Hàng loạt doanh nghiệp hoạt động ở Hồ Tây có nguy cơ phá sản

Hoàng Giang Thứ ba, ngày 27/09/2016 13:57 PM (GMT+7)
Mặc dù Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có chỉ đạo xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp được hoạt động trên Hồ Tây theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đã hơn 3 tháng trôi qua, những khó khăn vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ khiến nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản cùng hàng trăm lao động không có việc làm…
Bình luận 0

Theo phản ánh của doanh nghiệp đến Dân việt, ngày 4.7.2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội có quyết định số 3633/QĐ-UBND về việc thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp tham gia bến thủy nội địa trên Hồ Tây với mục đích đề xuất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Theo các doanh nghiệp này phản ánh, trong quá trình thanh kiểm tra, các doanh nghiệp còn một số tồn tại nên đã khắc phục và được đoàn thanh tra liên ngành kết luận là phù hợp để hoạt động theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, kể từ khi các doanh nghiệp ngừng hoạt động (từ 19.6 đến nay) là đã hơn 3 tháng nhưng vẫn chưa biết “đi đâu, về đâu”. Trước khó khăn chồng chất và đứng trước nguy cơ phá sản, ngày 19.9 vừa qua, 4 doanh nghiệp là Công ty TNHH xúc tiến và dịch vụ Tây Hồ (đơn vị liên kết với Cty CP Nhà nổi Hồ Tây), Công ty TNHH Nhuận Mai, Công ty TNHH Du thuyền Hồ Tây, Công ty CP Sông Potomac đã làm đơn kiến nghị gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Sở GTVT, UBND quận Tây Hồ về việc cho các doanh nghiệp được tạm thời hoạt động.

img Hàng loạt doanh nghiệp nằm bất động nằm chờ Quyết định của UBND TP Hà Nội.

. Theo hướng mà các doanh nghiệp này đề xuất, trong thời gian chờ đợi thành phố đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở cầu bến mới (Đầm Bảy), các cơ quan chức năng cho phép 4 doanh nghiệp được trở lại hoạt động ở bến cũ nhằm “duy trì sự sống còn của doanh nghiệp và người lao động”. Trong đơn gửi đi, 4 doanh nghiệp này cũng kiến nghị được cơ quan chức năng cấp lại đường nước sinh hoạt, đồng thời được gia hạn giấy phép tạm hoạt động bến thủy nội địa với thời hạn ngắn từ 3-6 tháng/lần cấp. Sau khi thành phố hoàn thành bến mới, 4 doanh nghiệp này sẽ di chuyển ngay và tự tháo dỡ toàn bộ bến cũ.

Nói về khó khăn hiện tại, lãnh đạo các doanh nghiệp đều cho biết, sau 3 tháng dừng hoạt động, ngoài sự xuống cấp trầm trọng của cơ sở vật chất, hoặc hàng loạt hàng hóa bi hư hỏng phải vứt bỏ thì các doanh nghiệp đang đứng trước bờ vực phá sản. Ngoài ra, chỉ tính riêng 4 doanh nghiệp này đã có gần một nghìn lao động bị mất việc. Trong đó, rất nhiều lao động chưa tìm được công việc phù hợp hoặc lương thấp, còn đa số thì vẫn đang “nín thở” chờ ngày được quay lại làm việc.

Đại diện một doanh nghiệp cho biết: “3 tháng tạm dừng hoạt động là thời gian quá dài.Quan điểm của chúng tôi là luôn ủng hộ chủ trương của UBND cũng như các ban ngành của TP Hà Nội. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn UBND thành phố sớm có một quyết định, dù là tạm thời để chúng tôi được phép hoạt động. Đó là cách để giải quyết được việc làm cho hàng trăm lao động và khó khăn của doanh nghiệp hiện nay”.

Trước đó, theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2001, UBND TP Hà Nội có quyết định chuyển doanh nghiệp nhà nước bộ phận Du thuyền Hồ Tây thành công ty cổ phần. Từ 2 công ty ban đầu, về sau có thêm 3 công ty thành viên nữa cùng tham gia hoạt động kinh doanh các dịch vụ vui chơi giải trí, nhà hàng ăn uống, dịch vụ du lịch – văn hóa – biểu diễn nghệ thuật- thể thao…

Ngày 12.5.2008, các doanh nghiệp đã thực hiện di dời lần thứ nhất từ vị trí trục đường Thanh Niên về địa điểm mới tại số 02 đến số 10 đường ven hồ thuộc phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ. Đây là địa điểm được UBND quận Tây Hồ thỏa thuận địa điểm và được Sở GTVT TP. Hà Nội cấp Giấy phép hoạt động Bến thủy nội địa với thời hạn 01 năm (theo Quy định quản lý về Giao thông đường thủy thì khi hết hạn sẽ được gia hạn, như việc Sở GTVT TP Hà Nội đã gia hạn cho các doanh nghiệp các năm trước đây).

Tuy nhiên, đến giai đoạn năm 2010 – 2011, Sở GTVT Hà Nội không cấp phép hoạt động bến thủy nội địa cho các doanh nghiệp kinh doanh trên Hồ Tây nữa. Lý do mà Sở GTVT Hà Nội đưa ra là thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội về việc các đơn vị kinh doanh trên Hồ Tây ngoài giấy phép của Sở KH- ĐT thì cần phải có giấy phép con do UBND quận Tây Hồ cấp.

Trong thời gian này, các doanh nghiệp vẫn được Công ty Cổ phần Nhà nổi Hồ Tây ký hợp động hợp tác đầu tư. Theo đó, các doanh nghiệp đều đến quận Tây Hồ để làm thủ tục xin cấp phép nhưng phía UBND quận cho biết là chưa có hướng dẫn của thành phố nên không thể cấp giấy phép được. Chính vì vậy, từ năm 2010 đến nay, các doanh nghiệp này vẫn chưa hoàn thiện được các thủ tục như UBND. TP Hà Nội đã chỉ đạo.

Ngày 17.6.2016 vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã có thông báo số 731/TB-SGTVT về việc đình chỉ hoạt động bến thủy nội địa trên Hồ Tây, quận Tây Hồ. Việc này, các doanh nghiệp đã nghiêm túc chấp hành theo chỉ đạo và ngừng hoạt động cho đến này. Đồng thời, phía cơ quan chức năng cũng cho biết, tất cả các tàu thuyền, nhà hàng đang hoạt động trên Hồ Tây, kể cả có phép lẫn không phép sẽ được di chuyển về Đầm Bảy (phường Nhật Tân). Trước chủ trương di chuyển các doanh nghiệp về địa điểm mới của UBND TP Hà Nội, các doanh nghiệp đều thể hiện tinh thần và thái độ tuyệt đối ủng hộ, chấp hành.

Tưởng rằng, khi có kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành, cách doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ để hoạt động “tạm” trước khi di chuyển về chỗ mới nhưng sau 3 tháng bị đình chỉ hoạt động đến nay các doanh nghiệp này vẫn chưa biết “đi đâu, về đâu”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem