Đưa đồ gỗ đi xa

Thứ năm, ngày 05/01/2012 12:52 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tiếp nối nghề truyền thống của quê hương, anh Ngô Xuân Đăng, ở thôn 5B xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương, Thái Bình đã phát triển và khẳng định thương hiệu sản phẩm đồ gỗ truyền thống quê nhà.
Bình luận 0

"Năm 1997, sau khi học thành thạo nghề ở làng Hưng Hà, với số vốn tích lũy được cộng thêm vốn vay của Hội ND và Hội Phụ nữ, gia đình tôi bắt đầu mở xưởng làm đồ gỗ nội thất" - anh Đăng kể. Làm được một thời gian nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ của người dân ngày càng cao anh mạnh dạn dầu tư thêm vốn, thuê thêm nhân công mở rộng xưởng. Sau đó anh đi khảo sát thị trường trong và ngoài tỉnh, nắm được thị hiếu của người tiêu dùng, anh quyết định làm thêm đồ gỗ thờ cúng.

img
Anh Đăng đang biến những khúc gỗ thành sản phẩm tinh tế.

Loại gỗ anh Đăng làm những sản phẩm được người tiêu dùng ưu chuộng chủ yếu là gỗ mít. Đây là gỗ có nhiều ưu điểm, có mùi thơm, bền, không mối mọt, không cong vênh và dễ chế tác các họa tiết cầu kỳ.

Theo anh Đăng làm đồ gỗ nội thất không gặp nhiều khó khăn vì đầu ra có sẵn, nhưng để thu hút người mua cần có kỹ thuật tinh xảo và khả năng sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo và tinh tế.

Hiện xưởng gỗ mỗi năm đem về cho anh khoảng 400 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với lương 4 triệu/người/tháng. Với tiếng tăm của mình các sản phẩm do xưởng của anh Đăng tạo ra không chỉ đáp ứng nhu cầu cho nhân dân trong tỉnh mà còn lan xa khắp cả nước…

Chia sẻ bí quyết thành công của mình, anh Đăng tâm sự: "Để có những sản phẩm đẹp trước hết phải đam mê nghề, không ngừng tìm tòi học hỏi nắm vững kỹ thuật mới thì những sản phẩm gỗ đơn điệu trở nên có hồn cốt".

Anh tiết lộ, anh sẽ mở rộng quy mô xưởng, làm thêm các sản phẩm từ gỗ khác để tăng tính đa dạng cho sản phẩm…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem