Trận đánh đẫm máu nhất mặt trận Thái Bình Dương 70 năm trước

Quốc Việt Thứ hai, ngày 25/11/2019 19:31 PM (GMT+7)
Thất bại trong trận Okinawa ngày 22/6/1945 đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của Đế quốc Nhật, kết thúc cuộc chiến ác liệt nhất trong lịch sử nhân loại.
Bình luận 0

Theo Military History, sau khi Đức Quốc xã yếu thế co cụm về gần Berlin, phe Đồng minh dồn sức mạnh sang mặt trận Thái Bình Dương nhằm đánh bại Đế quốc Nhật. Các sĩ quan chỉ huy Mỹ nhận thấy, đảo Okinawa là vị trí mang tầm chiến lược. Hòn đảo nằm cách khoảng 550 km về phía nam Nhật Bản. Địa điểm này có thể làm cơ sở triển khai các máy bay chiến đấu và tập kết lực lượng để tấn công vào lục địa Nhật.

img

Lực lượng đổ bộ của phe Đồng minh tiếp cận bờ biển đảo Okinawa. Ảnh: Japanfocus.

Phía Tokyo cũng nhận thấy vai trò quan trọng của hòn đảo nên ra sức củng cố lực lượng và các vị trí phòng thủ. Họ điều động những chiến hạm mạnh nhất trong đó có siêu thiết giáp hạm Yamato đến bảo vệ đảo. Đặc biệt, Không quân Nhật huy động hàng nghìn máy bay cho chiến thuật tấn công cảm tử “kamikaze”.

Với quyết tâm chiếm Okinawa, phe Đồng minh huy động một lực lượng khổng lồ gồm 183.000 quân sau tăng lên 250.000 thuộc Quân đoàn 10 do tướng Simon B. Buckner chỉ huy; 450 tàu chiến các loại, bao gồm 17 tàu sân bay, hàng trăm tàu đổ bộ cùng 1.000 máy bay chiến đấu.

Lực lượng phòng thủ của Nhật gồm 130.000 quân, trong đó có 9.000 binh lính của Hải quân Đế quốc Nhật, còn lại thuộc Quân đoàn 32. Bên cạnh đó, rất nhiều dân quân và lực lượng bán vũ trang khác trên đảo cũng tham gia. Khoảng 1.500 máy bay làm nhiệm vụ cảm tử cùng hàng nghìn máy bay của hải quân và không quân.

Trận chiến đẫm máu nhất

Sáng sớm 1/4/1945, quân đoàn thủy quân lục chiến 24, với sự yểm trợ hỏa lực của các tàu chiến và máy bay, bắt đầu đổ quân lên bãi biển Hagushi, phía bắc Okinawa. Lực lượng tình báo Mỹ đã có tính toán sai lầm về quân số Nhật trên đảo. Họ ước tính khoảng 67.000 binh lính nhưng thực tế hơn 130.000.

img

Siêu thiết giáp hạm Yamato, biểu tượng sức mạnh của Hải quân Đế quốc Nhật Bản phát nổ sau đợt tấn công dữ dội của Không quân Mỹ. Ảnh: Wikipedia.

Trung tướng Mitsuru Ushijima, chỉ huy quân đội Nhật ở Okinawa ra lệnh cho binh lính tử thủ. Trên đảo có hàng nghìn lô cốt cùng rất nhiều ụ pháo hướng ra biển pháo kích dữ dội vào các xuồng đổ bộ. Bên cạnh đó, lực lượng máy bay tấn công mạnh vào hạm đội tàu chiến ngoài khơi.

Ở phía nam Okinawa, sư đoàn bộ binh 96 và 7 vấp phải sự kháng cự ác liệt của quân Nhật khiến lực lượng đổ bộ không thể tiếp cận bờ biển. Tuy nhiên, cuối tháng 4, phe Đồng minh với sức mạnh áp đảo đã vượt qua phòng tuyến Machinato. Ngày 4/5, quân đoàn 32 của Nhật tổ chức phản công quy mô lớn với ý định đánh vòng ra phía sau lưng lực lượng Đồng minh.

Tướng Ushijima đã huy động pháo binh bắn khoảng 13.000 đạn hỗ trợ cho đợt phản công. Tuy nhiên, lực lượng pháo binh quân đội Mỹ bắn trả hiệu quả, phá hủy hàng chục khẩu đại bác của Nhật. Chiến dịch của quân Nhật phá sản và chịu nhiều tổn thất. Đến giữa tháng 6, quân đoàn 32 vỡ trận, lực lượng còn lại co cụm về phía đông nam Okinawa.

Ngày 18/6, tướng Bunker thiệt mạng trong đợt pháo kích của Nhật khi đang theo dõi tình hình chiến trận. Tàn quân của Nhật kháng cự yếu ớt đến ngày 21/6. Tướng Ushijima tự sát trong hầm chỉ huy ngày 22/6, cùng ngày đại tá Hiromichi Yahara đầu hàng phe Đồng minh. Trận chiến lớn nhất mặt trận Thái Bình Dương kết thúc sau 82 ngày giao tranh ác liệt.

Các nhà sử học nhận định, về quy mô, trận Okinawa chỉ đứng sau cuộc đổ bộ Normandy trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 và đây là trận chiến gây thương vong nhiều nhất trên mặt trận Thái Bình Dương.

Tổn thất nặng nề cho đôi bên

Phe Đồng minh chiến thắng và chiếm đóng đảo Okinawa nhưng họ phải chịu tổn thất không nhỏ. Khoảng 7.374 lính thiệt mạng trong nỗ lực chiếm đảo, 31.807 người thương vong, 239 trường hợp mất tích, 225 xe tăng bị phá hủy.

img

Tàu sân bay USS Bunker Hill bốc cháy sau đợt tấn công cảm tử của máy bay Nhật. Ảnh: Picturahistoria.

Hải quân Đồng minh cũng thiệt hại nặng với 34 chiến hạm chìm (bao gồm 12 tàu khu trục), 368 chiếc hỏng (bao gồm tàu sân bay USS Bunker Hill). Số thủy thủ thiệt mạng là 4.907 người. Không quân tổn thất 763 máy bay.

Khoảng 105.000 binh lính Nhật tử trận, hơn 7.500 người bị bắt. Hải quân Nhật tổn thất 16 tàu chiến trong đó có siêu thiết giáp hạm Yamato, một tàu tuần dương, 4 khu trục hạm, khoảng 10.000 thủy thủ thiệt mạng.

Tổn thất của Không quân Nhật có nhiều nguồn với số lượng khác biệt khá lớn, Totallyhistory ước tính 4.000 chiếc, Wikipedia thống kê khoảng 7.800 máy bay còn trang Military History đưa ra con số 2.800 phi cơ các loại.

Chưa đầy 2 tháng sau khi thất thủ tại Okinawa cùng với việc Mỹ dội 2 bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, Đế quốc Nhật tuyên bố đầu hàng phe Đồng minh. Cuộc chiến đẫm máu nhất lịch sử nhân loại chính thức kết thúc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem