Giải mã Tống Giang (Kỳ cuối): Từ anh tiểu lại quèn thành đại tướng kiệt xuất

Thanh Xuân Thứ hai, ngày 07/10/2019 18:37 PM (GMT+7)
Quan niệm sai lầm lớn nhất về Tống Giang chính là đánh giá thấp cơ mưu và năng lực cầm quân đánh trận của “Tống Công Minh”. Đúng là ở xuất phát điểm, Tống Giang không so được với Ngô Dụng hay Chu Vũ về am hiểu binh pháp hay ứng biến trên sa trường. Nhưng khác với những tay được coi là cơ trí bậc nhất Lương Sơn vốn trước sau không hề có sự bứt phá về bản lãnh, Tống Giang tiến bộ không ngừng.
Bình luận 0

Từ một Tống Giang chỉ biết cậy nhờ quân sư

Trận chiến đầu tiên của họ Tống là ở huyện Thanh Phong, đánh bọn Lưu Cao, Hoàng Tín rồi Tần Minh. Trận này Tống Giang chẳng đóng góp chút giá trị nào trừ việc sai người giả Tần Minh làm loạn khiến “Tích lịch Hỏa” tuyệt đường phải nhập bọn. Mấy lần giao chiến đều là thực hiện theo sự cắt đặt của Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh.

img

Tống Giang, xuất phát điểm tầm thường nhưng lại trở thành nhà lãnh đạo siêu việt trên chiến trường.

Khi chính thức gia nhập Lương Sơn, trận đánh lớn đầu tiên của Tống Giang là tấn công Chúc Gia Trang. Thời điểm ấy Tống Giang đã có trong tay 3 quyển Thiên thư được Cửu Thiên Huyền Nữ ban cho, nhưng có lẽ chàng chưa dành nhiều thời gian để nghiên cứu kĩ, nên khi bước vào thực chiến thì bối rối vô cùng.

Ngay trận đầu đánh Chúc Gia Trang, nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Tống Giang đã thua to (Hồi 46). “Tống Giang nom lên trên, quả nhiên không thấy quân mã gươm giáo, thì trong lòng lấy làm nghi hoặc, rồi chợt nghĩ một mình mà nói lên rằng: - Chết rồi! Cái này ta lầm rồi. Trong Thiên Thư viết: Việc binh không nên bạo động, vậy mà ta vội vàng đem quân vào tận đến đây, thực khờ dại quá! Bây giờ trong trang không thấy động dạng chi, chắc là họ mưu kế chứ không, âu ta phải lui quân mau mới được”.

Nhưng Tống Giang khi nhận ra thì đã trở tay không kịp trước phục binh đối thủ: “Bấy giờ trang khách ở trong, thấy quân mã Tống Giang đã kéo đến đó liền nổi hiệu pháo, bật mấy trăm bó đuốc lên, rồi đứng trên chòi canh bắn xuống rào rào như mưa. Tống Giang nghe vậy, liền truyền cho quân ngựa xông pha bốn mặt để tìm lối đi… Chợt lại thấy trên núi Độc Long nổi một tiếng hiệu nữa, rồi bốn bên bỗng kêu hò ầm ĩ cả lên, làm cho Tống Giang kinh ngạc rụng rời không biết lối nào mà thoát”.

May có Thạch Tú thạo đường xuất hiện đúng lúc, lại thêm Hoa Vinh với tài cũng tiễn, bắn rụng hết đèn hiệu khiến phục binh của Chúc Giang Trang không thể tiếp tục vây bắt mà họ Tống mới bảo toàn được tính mạng. Tới trận thứ hai, Tống Giang thua tiếp, tiên phong hàng đầu Tần Minh còn bị bắt sống.

img

Tống Giang trong lần đầu tiên đánh trận, phải dựa vào sự sắp đặt của Hoa Vinh.

Hạ Chúc Gia Trang, san bằng ba trang trại lớn ở Độc Long Cương giúp Tống Giang củng cố vị trí vững chắc ở Lương Sơn. Nhưng Tống Giang thành công phần lớn ở chiến dịch này là nhờ Ngô Dụng xuống núi hỗ trợ kết hợp với kế phản gián của Tôn Lập.

Lần nghĩa quân Lương Sơn khốn đốn bởi trận Liên Hoàn giáp mã của Hô Diên Chước, bị trận pháp của Cao Liêm làm cho thất điên bát đảo, lần đánh Tăng Đầu Thị, hay kể cả các trận ở phủ Đông Bình, Đông Xướng sau này, vai trò và năng lực cầm quân của Tống Giang cũng khá mờ nhạt.

Tuy nhiên, đấy là xuất phát điểm của Tống Giang. Sau khi đã yên ổn là ông chủ sơn trại Lương Sơn, và có đủ thời gian để nghiền ngẫm 3 quyển Thiên thư, Tống Giang đã có sự tiến bộ không ngờ. Từ một tay chỉ biết cậy nhờ mưu kế của Ngô Dụng mỗi lần xuất chiến (ở 70 hồi đầu), Tống Giang trở thành một viên đại tướng xuất sắc, ít người bì kịp (50 hồi sau – phần Tục Thủy Hử).

Đến một Tống Công Binh – đại tướng hoàn hảo

Sau khi được triều đình chiêu an và nhận lệnh đi đánh giặc Liêu, Thi Nại Am đã để Tống Giang thể hiện “đẳng cấp” trong lần dặn dò Lý Tuấn trước trận chiến ở Đàn Châu (hồi 83) như thế này: “Chuyến này ra quân không giống như hồi còn ở Lương Sơn Bạc. Trước hết phải dò xét xem thế nước sông sâu thế nào rồi mới tiến quân. Cứ như ta xem thì sông Lộ Thuỷ nước chảy rất xiết, chẳng may thất lợi thì khó bề cứu ứng. Các người phải thăm dò cho kỹ không được xét đoán qua loa. Chiến thuyền phải che đậy cho kín, khiến bọn chúng tưởng lầm là thuyền chở lương. Anh em đầu lĩnh các ngươi giắt sẵn vũ khí nấp trong thuyền. Mỗi thuyền chỉ để bốn năm tên quân chèo chống, thêm hai tên quân kéo dây đi trên bờ, cứ từ từ mà tiến đến sát thành, cho đậu thuyền hai bên bờ sông, đợi ta ở đây dẫn quân tiến đến. Trong thành bọn chúng nghe báo tin sẽ mở cửa sông cho quân ra cướp thuyền lương. Phục binh trong thuyền nhất tề nổi dậy đoạt lấy cửa khẩu, như thế công lớn chắc sẽ thành”.

img

Những thắng lợi quan trọng đầu tiên của Tống Giang, phần lớn là nhờ mưu kế của Ngô Dụng.

Sự khác biệt là quá rõ ràng. Tống Giang của phần Tục Thủy Hử đã có sự trưởng thành vượt bậc, trên tư cách một viên đại tướng, một lãnh đạo lịch duyệt tài ba trên sa trường. Riêng cuộc chiến với quân Liêu, Tống Giang đã lần lượt đặt dấu ấn sâu sắc trong hầu như tất cả các thắng lợi quan trọng.

Chỉ vài canh giờ Tống Giang đã cùng nghĩa quân Lương Sơn đánh lui giặc Liêu ở Đàn Châu, sau đó chàng “cài” Thạch Tú - Thời Thiên vào thành Kế Châu trú tại tháp cao ở chùa Bảo Nghiêm làm nội ứng, thu lấy toàn thắng. Trong lần đánh với quân Liêu ở Bá Châu, Tống Giang tương kế tựu kế triển mưu trá hàng, giành được đại thắng.

Tiếp đó khi Lư Tuấn Nghĩa bị vây khôn ở U Châu chỉ còn nước chờ chết, Tống Giang lệnh quân kỵ tiến gấp, thông theo đường núi, giải cứu “Ngọc Kỳ Lân”. Trong lần giao chiến với đại quân của Ngột Nhan Diên Thọ ở chân núi Phương Sơn, Tống Giang cũng cho thấy tài đọc và phá trận pháp của đối thủ, bắt sống luôn đại tướng này.

img

Nhưng về sau, trong các chiến dịch đánh Liêu, dẹp Điền Hổ, Vương Khánh, bình Phương Lạp, họ Tống đã hiện lên với hình ảnh một đại tướng hoàn hảo.

Thách thức lớn nhất trong trận chiến với giặc Liêu chính là lần đụng độ Ngột Nhan Quang – Thống quân phía địch. Ngột Nhan Quang có trận pháp Thái Ất côn thiên tướng biến hóa khôn lường khiến nghĩa quân Lương Sơn bại liền nhiều trận. Những tay quân sư cơ trí như Ngô Dụng, Chu Vũ cũng “chịu chết”. Nhưng Tống Giang là người trời và luôn có sự giúp đỡ từ Cửu Thiên Huyền Nữ. Trong một giấc mơ, họ Tống đã được Huyền Nữ chỉ có cách phá trận – theo thuyết ngũ hành “tương sinh tương khắc”

Thực hiện đúng theo lời chỉ dẫn của Huyền Nữ, Tống Giang chia quân 5 đạo Ngũ hành: Kim quân (Lâm Xung chỉ huy), Thổ quân (Đổng Bình), Hỏa quân (Tần Minh), Thủy Quân (Hô Diên Chước), Mộc quân (Quan Thắng); cắt cử nhóm đầu lĩnh bộ quân (Võ Tòng – Lỗ Trí Thâm) đánh vào phía bên Tả, nhóm Vương Anh – Hỗ Tam Nương công vào phía bên Hữu; đội kỵ binh do Lư Tuấn Nghĩa cầm đầu tiến thẳng trung quân; nhóm Lý Quỳ, Bao Húc chỉ huy các cỗ lôi xa. Tổng cộng 9 hướng theo thế trận Cửu Cung Bát Quái. Trận này, Tống Giang thắng lớn, ghiết chết Ngột Nhan Quang, bắt sống công chúa Thọ Thiên, khiến quân Liêu lâm vào đường cùng, phải đầu hàng triều đình nhà Tống.

Tống Giang, sau này tiếp tục cho thấy kĩ năng quân sự siêu quần của chàng, đồng thời  đặt dấu ấn sâu sắc ở các thắng lợi lớn trong các lần đánh Điền Hổ, dẹp Vương Khánh và bình Phương Lạp. Từ chỗ là một anh tiểu lại quèn, biết võ vẽ chút ít về binh pháp, Tống Giang đã vươn lên thành một đại tướng hoàn hảo, một lãnh đạo kiệt xuất trên chiến trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem