Dừng trạm thu phí giao thông ở Cần Thơ: Lao động khốn khổ vì thất nghiệp

Thứ tư, ngày 07/08/2013 06:58 AM (GMT+7)
Sau khi các trạm thu phí giao thông ở Cần Thơ dừng hoạt động, nhiều lao động rất khốn khổ do chưa được giải quyết chế độ theo quy định. Nguyên nhân là do Bộ GTVT và doanh nghiệp “đùn đẩy” trách nhiệm cho nhau.
Bình luận 0
6 tháng chưa được hưởng chế độ

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc xóa, dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với các trạm thu phí sử dụng đường bộ trên hệ thống quốc lộ cả nước, Trạm Mỹ Thuận đã dừng thu phí vào ngày 1.1.2013 và Trạm cầu Cần Thơ dừng ngày 2.2.2013. 146 lao động của 2 trạm này mất việc làm. Đến nay chỉ có 77 người được bố trí làm công việc khác, số người còn lại mất việc và lâm vào cảnh sống khốn khó.
Nhiều lao động bức xúc về việc quyền lợi của mình chậm được giải quyết.
Nhiều lao động bức xúc về việc quyền lợi của mình chậm được giải quyết.

Bà Nguyễn Thị Thu Vân (Trạm cầu Cần Thơ) bức xúc: Tôi công tác đã 32 năm, 6 tháng nay phải nghỉ ở nhà, không có thu nhập. Trước khi nghỉ, lãnh đạo công ty có hứa nếu tôi chịu “nghỉ hưu” sớm sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp một lần là 111 triệu đồng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy ai giải quyết”.

Bà Võ Thị Kim Liên (Trạm cầu Cần Thơ), người có 30 năm công tác, cũng cho hay: “Khi trạm thu phí ngừng hoạt động, phòng tổ chức cũng tính cho tôi một bảng trợ cấp thất nghiệp với khoản tiền 99 triệu đồng, thế nhưng từ đó tới nay không thấy tiền đâu”.

Bộ, ngành đùn đẩy trách nhiệm

Ông Nguyễn Di Thái – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV?Quản lý và khai thác cầu Cần Thơ cho biết: Thực hiện Công văn số 586 ngày 4.2.2013 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc giải quyết chế độ cho người lao động tại các trạm thu phí khi xóa, dừng thu phí sử dụng đường bộ, công ty đã lập hồ sơ đề nghị cấp kinh phí để giải quyết lao động dôi dư và đã được Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ phê duyệt kinh phí trợ cấp mất việc làm cho 31 người với số tiền trên 2,215 tỷ đồng.

Ngày 11.7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có công văn gửi các đơn vị có trạm thu phí xóa, dừng thu về kinh phí trả trợ cấp cho 837 lao động của 20 trạm. Theo đó, các đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế, có giải trình khó khăn, vướng mắc của đơn vị khi thực hiện Thông tư 180 , để Tổng cục tổng hợp trình Bộ GTVT và Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư xem xét quyết định.
“Tuy nhiên, ngày 11.7, Tổng cục Đường bộ lại có công văn về việc giải trình kinh phí chấm dứt hợp đồng lao động cho lao động mất việc làm tại trạm thu phí, và công ty không được hỗ trợ nguồn kinh phí trợ cấp mất việc làm từ Quỹ Bảo trì đường bộ, mà kinh phí này thực hiện theo Thông tư 180/2012 của Bộ Tài chính.

Việc vận dụng Thông tư 180 để lấy kinh phí trả trợ cấp mất việc, trong trường hợp đặc thù riêng của công ty có phần chưa phù hợp, vì những người mất việc từ trước đến nay đều làm ở đơn vị sự nghiệp có thu nên lẽ ra ngân sách phải chi trả” – ông Thái nói.

Ông Nguyễn Văn Phòng – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển, quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long cho rằng: Đối với số lượng lớn lao động cùng nghỉ một lúc như vậy, doanh nghiệp không có đủ khả năng để thực hiện theo hướng dẫn của các quy định hiện hành. Đây là trường hợp đặc biệt thực hiện theo chủ trương của Chính phủ nên rất cần sự hỗ trợ của Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ...

Đức Khánh ( Đức Khánh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem