăn xuống ào ào, tiếp đó cung nỏ từ trong bụi bắn ra tới tấp. Thương thay Giải Bảo một đời làm thợ săn, nay cùng anh ruột chịu chết trong bụi rậm bên đèo Ô Long”.

Tới khi Tống Giang tiến đánh thành Mục Châu, Thạch Bảo trên đường bỏ thành rút chạy vẫn kịp giết thêm 2 đầu lĩnh nữa của Lương Sơn: “Tống Giang cùng các tướng vào thành Mục Châu, trước hết hạ lệnh thiêu huỷ hành cung của Phương Lạp, tất cả vàng lụa thu được đều đem thưởng cho ba quân tướng sĩ. Các tướng chưa điểm xong quân mã thì thám mã trở về phi báo: “Mã Lân bị tướng Phương Lạp là Bạch Khâm đâm ở đèo Ô Long hất xuống ngựa. Thạch Bảo đuổi tới bồi thêm một đao xả Mã Lân làm hai đoạn. Yến Thuận thấy vậy xông lên bị Thạch Bảo vung chuỳ Nhất lưu tinh đánh chết”.

img

Thạch Bảo trực tiếp giết 5 viên tướng tài của nghĩa quân Lương Sơn.

Rồi trong lần vây hãm Thạch Bảo ở đèo Ô Long, thêm Lã Phương – Quách Thịnh vong mạng khi giao đấu với quân tướng của họ Thạch. Như vậy, tổng cộng có tới 9 đầu lĩnh Lương Sơn tử trận ở các trận chiến với Nam Ly đại tướng quân phía Phương Lạp, trong đó có 5 người trực tiếp bị giết bởi Thạch Bảo.

Mưu trí của Thạch Bảo

Võ nghệ siêu quần, chiêu trò bá đạo trong giao đấu nhưng Thạch Bảo tuyệt nhiên không phải là kẻ hữu dũng vô mưu. Có ít nhất hai chi tiết cho thấy Thạch Bảo thuộc loại trí dũng song toàn. Đầu tiên là mưu dùng đầu của Giải Trân – Giải Bảo để dụ quân Lương Sơn vào bẫy ở đèo Ô Long, sau đó chia binh phục kích hai hướng vây khốn Tống Giang. May có Ngô Dụng cho bọn Lý Quỳ, Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm kịp thời đem quân cứu viện mà Tống Giang mới toàn mạng.

“Tống Giang không nghe lời khuyên của quân sư Ngô Dụng, ngay trong đêm ấy đem theo các tướng Quan Thắng, Hoa Vinh, Lã Phương, Quách Thịnh dẫn ba nghìn tinh binh đi đánh đèo Ô Long. Vào khoảng canh hai quân tiến đến chân đèo. Có viên tiểu hiệu đến báo: “Hai đầu người bêu trên đèo đúng là thủ cấp Giải Trân, Giải Bảo”. Tống Giang đích thân phóng ngựa lên xem xet, thấy hai sào tre cắm đầu Gỉai Trân, Giải Bảo buộc trên hai ngọn cây cao… Bỗng lúc ấy đuốc lửa nhất loạt cháy sáng khắp nơi, chiêng khua trống thúc liên hồi, rồi quân mai phục bốn phía nổi dậy chặn đường. Quân cung nỏ trên đèo bắn tên xuống như mưa, chiến thuyền giặc từ ngoài sông cũng vừa ghé bến, quân thuỷ ào ạt nhẩy lên bờ. Tống Giang biết tình thế nguy cấp không ngớt kêu khổ, vội cho lui quân. Đúng lúc ấy quân giặc do Thạch Bảo dẫn đầu tiến đến chận đường, Tống Giang rẽ sang phía khác lại gặp quân của Đặng Nguyên Giác đang tiến lên” (trích hồi 116).

img

Thạch Bảo bị vây chặt và tự sát ở đèo Ô Long.

Tiếp đến là lần Thạch Bảo khuyên Đặng Nguyên Giáp nên thủ chắc ở đèo Ô Long đừng ham cứu viện mà mắc bẫy địch: “Bạch Khâm thấy cờ hiệu bên quân Tống Giang mọc khắp các dốc núi, vội trở về báo tin. Thạch Bảo nói: - Triều đình đã không phái quân cứu viện, bọn ta chỉ việc giữ chặt cửa ải, không phải cứu viện ở đâu hết! Thạch Bảo khuyên can mãi không được, Đặng Nguyên Giác vẫn điểm lấy năm nghìn người ngựa, xách cây thiền trượng cùng Hạ Hầu Thành đem quân xuống núi”.Không nghe lời Thạch Bảo, Đặng Nguyên Giáp bị quân Lương Sơn tập kích, quây đánh, dẫn tới vong mạng!

Tất nhiên, trong một tác phẩm lấy 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc làm trung tâm như Thủy Hử thì kết cục của Thạch Bảo cũng như tất cả các anh tài của Phương Lạp chỉ có một: kiểu gì cũng phải chết. Nhưng so với những “đồng đội” thì cái chết của Thạch Bảo, ở hồi 118, được Thi Nại Am – La Quán Trung miêu tả gọn gàng và ít bi thảm hơn hẳn: “Bị quân Tống từ hai phía ép vào, quân Thạch Bảo ở đỉnh đèo lại càng rối loạn. Quan Thắng và các tướng liền dẫn quân bộ ào ạt xông lên... Thạch Bảo thấy cả hai phía đều không có lối thoát, sợ bị bắt sống, bèn rút đoản đao đâm cổ tự sát. Thế là quân Tống chiếm được cửa ải đèo Ô Long”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem