ĐT futsal Việt Nam học được gì từ trận thua Iran?

Phạm Trần Oánh Thứ tư, ngày 05/10/2022 11:10 AM (GMT+7)
Đối đầu với Iran, đương kim vô địch futsal châu Á ở tứ kết giải châu lục, các cầu thủ Việt Nam đã thất bại nặng nề với tỷ số 1-8. Kết quả này là không bất ngờ, đội Iran quá mạnh.
Bình luận 0

Trước Iran, các cầu thủ Việt Nam phối hợp rất khó khăn, hiếm khi cầm được bóng ở khu vực giữa sân, càng hiếm khi đưa được bóng vào tình huống có thể gây nguy hiểm trước khung thành của đội Iran, hoặc tạo ra được khoảng trống để có thể tung ra các cú dứt điểm.

Trong khi đó, đội Iran có rất nhiều pha xuống bóng nguy hiểm, tạo ra nhiều cơ hội dứt điểm. Các pha dứt điểm đa dạng, từ sút xa, đến đập ban vào tận cửa khung thành. Chỉ đến khi thua 0-3, các cầu thủ Việt Nam thực hiện chiến thuật mạo hiểm Power Play, đẩy thủ môn lên phối hợp như 1 cầu thủ thông thường, tạo ra lợi thế về mặt quân số.

ĐT futsal Việt Nam học được gì từ trận thua Iran? - Ảnh 1.

ĐT futsal Việt Nam không thể tạo bất ngờ trước ĐT futsal Iran. Ảnh:SPORT

5 cầu thủ cầm bóng phối hợp so với 4 cầu thủ bắt người đuổi bóng của Iran, khi đó ĐT futsal Việt Nam mới cầm được bóng ở khu vực giữa sân, nhưng cũng chỉ đến vậy. Các cầu thủ Việt Nam vẫn chủ yếu chỉ chuyền qua lại được ở giữa sân hoặc đưa bóng ra biên xuống sát biên ngang, chứ ít tạo ra được áp lực, hay thọc sâu vào trước khu vực cầu môn đối phương. 4 cầu thủ Iran phòng ngự chặt chẽ trước 5 cầu thủ tấn công Việt Nam, và họ kiên nhẫn chờ sai lầm của các cầu thủ Việt Nam để cướp bóng dứt điểm vào khung thành bỏ trống.

Phải chăng chiến thuật của đội Iran hay hơn đội Việt Nam? Hay các cầu thủ Iran phối hợp tốt hơn các cầu thủ Việt Nam?

Thực ra, chiến thuật hay đến mấy thì cũng cần phải có người đủ năng lực thực hiện, có bột mới gột nên hồ. Trong trận này, các pha phối hợp của các cầu thủ Iran cũng không có gì đặc biệt. Họ chỉ đặc biệt hơn các cầu thủ Việt Nam ở khả năng chiến thắng trong các pha 1 đối 1. Trong tất cả tình huống như vậy, các cầu thủ Iran đều giành ưu thế.

Khi các cầu thủ Iran muốn cầm bóng, các cầu thủ Việt Nam gần như không thể cướp được bóng từ chân họ mà không phạm lỗi. Nhưng ở chiều ngược lại, nếu các cầu thủ Việt Nam không kịp chuyền bóng sớm, họ lập tức bị các cầu thủ Iran áp sát, gây áp lực và lấy mất bóng. Ở bóng đá 11 người, sự chênh lệch này dù sao cũng ít ảnh hưởng đến cục diện trận đấu hơn. Đông người hơn nên cũng nhiều phương án phối hợp chuyền bóng hơn. Không gian của sân 11 cũng rộng hơn, điều đó giúp cho đôi khi, các cầu thủ có thể dùng tốc độ hay khả năng di chuyển để bù đắp, tránh phải tranh chấp tay đối với đối thủ.

Trong khi đó, ở futsal, chỉ có 4 cầu thủ phối hợp trong 1 không gian hạn hẹp, để chạy chỗ thoát được sự bắt người kiểu 1 kèm 1 là khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, khi đồng đội không thể chạy chỗ, không thể hỗ trợ, thì khả năng 1 đối 1 với đối phương, giữ bóng không để bị mất, hay qua người để tạo tình huống bất ngờ sẽ là yếu tố quyết định đến cục diện trận đấu. Và trước các cầu thủ Iran, các cầu thủ Việt Nam đã không thể làm được việc đó, tới mức các cầu thủ Việt Nam gần như không dám đưa ra quyết định thực hiện động tác qua người mỗi khi 1 đối 1 với đối phương. Điều này càng làm cho các cầu thủ Iran yên tâm tập trung vào việc bắt các đường chuyền.

Nhiều người cho rằng, con người Việt Nam tuy thua kém về mặt thể lực, thể hình, nhưng lại có lợi thế về sự nhanh nhẹn, độ khéo léo khi xử lý, khả năng cảm nhận, điều khiển quả bóng… Thực tế, đây là 1 nhận định sai lầm. Không chỉ qua trận đấu này với Iran, mà kể cả các trận đấu khác của bóng đá sân 11 người hay futsal, các cầu thủ Việt Nam vốn thua kém đương nhiên về mặt thể lực, thể hình, nhưng về mặt kỹ thuật, sự nhanh nhẹn hay khéo léo cũng thua kém nhiều so với các cầu thủ của các quốc gia có truyền thống bóng đá. Họ to khỏe nhưng rất nhanh nhẹn và khéo léo, không hề "kềnh càng" như nhiều người vẫn tưởng.

ĐT futsal Việt Nam học được gì từ trận thua Iran? - Ảnh 2.

ĐT futsal Việt Nam đã có bài học bổ ích khi gặp đội mạnh như Iran. Ảnh: SPORT

Đến cả môn bóng đá nghệ thuật, vốn là 1 môn biểu diễn khả năng điều khiển quả bóng, không hề dùng đến thể lực hay thể hình, không phải tranh chấp hay đối kháng gì, thì các vận động viên của Việt Nam cũng còn 1 khoảng cách khá xa với vận động viên đỉnh cao thế giới, cả về mặt bằng trình độ đến số lượng người tham gia luyện tập. Người tập ở Việt Nam vẫn chủ yếu học và tập làm theo các kỹ thuật điều khiển bóng của các vận động viên bóng đá nghệ thuật thế giới, chả thế mà các kỹ thuật của môn bóng đá nghệ thuật này ở Việt Nam hầu hết có tên gọi bằng tên nước ngoài.

Vì vậy, mỗi khi futsal của Việt Nam hay kể cả bóng đá 11 người thất bại trước những cường quốc bóng đá kiểu như Iran hay các đội bóng châu Âu, không phải chỉ do vấn đề thể hình thể lực ta thua kém họ như chúng ta vẫn thường đổ lỗi, mà thực tế, chúng ta còn thua kém họ cả về kỹ thuật cá nhân, sự khéo léo trong điều khiển quả bóng nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem