Đông Kinh Nghĩa Thục: Dựng trường, mở mang kiến thức cho dân chúng

Chủ nhật, ngày 03/09/2017 11:30 AM (GMT+7)
Việc thành lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) khởi đầu một phong trào yêu nước chống phong kiến chống thực dân với tính chất hoàn toàn mới chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam. Đây là nơi dạy cho đông đảo đồng bào các kiến thức cần thiết để làm cho dân giàu nước mạnh, cuối cùng tiến tới mưu đồ sự nghiệp giải phóng đất nước.
Bình luận 0

Tạp chí Khám phá trân trọng gửi tới quý độc giả loạt bài của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Hoành, viết về những tư tưởng canh tân đột phá của những chí sĩ yêu nước ủng hộ việc xây dựng một nền giáo dục mới, tiếp thu văn minh nhân loại, góp phần chấn hưng dân tộc. Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục được coi là một cuộc duy tân trong lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị tại Việt Nam những năm đầu Thế kỷ 20.

img

Các sĩ phu phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục

Cách đây 110 năm, một số nhà trí thức yêu nước tiên tiến đã thành lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) tại Hà Nội, khởi đầu một phong trào yêu nước chống phong kiến chống thực dân với tính chất hoàn toàn mới chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam. Ở đây, Nghĩa thục là trường tư thục (do tư nhân mở) vì nghĩa, tức vì lợi ích chung, không vì tư lợi, không thu tiền của người học. Đông Kinh là tên thành Thăng Long thời Hồ Quý Ly, tức Hà Nội hiện nay, địa điểm đặt trường.

ĐKNT do một nhóm sĩ phu Bắc Hà đồng sáng lập: Lương Văn Can (Thục trưởng, tức Hiệu trưởng), Nguyễn Quyền (Giám học) và Lê Đại, Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Kỳ, Dương Bá Trạc, Vũ Hoành v.v… Họ đều là các nhà Nho, trong đó cử nhân Dương Bá Trạc mới 23 tuổi, cử nhân Nguyễn Hữu Cầu 28 tuổi, nhiều tuổi nhất là Lương Văn Can 53 tuổi.

Do có cùng chí hướng và nhận thức, lại tiếp thu trào lưu duy tân từ Nhật Bản, Trung Quốc và tư tưởng tiên tiến của hai nhà đại cách mạng Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh, nên họ đã tự tìm đến với nhau họp bàn và nhất trí chủ trương noi gương Nhật Bản, trước hết mở trường dạy cho đông đảo đồng bào các kiến thức cần thiết nhất để làm cho dân giàu nước mạnh, cuối cùng tiến tới mưu đồ sự nghiệp giải phóng đất nước.

img

Cụ Lương Văn Can

Hai cụ Phan có liên hệ chặt chẽ với nhóm này. Do từng thăm trường Khánh ứng Nghĩa thục (Keio Gijuku, lập năm 1868) của Fukuzawa Yukichi ở Tokyo nên hai cụ rất hiểu tác dụng của giáo dục quốc dân đối với việc thực hiện “quốc phú binh cường” (nước giàu, quân mạnh) ở nước Nhật. Vì thế các cụ đã gợi ý nhóm sĩ phu nói trên lập ra ĐKNT.

Theo tài liệu do ĐKNT biên soạn thì đây là trường học đầu tiên được lập ở Việt Nam: “Nước Nhật Bản chỉ có 43 huyện mà có đến 26.824 trường tiểu học. Nước ta hơn 30 tỉnh, hơn 500 huyện mà chưa nghe ai nói tới mở trường. Than ôi! Chẳng phải là đáng giận lắm sao?”.

Thực ra nước ta ngày ấy tuy chưa có trường học theo nghĩa có trường sở, có bộ máy tổ chức quản lý và giảng dạy, đào tạo học sinh theo một chương trình nhất định, nhưng cũng có không ít cơ sở giảng dạy văn hóa Nho giáo như các lớp học tại gia của thầy đồ.

Cơ sở lớn nhất là Quốc tử Giám Văn Miếu, được gọi là “trường đại học đầu tiên”. Nhưng mọi hoạt động giáo dục thời xưa chỉ nhằm đào tạo người làm quan, như đạo Khổng dạy: Học nhi ưu tắc sĩ (Học giỏi thì ắt làm quan). Về sau, từ cuối thế kỷ XIX, Thống sứ Trung Bắc lưỡng kỳ Paul Bert (nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp) bắt đầu mở một số trường tiểu học Pháp-Việt nhằm đào tạo người làm việc cho thực dân Pháp. Nhưng một trường học kiểu ĐKNT thì đúng là nước ta chưa từng có (kể cả hiện nay)!

ĐKNT khai giảng tháng 3.1907 tại Hà Nội, hai tháng trước khi có giấy phép của chính quyền cai trị. Trường không thu học phí, các tài liệu giảng dạy và tuyên truyền đều phát không cho học viên, hơn nữa còn phát hành trên cả nước. Ai muốn học đều được nhận, bất kể già trẻ gái trai, kể cả nhà Nho muốn học tiếng Pháp. Kinh phí hoạt động dựa vào sự đóng góp tùy tâm của dân; giáo viên thời gian đầu không lĩnh lương.

Bộ máy nhà trường gồm 4 ban: Giáo dục (mở lớp và giảng dạy), Tu thư (soạn tài liệu giảng dạy và tuyên truyền), Cổ động (tuyên truyền), Tài chính (lo kinh phí). Trường dạy các môn: Quốc ngữ, chữ Hán (chỉ để đọc tân thư), tiếng Pháp, các thường thức về xã hội, lịch sử, địa dư, chính trị, kinh tế, quyền công dân.

Nhà trường có một cơ quan ngôn luận riêng là tờ Đại Việt Tân báo; một thư viện nhiều sách báo với thủ tục cho mượn là chỉ cần đọc xong thì trả lại; một hòm thư trưng cầu ý kiến nhân dân đóng góp xây dựng trường…

Với hình thức tổ chức như vậy, ĐKNT đúng là một trường học tiên tiến chưa từng có trong lịch sử nước ta, Trung Quốc thời ấy cũng chưa có.

PV (Khám Phá)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem