Đừng đem Xoan lên sân khấu

Chủ nhật, ngày 27/11/2011 06:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vậy là thêm một di sản phi vật thể của cha ông để lại từ hàng ngàn năm đã được UNESCO vinh danh, sau nhã nhạc, cồng chiêng, quan họ, ca trù, hội Gióng.
Bình luận 0

Hát Xoan được đánh giá cao nhất trong 33 bộ hồ sơ “ứng thí” lần này chứng tỏ VN đã thực sự ý thức được cách làm chuyên nghiệp và đúng hướng để bảo tồn di sản văn hóa. Nhưng vấn đề đặt ra sau sự vinh danh là làm thế nào để giữ được không gian trình diễn nguyên gốc của hát Xoan, đó là gắn với tục hát thờ trước cửa đình mùa xuân với những ca từ mang nhiều âm tiết Hán Việt rất khó hiểu, khó tiếp nhận với khán giả hiện đại hôm nay.

img
 

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan - người trực tiếp tham gia vào việc xây dựng bộ Hồ sơ di sản cho hát Xoan Phú Thọ rất lo ngại: “Hát Xoan là tiếng hát dâng thần linh, cầu chúc, khấn nguyện thần linh ban phúc cho dân làng... nhưng hiện nay nó đã mai một rất nhiều. Tổng số người tham gia các phường Xoan hiện nay là 81, biết hát Xoan là 49 người…

Hơn thế, trong số 30 di tích diễn ra các điệu hát cửa đình này chỉ có 13 di tích đã được bảo tồn, tôn tạo, còn 2 di tích đã xuống cấp, 15 di tích đã mất hoàn toàn. Việc phục dựng một không gian nguyên gốc để cho Xoan phô diễn giá trị của nó không hề đơn giản”.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh thì tha thiết: “UNESCO không chấp nhận những di sản văn hóa đã bị cải biên, mất tính nguyên gốc, nên điều mà chúng tôi lo ngại nhất là người ta sẽ “sân khấu hóa” hát Xoan để đưa nó đến gần hơn với đời sống hiện đại.

Một nghệ thuật diễn xướng của người Việt xưa chứa đựng trong nó cả lời ca, âm nhạc, vũ điệu và không gian, nếu giữ được đúng chất của nó thì mới quý, còn cải biên, đặt lời mới cho làn điệu Xoan rồi đem lên sân khấu lòe loẹt, xập xình thì chẳng khác nào mang một cô công chúa thời xưa ra nhuộm tóc, mặc quần jeans. Đó là điều tối kị”.

Ngay từ bây giờ, Phú Thọ và vùng văn hóa Xoan, Ghẹo (bao gồm cả tỉnhVĩnh Phúc) phải quyết liệt chạy đua với thời gian. Chỉ còn 8 nghệ nhân còn truyền dạy được hát Xoan, hầu như các cụ đều đã 80 - 90 tuổi, phải tranh thủ bảo tồn những gì còn lại ở miền ký ức của họ để giữ bằng được tính nguyên gốc của di sản trong khi cuộc sống hiện đại thì cứ cuồn cuộn chảy. Khó nhưng chúng ta vẫn phải làm, nếu không muốn đắc tội với tiền nhân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem