Khó hiểu việc loại hồ sơ vay vốn “NĐ 67” của ngư dân

Công Xuân Thứ sáu, ngày 24/06/2016 16:04 PM (GMT+7)
Đó là ý kiến của đại diện một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh trước lý do mà Vietcombank Quảng Ngãi loại bỏ hồ sơ vay vốn "NĐ 67” của ngư dân Nguyễn Anh Tuấn sau gần 2 năm ngược xuôi để hoàn tất hồ sơ, tốn chi phí trên 500 triệu đồng.
Bình luận 0

Ngân hàng có thể từ chối từ đầu?

Trao đổi với PV báo điện tử Dân Việt, cũng như một số ngân hàng khác, ông Nguyễn Thiên Phiến, Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi, đơn vị đã cho ngư dân trong tỉnh vay vốn đóng tàu cá theo "NĐ 67" nhiều nhất trong số các ngân hàng ở địa phương, thẳng thắn: "Vietcombank Quảng Ngãi hoàn toàn có thể từ chối, loại bỏ hồ sơ ngư dân Tuấn vay vốn ngay từ đầu, chứ không cần phải để ngư dân này mất gần 2 năm đi lại, tiêu tốn khoản chi phí lên đến trên 500 triệu đồng như vậy".

Bởi lẽ theo ông Phiến thì từ hồ sơ đã gửi đến ban đầu sau khi được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện được vay, thì ngân hàng sẽ có bước kiểm tra thực tế khá kỹ để tìm hiểu đối với ngư dân xin vay xem có đủ điều kiện được cho vay hay không. Nếu được thì ngân hàng mới tiếp tục có thông báo, hướng dẫn cho ngư dân các bước tiếp theo như yêu cầu tìm nơi đóng tàu, làm dự toán, thiết kế...

img

Giấy chứng nhận đã nộp tiền của ngư dân Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh Công Xuân

Mặt khác, theo ngư dân Tuấn, không chỉ mất gần 2 năm đi lại và tốn chi phí trên 500 triệu đồng, mà ngày 6.5.2016, ông đã nộp đủ số tiền đối ứng là 5% (760 triệu đồng) so với tổng giá trị con tàu vào tài khoản đã mở tại Vietcombank Quảng Ngãi. Ông Tuấn nói đây là một trong những điều kiện để hoàn tất hồ sơ mà Vietcombank Quảng Ngãi yêu cầu thực hiện.

Về vấn đề này, ông Phiến cho biết, nếu đúng như lời ngư dân Tuấn nói trên, thì ngân hàng đã phạm luật. Vì theo quy định đối với trường hợp vay vốn theo chủ trương này, các ngân hàng không được bắt ngư dân đóng 1 lần toàn bộ vốn đối ứng, mà chỉ đóng tương đương với phần đã được ngân hàng giải ngân.  

"Hơn nữa nếu trước đó không biết chắc là sẽ được vay và Vietcombank Quảng Ngãi không yêu cầu, thì tại sao ngư dân Tuấn đã nộp đủ toàn bộ vốn đối ứng vào ngân hàng này để làm gì... ", ông Phiến bày tỏ.

Vì vậy theo ông Phiến thì việc ngư dân Tuấn bị loại hồ sơ là ở lý do khác, chứ không phải vì lý do như đã nêu trên.

Thêm 1 ngư dân gửi đơn cho báo

Trong văn bản gửi UBND tỉnh và Ngân hàng Nhà nước (NHNN)-Chi nhánh Quảng Ngãi, cùng với nội dung giải trình về lý do từ chối hồ sơ vay vốn của ngư dân Tuấn, Vietcombank Quảng Ngãi cũng đã giải thích khá dài về nhiều rủi ro, lắm thiệt thòi của mình khi cho ngư dân vay để đóng tàu thép, vỏ gỗ theo "NĐ 67".

Cụ thể với lãi suất cho vay theo ấn định của NHNN đối với chủ trương 'NĐ 67" là 7%, Vietcombank Quảng Ngãi khi cho ngư dân vay theo chủ trương này lỗ, ảnh hưởng đến việc kinh doanh chung của doanh nghiệp.

Hiệu quả hoạt động của tàu thép mà Vietcombank đã cho vay đóng kém, nên khả năng nợ xấu cao....Vì vậy dù rất tích cực thực hiện chủ trương trên, nhưng Vietcombank Quảng Ngãi rất khó và vướng khi triển khai thực hiện.

Được biết ngoài ngư dân Tuấn, một ngư dân khác ở xã Nghĩa Phú là ông Phạm Văn Cu, cũng đã gửi đơn đến báo NTNN phản ánh về việc bị Vietcombank Quảng Ngãi loại hồ sơ vay sau khoảng thời gian "hành" và phải chịu mất trắng khoản tiền chi phí như ông Tuấn.

Ông Phạm Trường Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Vietcombank Quảng Ngãi xem xét cả 2 trường hợp của ngư dân Nguyễn Anh Tuấn và ngư dân Phạm Văn Cu.

Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

                           

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem