Dù thời tiết giá rét, hàng nghìn người dân vẫn tham dự lễ hội gò Đống Đa

Thanh Hà Thứ tư, ngày 29/01/2020 13:06 PM (GMT+7)
Dù thời tiết giá lạnh nhưng từ sáng sớm đã rất đông các đoàn từ các tỉnh như Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình cùng hàng nghìn người dân tề tựu tại sân gò Đống Đa để dự lễ khai hội kỷ niệm 231 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.
Bình luận 0

img

Ông Đoàn Văn Hướng, người vào vai Vua Quang Trung trong đoàn rước kiệu. Ảnh: Thanh Hà

img

Sáng 29/1/2020 Lễ hội kỷ niệm 231 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tưởng nhớ công lao to lớn của Hoàng đế Quang Trung cùng các tướng sĩ quân Tây Sơn đã anh dũng chiến đấu, hy sinh chống giặc ngoại xâm, giữ vững nền độc lập dân tộc, đã được quận Đống Đa (Hà Nội) trang trọng tổ chức tại Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa.

img

Đến dự có ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị - Nguyên Bí thư Thành uỷ TP Hà Nội cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, thành phố Hà Nội và hàng nghìn người dân Thủ đô cũng như các đoàn khách thập phương.

img

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các đại biểu dâng hương tại lễ kỷ niệm

Tại lễ hội kỷ niệm, các đại biểu và nhân dân đã ôn lại chiến công của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn đã tiến công thần tốc, đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh giải phóng kinh thành Thăng Long, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

img

Phát biểu tại Lễ hội kỷ niệm, ông Nguyên Phong -Chủ tịch UBND quận Đống Đa khẳng định: “Trận Ngọc Hồi - Đống Đa đại thắng đã khẳng định nghệ thuật quân sự tuyệt vời của nghĩa quân Tây Sơn. Đó là nghệ thuật chuyển quân thần tốc từ Phú Xuân ra Bắc,là nghệ thuật tác chiến, chiến lược trong từng trận đánh.

Bằng thắng lợi vĩ đại này, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo thiên tài của Hoàng đế Quang Trung đã đập tan mộng xâm lược của quân Thanh, giải phóng đất nước, giữ vững nền độc lập dân tộc. Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là sự hội tụ, kết tinh sâu sắc truyền thống yêu nước, yêu độc lập - tự do ngàn đời của nhân dân ta; là sự khẳng định tinh thần đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường; là bản anh hùng ca bất hủ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc”.

img

Bà Nguyễn Thị Thoa, 81 tuổi trú tại số nhà 19, ngõ 89 phố Nhân Chính, quận Thanh Xuân cho biết: “Tôi đã 13 năm tham gia cầm cờ trong đoàn rước kiệu Công chúa Ngọc Hân, tuy nhiên năm 2019 tôi bị gãy chân nên khai hội năm nay, tôi không thể tham gia, cũng buồn lắm, nên tôi bắt con cháu đưa ra đây để được hưởng không khí của lễ hội, cảm thấy vui, phấn khởi, khoẻ hẳn ra đấy. 13 năm cầm cờ tôi vui. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày mồng 5 âm lịch, tôi cùng đoàn rước kiệu dậy từ 4h sáng và ra đây làm lễ lúc 6h”.

Còn với ông Đoàn Văn Hướng, người vào vai Vua Quang Trung thì cho hay: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia vai Vua Quang Trung do phường Quang Trung mời. Tôi cảm thấy vinh dự và tự hào, tôi cũng đã từng học và đọc nhiều lịch sử, đặc biệt Vua Quang Trung nên khi vào vai tôi cũng không cảm thấy e ngại, hơn nữa đã từng là người trong quân đội được rèn luyện tác phong con nhà võ nên dáng đi, phong thái tôi không phải học nhiều, chỉ cần chỉ dẫn một chút là tôi có thể vào vai Vua Quang Trung”

img

img

Bạn Hoàng Nguyễn Liên Nga, 20 tuổi, trong đoàn rước kiệu Công chúa Ngọc Hân chia sẻ với báo chí

Bạn Hoàng Nguyễn Liên Nga, 20 tuổi, trong đoàn rước kiệu Công chúa Ngọc Hân thì chia sẻ, từ bé cô đã được mẹ cho đi theo lễ hội, nên thấy thích và yêu văn hoá truyền thống. Ngoài ra theo Liên Nga, cô học lịch sử thì vị Vua Quang Trung là một trong những vị vua được cô yêu thích và ngưỡng mộ vì thế khi được là thành viên trong đoàn rước kiệu  Liên Nga cảm thấy tự hào và muốn lưu giữ, phát huy tinh thần yêu nước, của người anh hùng dân tộc áo vải. 

“Tôi cảm thấy đây là hoạt động rất có ý nghĩa, bởi đây là di tích lịch sử của Hà Nội mà mình cần có trách nhiệm tham gia, cũng như góp một phần công sức nhỏ bé trong việc bảo tồn, lưu giữ nét văn hoá truyền thống, tôn vinh, tưởng nhớ tới Vua Quang Trung”.

img

img

đoàn Thiền phái Trúc Lâm, Hưng Yên, Yên Tử Quảng Ninh

Bà Bùi Thị Quý thuộc đoàn Thiền phái Trúc Lâm, Hưng Yên, Yên Tử Quảng Ninh thì cho biết, năm nào bà cùng đoàn Thiền Phái Trúc Lâm cũng lên dâng lễ Vua Quang Trung: “Năm nay đoàn tôi lên dâng lễ khoảng hơn 300 người, người già nhất là 85 tuổi và người nhỏ nhất là cháu bé 6 tuổi. Cả đoàn chúng tôi ai cũng phấn khởi và tự hào khi được dâng lễ Vua Quang Trung.

Năm nào cũng vậy, đoàn chúng tôi các thành viên từ 16 tỉnh, thành phố trên khắp cả nước, nhưng cứ đến ngày mồng 5 Âm lịch, ngày rước kiệu Vua Quang Trung và Công chúa Ngọc Hân là chúng tôi có mặt từ rất sớm để dâng lễ. Chúng tôi không quản đường xá, xa xôi, hay lạnh giá, vì đây là tấm lòng của những người con đất Việt, muốn tưởng nhớ tới vị vua, người anh hùng áo vải. Người đã đánh thắng quân Mãn Thanh và giành lại non sông”, bà Bùi Thị Quý nói.

img          

Lễ hội kỷ niệm 231 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa diễn ra với nhiều nghi lễ truyền thống: Tế lễ, rước kiệu Hoàng đế Quang Trung và hoàng hậu Lê Ngọc Hân; lễ dâng hoa, dâng hương, chúc văn tại tượng đài và đền thờ Hoàng đế Quang Trung; biểu diễn trống hội...  Đại biểu và nhân dân cũng được thưởng thức chương trình nghệ thuật màn sử thi tái hiện chiến công hiển hách của người anh hùng áo vải cở đào Quang Trung – Nguyễn Huệ dẹp tan quân Mãn Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long. Lễ hội cũng diễn ra các hoạt động dâng hương của nhân dân và khách thập phương, văn nghệ truyền thống và trò chơi dân gian.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem