Phe Đồng minh chặn đứng kế hoạch của Hitler tại Nam Mỹ như thế nào?

Hồng Sơn Thứ ba, ngày 10/03/2020 20:31 PM (GMT+7)
Để hiện thực hóa tham vọng bá chủ thế giới, theo chỉ thị của Adolf Hitler, các chiến lược gia của Đức phát xít đã triển khai một chiến dịch mang tên "5 chìa khóa". 5 điệp viên đặc biệt quan trọng của Đức sẽ nhận được từ ngân sách quốc gia những khoản tiền lớn rồi bí mật xâm nhập vào các quốc gia Mỹ Latinh. Đích nhắm đến của hành động này là thâu tóm nguồn volfram dồi dào của khu vực Nam Mỹ. Nhưng phe Đồng minh - chủ yếu là Liên Xô - đã nhanh chóng ra tay...
Bình luận 0

Những năm chiến tranh thế giới thứ II, các quốc gia Nam Mỹ là nơi tập kết của rất nhiều chuyến máy bay và tàu ngầm chở theo vàng bạc và những tác phẩm nghệ thuật vô giá mà quân Đức đã cướp bóc từ nhiều nước bị chiếm đóng. Chính quyền Hitler còn tung tiền cho tay chân mua một loạt bất động sản tại đây. Mạng lưới tình báo của Đế chế thứ ba luôn hoạt động một cách thoải mái ở khu vực này do nhiều quan chức cầm quyền tại đây có tư tưởng thân phát xít. Getulio Vargas, nhà độc tài của quốc gia lớn nhất Nam Mỹ là Brazil còn bày tỏ thái độ công khai ve vãn Berlin.

img

Adolf Hitler từng có kế hoạch tạo ảnh hưởng ở Nam Mỹ.

Tại Brazil, có một số lượng rất lớn các kiều dân Đức và Italia, điều này khiến cho Mỹ cực kỳ lo ngại. Washington rất lo sợ về khả năng những nhà lãnh đạo Brazil có tư tưởng thân Đức, sẽ cung cấp các căn cứ không quân và hải quân của mình cho quân phát xít. Đó là lý do khiến ngay từ năm 1940, Lầu Năm Góc đã triển khai một chiến dịch siêu bí mật có tên “Chiếc ấm vàng”, trong đó xem xét đến khả năng quân đội Mỹ (khoảng 100 nghìn người) sẽ chiếm giữ toàn bộ khu vực duyên hải Brazil từ thành phố Belem ở cực bắc tới Rio de Janeiro ở phía nam. Hơn nữa, Washington còn chính thức yêu cầu Rio phải tạm thời trao các căn cứ quân sự tại các thành phố Belem, Natal, Resifi và Salvador cho không quân Mỹ. Từ những căn cứ này, không quân Mỹ có thể quần đảo khắp vùng biển phía nam Đại Tây Dương, là nơi hoạt động của rất nhiều tàu ngầm Đức phát xít.

Tháng 1/1942, Washington ra tối hậu thư cho Brazil phải cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đức phát xít và các đồng minh của nước này là Italia và Nhật. Sau khi cân nhắc thiệt hơn, chính quyền Brazil đã phải nhượng bộ để tránh khả năng bị quân Mỹ chiếm đóng. Tuy nhiên, đã có khoảng 150 lính thủy đánh bộ Mỹ đã có mặt tại Belem, Natal và Resifi để chuẩn bị căn cứ đón tiếp các máy bay Mỹ. Tất cả những hành động trên đều được tổ chức trong khuôn khổ một kế hoạch đặc biệt bí mật.

Cuộc ganh đua quyết liệt nhằm tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Đức phát xít tại Nam Mỹ, đặc biệt là Brazil, có thể được giải thích bằng nhiều yếu tố quân sự - chính trị và địa lý chiến lược của khu vực này, trong đó, lôi kéo sự chú ý hàng đầu là các mỏ volfram và nhiều nguyên liệu chiến lược khác rất quan trọng đối với Đế chế thứ ba cũng như cả Mỹ trong việc vận hành cỗ máy chiến tranh.

Từ một phát hiện đặc biệt ở ngoại ô Moskva

Đầu tháng 2/1942, tình báo Anh bắt và giải mã được một thông báo mật của Bộ tư lệnh quân phát xít Đức gửi các đơn vị ở mặt trận phía đông. Đó là một chỉ thị mang nội dung bằng mọi giá không cho phép lọt vào tay người Nga những mẫu vũ khí và phương tiện kỹ thuật mới nhất, đặc biệt là các đầu đạn chống thiết giáp siêu bí mật. Người Anh ngay lập tức thông báo về bức điện này cho Bộ chỉ huy Hồng quân.

Ngày 7/2/1942,  hai kỹ sư quân sự Aleksey Kliuev và Vladimir Boroshev đã nhận được mệnh lệnh của Tư lệnh binh chủng Pháo binh, Thượng tướng Nikolai Voronov, về việc phải nhanh chóng có mặt tại khu vực Mozaisk để tìm kiếm các mẫu phương tiện kỹ thuật và đầu đạn mới của quân phát xít còn bỏ lại, đặc biệt chú trọng vào các phương tiện chống tăng. Cả hai thậm chí còn được ấn định thời hạn hoàn tất nhiệm vụ là ngày 23/2/1942.

Ngay từ đầu tháng 2/1942, các đơn vị Hồng quân đã mở một chiến dịch phản công, đập tan các đơn vị quân Đức ở ngoại ô Moskva. Bước tiến của các chiến sĩ Xô Viết nhanh tới mức, bọn phát xít buộc phải rút chạy mà không kịp mang theo tất cả những trang bị của chúng. Trên các cánh đồng đầy tuyết ở ngoại ô Moskva, các chuyên gia quân sự Xô Viết đã thu được rất nhiều loại pháo, súng máy, súng trường và đạn dược v.v...

Sau khi lục lọi trong cả kho tàng chiến lợi phẩm trên, kỹ sư Vladimir Boroshev đã phát hiện được một khẩu pháo chống tăng mới với loại đạn riêng đi kèm. Cấu trúc của loại đạn với lớp vỏ bằng kim loại mềm đảm bảo cho đạn được bắn đi với tốc độ cao, một yếu tố cực kỳ quan trọng đối với các vũ khí chống tăng. Nhưng bí mật chủ yếu của viên đạn lại nằm ở phần lõi phía dưới calip. Trước đây, người ta thường dùng đạn có lõi bằng thép tôi, để cho viên đạn trở nên nặng và chắc hơn.

Để cắt dọc được phần lõi và phân tích thành phần hóa học, Boroshev đã phải nhờ đến các chuyên viên luyện kim của nhà máy ôtô mang tên Stalin (ngày nay chính là nhà máy ZIL). Các kết quả phân tích tinh thể học và hóa học đã cho ra một kết luận hoàn toàn bất ngờ: nhân của viên đạn chống tăng được làm từ một vật liệu chắc nhất và nặng nhất thời bấy giờ - cacbua volfram. Từ đó, các chuyên gia Xô Viết mới đưa ra kết luận: khả năng xuyên thủng đặc biệt cao của loại đạn chống tăng mới của quân phát xít là nhờ tốc độ bay rất nhanh của viên đạn (gần 1.000 mét/giây), bắt nguồn từ trọng lượng lớn và mức độ bền chắc của phần nhân bằng volfram.

Các kết quả nghiên cứu trên ngay lập tức được báo cáo lên Bộ tư lệnh binh chủng Pháo binh, và sau đó lên Bộ tham mưu tối cao. Đúng vào ngày truyền thống của Hồng quân 23/2/1942, tại Học viện Pháo binh đã tổ chức một cuộc triển lãm nhỏ về các loại vũ khí trang bị thu được của quân Đức ở ngoại ô Moskva. Kỹ sư Vladimir Boroshev cũng có mặt tại đây để giải thích về cấu tạo của loại pháo và đạn chống tăng mới. Trong số các vị khách tới thăm có một người đàn ông trung niên vóc dáng nhỏ thó. Ông hỏi rất chi tiết và kỹ lưỡng về cấu tạo của khẩu pháo, đạn pháo và khả năng tác chiến của nó.

Khi biết được nhân của loại đạn trên được làm từ cacbua volfram, vị khách này ngay lập tức thay đổi hẳn nét mặt. Đó chính là Nikolai Voznesenski - Phó chủ tịch Hội đồng Dân ủy, thành viên của Ủy ban Quốc phòng Xô Viết. Ông quay sang các chỉ huy quân sự cao cấp và thông báo với vẻ lo lắng: tại Đức hoàn toàn không có volfram. Chỉ có thể khai thác nó tại Tây Ban Nha, Trung Quốc, khu vực Nam hay Bắc Mỹ. Ngoài ra, còn có một số mỏ ở châu Phi, tại khu vực Congo thuộc Bỉ. “Chắc chắn chúng ta phải áp dụng mọi biện pháp để ngăn chặn con đường cung cấp volfram vào Đức” - Voznesenski kết luận.

Chiến dịch ngăn chặn các nguồn cung cấp Volfram

Câu chuyện về sự xuất hiện volfram trong các nhà máy sản xuất vũ khí của phát xít Đức ngay lập tức được báo lên Bộ Tổng tư lệnh tối cao. Stalin ra lệnh ngay cho Bộ Ngoại giao liên hệ với các quốc gia đồng minh và yêu cầu họ cùng tham gia vào việc ngăn chặn nguồn volfram vào Đức.

Tham gia vào nhiệm vụ khó khăn này còn có các cơ quan tình báo và phản gián của Anh và Mỹ. Đầu tiên là phải giám sát chặt chẽ việc khai thác volfram của chính họ: chủ yếu tại các mỏ gần thành phố Mill-City (California), khu vực Bishop, khu vực Denver (Colorado). Các nhân viên FBI đã phát hiện ra một vài kiều dân Đức tham gia vào việc vận chuyển bí mật tinh quặng volfram về Đức.

Về phần mình, các điệp viên tình báo quân sự Anh cũng tìm cách xâm nhập vào Tây Ban Nha, nơi có các mỏ quặng volfram tại khu vực duyên hải Đại Tây Dương. Sau một loạt “biện pháp nghiệp vụ” như hối lộ các quan chức, phá hoại cũng như một vài phương cách đặc biệt khác, việc khai thác volfram tại đây gần như đã tê liệt. Hoạt động tương tự cũng được các cơ quan mật vụ phương Tây triển khai tại các mỏ volfram ở Trung Quốc khiến cho lượng quặng khai thác ngày càng giảm sút. Đó là chưa kể đến những chuyến tàu chở quặng của quân Nhật cũng bị Hải quân Anh, Mỹ rình rập tấn công.

Nhưng việc ngăn chặn các nguồn cung cấp volfram vào Đức từ Nam Mỹ là phức tạp hơn cả. Quặng volfram được khai thác rất nhiều tại Peru (gần thành phố Pasto-Bueno), tại Bolivia (Kolkiri và Oruro), tại Argentina (Los-Condores), còn tại Brazil là gần thành phố Currais và cảng Natal. Chính từ khu vực này, những tấn quặng volfram cuối cùng đã được chuyển về Đức trên những chiếc tàu ngầm của hải quân phát xít. Nhưng dù sao, người Mỹ cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Chỉ khoảng một năm sau, việc nghiên cứu các đầu đạn chống tăng thu được của quân phát xít đã cho thấy, phần lõi của nó được làm bằng thép cacbon. Điều này có nghĩa là các nhà máy quân sự của Đế chế thứ ba đã cạn nguồn dự trữ volfram, khi tất cả các nguồn cung cấp đều đã bị ngăn chặn. Từ đó cho đến cuối chiến tranh, các loại đạn chống tăng của phát xít Đức không còn thấy bóng dáng của volfram nữa.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem