“Trí Đa Tinh” Ngô Dụng (Phần 2): Kẻ cơ hội bậc nhất Lương Sơn Bạc

Thanh Xuân Chủ nhật, ngày 23/06/2019 16:30 PM (GMT+7)
Ngô Dụng là một trong số hơn chục đầu lĩnh thuộc hàng “khai quốc công thần” của nghĩa quân Lương Sơn Bạc. Dĩ nhiên, ban đầu những người mà Ngô Dụng thân thiết nhất chính là Tiều Cái, Nguyễn thị tam Hùng, Lưu Đường và Công Tôn Thắng – nhóm cùng chàng ta cướp lễ vật Sinh Thần cương, sau có thể kể đến Lâm Xung.
Bình luận 0

Thân với Tiều Cái nhưng lại chọn Tống Giang làm “đồng minh”

Nhưng dần dà, theo thời gian, cùng đà lớn mạnh của Lương Sơn, đặc biệt với sự xuất hiện của Tống Giang, thì Ngô Dụng dần dần ngả về phía “Cập thời Vũ” mà xa lánh Tiều Cái. Tại sao vậy?

Ngô Dụng dù mang chí lớn, nhưng vốn là tay nho học dăm lần thi trượt đành làm nghề “gõ đầu trẻ”, cái chí của chàng ta chỉ quanh quẩn làm sao được triều đình thừa nhận giá trị của mình. Hiểu đơn giản là được làm quan to.

img

Ngô Dụng – kẻ cơ hội bậc nhất trên Lương Sơn Bạc.

Tiều Cái thì không có cái tâm ấy. Vốn là anh hùng hảo hán nghiêng trời lệch đất, căm ghét chế độ triều đình hủ bại, quan lại tham nhũng hà hiếp lương dân, mục tiêu số một của Tiều là xây dựng cho mình một đế chế. Nếu thiên thời địa lợi nhân hòa thì làm một trận “sạch không kình ngạc” mà thu lấy giang sơn còn nếu cơ hội tốt không đến thì ít nhất cũng một mình hùng bá một cõi Lương Sơn.

Tiều Cái không muốn quy thuận triều đình. Nhưng Tống Giang, phó trại chủ Lương Sơn, xuất thân quan nhỏ (áp ty), trước sau vẫn giữ thái độ ngu trung thì rất muốn được Hoàng đế chiêu an. Cả Tiều và Tống đề muốn Lương Sơn lớn mạnh, danh chấn thiên hạ. Nhưng sự phát triển của Lương Sơn, với Tiều, là để đối chọi lại triều đình. Còn với Tống, là để trở thành bàn đạp tốt nhất cho việc được triều định thừa nhận, mà chiêu an, mà ban cho chức tước.

Rõ ràng, nếu Lương Sơn chỉ có Tiều Cái làm chủ thì cái chí (làm quan) của Ngô Dụng sao có thể đáo thành được. Nhưng khi Lương Sơn xuất hiện thêm ông phó trại chủ Tống Giang, vốn là người có chung chí hướng với Ngô Dụng thì “Trí Đa Tinh” sớm đã có cho mình quyết định. Ngả về phe Tống Giang, tận lực để giúp họ Tống phô trương thanh thế và quyền lực. Nước (Tống Giang) lên thì thuyền (Ngô Dụng) lên thôi!

img

Ngô Dụng có giao tình sâu sắc với Tiều Cái.

Bản chất “kẻ cơ hội” của Ngô Dụng bộc lộ ngay từ lần đầu ra mắt

Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta có thể thấy Ngô Dụng đich thị là một kẻ cơ hội. Hãy nhớ lại một chút: vụ cướp Sinh Thần Cương, bắt đầu từ chính giấc mộng (thấy bảy vì sao lớn) của Ngô Dụng. Rồi sau đó chàng ta mới đi tìm bọn Tiều Cái, Lưu Đường, anh em họ Nguyễn mà bày mưu cướp lễ vật. Ngô Dụng có trí, có mưu nhưng không có tài lực và võ nghệ. Và để “lấy số” trong giới giang hồ hảo hán, với vị thế là anh giáo làng, thì cách tốt nhất là mượn sức của bọn Tiều Cái mà làm một vụ long trời lở đất.

Khi bị quan quân triều đình tróc nã, rồi được Tống Giang báo tin dữ, Ngô Dụng cùng nhóm Tiều Cái lên tạm trú ở Lương Sơn. Tại đây, Ngô Dụng đánh đúng tâm lý “ẩn ức” của Lâm Xung để từ đó lập mưu khích tướng, mượn tay “Báo tử đầu” hạ sát Vương Luân. Gì chứ, mưu hèn kế bẩn Ngô Dụng vẫn là đệ nhất Thủy Hử. Truất Vương Luân, chiếm trọn Lương Sơn, Tiều Cái ngồi ghế trại chủ thì đương nhiên Ngô Dụng, dưới 1-2 người mà trên tất cả vậy.

Từ đây, chúng ta đến một trích đoạn ở hồi thứ 59 Thủy Hử, nhân chuyện Đoàn Cảnh Trụ tới Lương Sơn thuật lại chuyện nhóm Tăng Đầu Thị cướp ngựa quý Chiến dạ Ngọc Sư tử, rồi chuyện chế ra các câu hát phỉ báng nghĩa quân Lương Sơn khiến Tiều Cái nổi giận quyết đem quân xuống núi đánh.

img

Nhưng khi Lương Sơn có Tống Giang, Ngô Dụng lại ngả sang phía họ Tống.

“Phen này chỉ xin cắt hai nghìn nhân mã, và hai mươi Đầu Lĩnh xuống núi giúp tôi, còn các vị Đầu Lĩnh xin ở nhà coi trại với Tống Công Minh… Nói đoạn liền cắt Lâm Xung, Hô Duyên Chước, Từ Ninh, Mục Hoằng, Trương Thuận, Dương Hùng, Thạch Tú, Tôn Lập, Hoàng Tín, Yến Thuận, Đặng Phi, Âu Bằng, Dương Lâm, Lưu Đường, Nguyễn Tiểu Nhị, Nguyễn Tiểu Ngũ, Nguyễn Tiểu Thất, Bạch Thắng, Đỗ Thiên, Tống Vạn”.

Nhìn qua một lượt có thể thấy, 20 đầu lĩnh theo Tiều Cái đánh Tăng Đầu thị, nếu không phải là người gắn bó với “Thác tháp thiên vương” từ trước, thì đa phần cũng là bọn tự nguyện tới Lương Sơn hoặc nhóm vì bị bọn Tống Giang – Ngô Dụng “ép cùng đường” mà lên. Và đáng nói, ở 1 trận đánh quan trọng như vậy mà không hề có một tay giỏi cơ mưu nào trong danh sách đầu lĩnh theo Tiều Cái.

“Ngậm miệng ăn tiền” nhìn Tiều Cái đi vào chỗ chết

Cả về lý và tình, Ngô Dụng – vốn là người có mối quan hệ thân thiết từ xưa với Tiều Cái, đáng ra phải theo ông trại chủ đi đánh bọn Tăng Đầu. Nhưng không! Tuyệt nhiên chẳng hề thấy Ngô Dụng lên tiếng xin theo – điều hoàn toàn trái ngược với những lần Tống Giang dẫn quân đi đánh phá các trấn phủ trước đó và sau này.

img

Cái chết của Tiều Cái trong trận đánh Tăng Đầu Thị, Ngô Dụng liệu có “nhúng tay”?

Thực ra khi ngọn gió to thổi gãy cột cờ quân lệnh của Tiều Cái, Ngô Dụng cũng đã lên tiếng khuyên can đại ý rằng đấy là “điềm gở, đại ca nên lui quân vào trại vài bữa, rồi đi sau”. Thoạt nghe thì có vẻ Ngô Dụng lo cho Tiều Cái lành ít dữ nhiều với chuyến đi này. Nhưng ngẫm thật kĩ, hóa ra không phải là như vậy.

Hơn ai hết, Ngô Dụng hiểu rõ tính khí của Tiều Cái, đã quyết thì không có chuyện dừng. Thứ hai, Ngô Dụng cũng hiểu được cái thế của Tiều Cái, tiếng là trại chủ Lương Sơn nhưng đang bị lép vế về uy danh và công trạng so với Tống Giang. Ngô Dụng nói dăm ba câu khuyên can nhưng thực ra khích tướng Tiều Cái, chính là “đổ thêm dầu vào lửa” vậy.

Nếu Ngô Dụng thực bụng lo cho Tiều Cái, chàng ta có 2 lựa chọn rõ ràng. Thứ nhất, bằng mọi cách giữ chân được Tiều Cái, không để đại ca xuất quân trong tình thế vội vàng, tính khí đang nóng nảy như vậy. Đấy vốn là điều bất lợi của tướng khi chuẩn bị đánh trận. Thứ hai, nếu là lành ít dữ nhiều thì Ngô Dụng sao không tự nguyện xin theo, để phò giúp huynh trưởng. Không thành công thì ít nhất cũng có thể giúp giải nguy thành an, nếu Tiều Cái gặp chuyện bất lợi.

img

Vì tính cách cơ hội, lại triển nhiều mưu hèn kế bẩn mà Ngô Dụng là bị nhiều huynh đệ xa lánh.

Bọn Tăng Đầu thị không phải lũ tầm thường (thể hiện qua thông tin trinh sát mà Đới Tung thu thập được), lại được dẫn dắt bởi Giáo sư Sử Văn Cung trí dũng song toàn, đâu phải muốn đánh nhanh thắng nhanh mà được. Về quân lực Tiều Cái chỉ mang theo 2000 binh và 20 đầu lĩnh trong khi Tăng Đầu có 5-7 nghìn lâu la, thành trại vững chắc. Muốn công thành, quân lực phải gấp đôi đối phương – đấy là nguyên tắc cơ bản trong binh pháp. Ngô Dụng sao không hiểu điều đấy.

Đằng này, sau khi nghe Tiều Cái nói, thì Ngô Dụng ngay lập tức “lặng yên cho Tiều Cái ra đi”. Đúng là cái im lặng… đáng giá ngàn vàng vậy. Bởi nếu Tiều Cái đi chuyến này, trong tâm trạng nóng giận, lại muốn tốc chiến tốc thắng để củng cố vị trí số 1 Lương Sơn, trong khi quân mã chưa bằng phân nửa đối thủ, lại chẳng có mưu sĩ tốt bên cạnh thì rõ là lành rất ít mà dữ rất nhiều vậy. Nếu không phải là đi vào chỗ chết, gặp họa diệt thân thì cũng cầm chắc thất bại, không chỉ mất quân tướng mà còn tổn hại danh tiếng.

Vì lợi ích cá nhân sẵn sàng “hi sinh” huynh đệ tốt

Ngô Dụng nhìn thấy đủ thứ bất lợi của Tiều Cái trong chuyến xuống núi đánh Tăng Đầu thị, nhưng không theo giúp Tiều Cái, lại “khuyên đểu” Tiều Cái thì tâm cơ của chàng ta là quá rõ ràng rồi. Tiều Cái thất bại là chắc chắn và như thế thanh thế của Tống Giang ở Lương Sơn vốn đang lên như diều gặp gió sẽ còn có thêm một “bước ngoặt” đại lợi nữa. Làm ngơ thậm chí, sẵn sàng “hi sinh” Tiều Cái, để củng cố vị trí của đồng minh Tống Giang, là con đường mà Ngô Dụng sớm đã chọn.

img

Cái chết “đầy tâm cơ” của Ngô Dụng bên mộ Tống Giang.

Chuyện Tiều Cái trúng phải tên độc (trên tên đề chữ Sử Văn Cung) có thể ngoài dự liệu của Ngô Dụng, hoặc cũng có thể nằm trong lớp mưu kế liên hoàn để triệt hạ “Thác Tháp Thiên Vương” của chính Ngô Dụng, điều này chúng ta tạm không bàn tới. Nhưng thất bại ở trận đánh Tăng Đầu và cái chết của Tiều Cái, rõ ràng là đem lại cơ hội và lợi thế tuyệt vời cho cặp đôi đồng minh Tống - Ngô, những người muốn mượn sức mạnh và thanh thế của Lương Sơn để phát triển con đường quan lộ của họ.

Tâm cơ của Ngô Dụng có thể che giấu được những tay võ biền vô lo vô nghĩ nhưng làm sao qua mắt được tất cả các đầu lĩnh Lương Sơn. Chính bởi vậy, Ngô Dụng, tiếng là nhân vật số ba, đệ nhất quân sư của Lương Sơn, nhưng có lẽ là kẻ “cô đơn” nhất ở Bến nước.

Vì quá nhiều mưu hèn kế bẩn đã thi triển mà Ngô Dụng gây thù chuốc oán với nhiều hảo hán, từ Dương Chí (nạn nhân trong vụ cướp Sinh thần Cương), Lư Tuấn Nghĩa (bị Ngô Dụng lừa trở thành tội phạm triều đình, tán gia bại sản phải cùng đường lên Lương Sơn) hay nhóm Chu Đồng, Từ Ninh, Tiêu Nhượng, Kim Đại Kiện… cũng trong hoàn cảnh tương tự. Ngay cả Lâm Xung, lúc đầu rất nể Ngô Dụng sau cũng căm “Trí đa tinh” từ lần lén thả kẻ thù không đội trời chung Cao Cầu. Nhóm Lưu Đường, Nguyễn thị Tam hùng vốn một lòng vì Tiều Cái thì dần dà cũng hiểu được Ngô Dụng là kẻ cơ hội, sẵn sàng bán đứng anh em, nên dần xa lánh.

Cái chết của Ngô Dụng bên mộ Tống Giang được đời sau ca ngợi như là đỉnh cao của tình nghĩa huynh đệ. Nhưng cứ nhìn vào tính cách “chân tiểu nhân” của họ Ngô thì việc chàng ta thắt cổ tử tự khi đồng mình số 1 bị triều đình hại chết, trong bối cảnh các đầu lĩnh Lương Sơn sau trận Phương Lạp thiệt mạng gần hết, những người còn sống thì không cùng chí hướng, xa xôi cách trở, thì mới thấy đó là lựa chọn cuối cùng của kẻ rơi vào “tuyệt lộ”.

Không tự sát thì sớm muộn cũng lâm vào cảnh bị ép chết như Tống Giang. Mà còn sống thì với một bụng rặt mưu hèn kế bẩn nhưng không có tài sức của những hảo hán thì kẻ “trói gà không chặt” như Ngô Dụng sao gầy dựng lại được cơ nghiệp?

Đến ngay cả lúc chọn cho mình cái chết, Ngô Dụng vẫn tính toán đầy tâm cơ vậy…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem