Nghề bắt cua hoàng đế kiếm được 2 tỷ đồng trong vài ngày

Mai Lan Thứ bảy, ngày 07/03/2020 16:34 PM (GMT+7)
Chỉ cần làm khoảng vài ngày, có thể kiếm được 100.000 USD (hơn 2 tỷ VNĐ) không? Làm gì có chuyện đó được? Nhưng thực tế, đúng là có nghề nghiệp như vậy, đó chính là đi bắt cua hoàng đế (king crab) ở Alaska.
Bình luận 0

img

(Ảnh: Alaska King Crab Co.)

Một số người có thể không tin và cho rằng đây là chuyện vớ vẩn, làm sao bắt cua lại có thể kiếm được nhiều tiền như vậy, nhưng đối với những ‘thợ săn cua’ ở Alaska thì đây là một việc bình thường, không có gì là lạ, vì công việc này mang lại nhiều thương tật thậm chí là mất mạng. Tỷ lệ tử vong trong ngành này cao xấp xỉ 80 lần so với những ngành nghề lao động bình thường khác. Trên eo biển Bering, trung bình cứ một tuần lại có một người bắt cua qua đời trong mùa đánh bắt.

Với các thiết bị tiên tiến như dự báo thời tiết, radar và các thiết bị đánh bắt hiện đại khác nhau, làm sao nghề bắt cua này lại khiến nhiều người chết đến như vậy? Đó là bởi vì thứ họ săn trên biển chính là cua hoàng đế (king crab) mà thịt của nó được cho là “tinh khiết bậc nhất, trắng ngọt, dai, ẩn sau lớp vỏ hồng hào, thoảng hương biển mặn mòi”. Loài cua này khi trưởng thành thường nặng khoảng 2,5 – 4kg, có thể dài hơn 2m, tuổi thọ lên đến 20 năm, thường sống ở vùng nước biển sâu vài trăm mét. Đặc biệt, nó chỉ sống tại vùng biển Alaska và vịnh biển Bering lạnh giá nơi thời tiết diễn biến khó đoán và tiềm ẩn nhiều mối đe dọa đến sinh mạng.

img

(Ảnh: Alaska King Crab Co.)

Mùa đánh bắt cua hoàng đế rơi vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau, tùy vào thông báo mỗi năm, nghĩa là mùa thu đông, cũng là thời điểm những cơn bão và cái lạnh trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết. Thực tế là mùa đánh bắt diễn ra chưa đến 2 tháng, vậy nên ‘thời gian là vàng’. Trung bình mỗi chuyến đánh bắt của một con thuyền sẽ kéo dài từ 3 – 4 tuần trên biển, tuy nhiên không phải lúc nào cũng vậy. Cứ vào khoảng tháng 10 trong 10 năm trở lại đây, hơn 250 thuyền đánh bắt cua cùng đăng ký ra khơi vào một thời điểm và đánh bắt trong 3 – 4 ngày, như một cuộc đua tập trung tại cảng Hà Lan. Do đó, muốn đánh bắt được nhiều, các thuyền phải tranh thủ thời gian. Tuy nhiên, do sản lượng cua hoàng đế giảm, giá bán cũng giảm, và tỷ lệ tai nạn lao động cao, chính quyền địa phương đã cho phép kéo dài thời gian đánh bắt để tránh tình trạng thi đua ra khơi cùng một thời điểm. Ngày nay chỉ còn khoảng 100 thuyền đánh bắt của hoàng đế.

img

(Ảnh: cắt từ Youtube)

Khi một con tàu rời cảng, nó chính thức bước vào một ‘cuộc chiến’ đầy nguy hiểm và những thủy thủ có thể bị ‘ném’ xuống biển bất kỳ lúc nào. Đồng thời, những chiếc lồng bằng thép khổng lồ nặng hơn 300kg cũng được hạ thủy, tùy theo kích thước của con thuyền, mà mỗi thuyền sẽ có từ 150 – 300 lồng như thế. Ví dụ, một con thuyền dài 30m thì có khoảng 250 lồng thép. Sau 1 – 2 ngày trên biển, những chiếc lồng cua này được kéo lên thuyền để phân loại, những con cua đạt chuẩn đánh bắt sẽ được giữ cho sống trong thùng chứa đến khi con thuyền quay trở về đất liền, những con không đạt chuẩn sẽ được trả lại biển khơi. Ở trên thuyền, các ngư dân chuyên nghiệp trong bộ đồ bảo hộ cố thủ trên boong tàu giữ chặt những chiếc lồng thép với bên trong đầy những con cua hoàng đế quý giá. Chiếc lồng thép đung đưa trong trận cuồng phong có thể sẽ kéo theo cả người xuống biển ở nhiệt độ -7 độ C, dẫu có may mắn sống sót qua tai nạn với những chiếc lồng, thì cũng có thể bị hạ thân nhiệt dẫn đến tử vong. Chưa kể đến việc mạn thuyền thường bị đóng băng trơn tuột và nghiêng ngả, lớp băng nặng này có thể khiến con thuyền bị chìm xuống, do đó các thủy thủ phải thường xuyên dùng búa để đập tan băng.

img

(Ảnh: (Kai Hamik / Courtesy of the Hamik family)

Khoảng 30 năm trước, nghề đánh bắt cua hoàng đế được trả lương cao nhất Hoa Kỳ. Vào những năm đầu của thập niên 80, một chủ thuyền có thể kiếm được 1 – 2 triệu USD cho mỗi mùa đánh bắt và ngư dân làm việc trên boong tàu có thể được 60.000 – 100.000 USD, ngày nay cũng tương tự như thế.

img

(Ảnh: Alaska King Crab Co.)

Trong cái lạnh rét dưới 0 độ C, những con sóng có khi cao đến 12m và tốc độ gió đến 128 km/h, cộng với cường độ làm việc liên tục ít nghỉ ngơi do thời gian eo hẹp, cuộc phiêu lưu của những thủy thủ đánh bắt cua hoàng đế thực sự là ‘lành ít dữ nhiều’. Vì số lượng tử vong cao, nên tạp chí Forbes và nhiều kênh truyền thông khác ‘bình chọn’ đây là nghề nguy hiểm nhất nước Mỹ và không lạ gì khi thu nhập của nó lại cao đến như thế.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem