Long An: Một ND "bỗng dưng" mất gần 40.000 cây tràm sắp thu hoạch

Hữu Danh Thứ năm, ngày 23/02/2017 20:19 PM (GMT+7)
"Bỗng dưng" bị mất gần 40.000 cây tràm sắp được thu hoạch, nông dân (ND) Võ Thế Hẹn còn bị kiện ra tòa đòi phải bồi thường 250 triệu đồng cho người khác...
Bình luận 0

Bán tài sản rẻ mạt?

Như Báo điện tử Dân Việt đã thông tin, ngày 19.3.2010, ông Mai Phước Hóa - Giám đốc Việt Á Bank (VAB) ký cho bà Võ Thị Kim Ấn (ngụ Tân Bình) vay 8 tỷ đồng, tài sản thế chấp là miếng rừng 10ha (do bà Võ Thị Minh Nhật vừa mua tại Thạnh An, huyện Thạnh Hóa cách đó 2 tháng và đứng ra bảo lãnh).

Số đất này được VAB định giá là 12 tỷ đồng. Vay được 1 năm, bà Ấn không trả tiền nên ngân hàng kê biên đất để bán đấu giá lấy tiền trả nợ.

Do hợp đồng thế chấp ghi rõ không thế chấp “Tài sản gắn liền với đất”, nên năm 2014, bà Nhật bán cây tràm con (loại tràm tái sinh) cho nông dân Võ Thế Hẹn với giá 280 triệu đồng và được chính quyền địa phương chứng thực. Ông Hẹn và gia đình vay mượn thêm 300 triệu đồng để đầu tư chăm sóc rừng tràm.

Nhờ gia đình ông Hẹn dày công vun bón, đến năm 2015, gần 40.000 cây tràm đã thành cừ tràm, có thể thu hoạch.

Lúc này, Chi cục THADS huyện Thạnh Hóa kê biên luôn toàn bộ cây tràm của ông Hẹn dù VAB có văn bản khẳng định bà Nhật không thế chấp cây tràm.

img

Hợp đồng thế chấp năm 2010 ghi rõ không thế chấp tài sản. Ảnh: Hữu Danh

Ông Hẹn đội đơn kêu cứu khắp nơi vì đây là rừng tràm của ông. Phía ngân hàng cung cấp thêm cho ông Chu Văn Quản - Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Thạnh Hóa, Hợp đồng thế chấp tài sản số 1284/10/VAB (năm 2010) ghi rõ: “Tài sản gắn liền với đất: không có”.

Dù giấy trắng mực đen rành rành như thế nhưng toàn bộ rừng tràm trị giá gần 1 tỷ đồng của ông Hẹn đã được bán với giá rẻ mạt là 128 triệu đồng!

Mảnh đất mà VAB “định giá” 12 tỷ đồng để cho vay tiền, sau 5 năm được bán với giá là 2 tỷ đồng. Người trúng đấu giá cả đất lẫn tràm với giá siêu rẻ là ông Trần Nhựt Tồn, ngụ TP.HCM.

Đội đơn đòi tràm

Ngày 20.2, Thẩm phán Nguyễn Thanh Liêm - Phó Chánh án TAND huyện Thạnh Hóa, Long An đã ký quyết định giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện của nông dân Võ Thế Hẹn đối với Chi cục THADS huyện này.

Theo đơn của ông Hẹn, ông cho rằng Chi cục THADS bán đấu giá tài sản của ông trái pháp luật nên yêu cầu hủy hợp đồng bán đấu giá. Tuy nhiên, Thẩm phán Liêm cho rằng thẩm quyền giải quyết đơn của ông Hẹn là của thủ trưởng cơ quan thi hành án nên bác đơn ông Hẹn.

Trước đó, Thẩm phán Liêm là người ký văn bản mời ông Hẹn đến trụ sở tòa án để mở phiên họp giải quyết khiếu nại của ông Hẹn, có sự tham gia của Viện KSND cùng cấp vào ngày 20.2. Tuy nhiên, khi ông Hẹn đến nơi thì ngồi chờ suốt buổi chiều và được trao luôn quyết định chứ không tham gia họp nên ông Hẹn rất bức xúc.

PV Báo điện tử Dân Việt đã trực tiếp trao đổi với Thẩm phán Liêm về việc tại sao ông Hẹn không được họp thì ông Liêm từ chối trả lời và yêu cầu ghi hết nội dung ra giấy.

img

Văn bản của VAB năm 2016 tái khẳng định không thế chấp tài sản. Ảnh: Hữu Danh

Tháng 1.2016, ông Võ Thế Hẹn liều mình vào khai thác tràm. Ông Tồn làm đơn khởi kiện và yêu cầu ngưng khai thác, đồng thời yêu cầu ông Hẹn phải bồi thường 250 triệu đồng cho một phần nhỏ diện tích đã bị đốn.

Do giá trị cây tràm lớn gần gấp 10 lần cái giá mà Chi cục THADS huyện Thạnh Hóa cho bán nên ông Hẹn xót của. Ông vay thêm 600 triệu đồng, nộp cho Chi cục THADS huyện Thạnh Hóa để được khai thác tràm.

Đơn của ông Tồn được TAND huyện Thạnh Hóa thụ lý để đưa ông Hẹn ra xét xử. Bức xúc, ông Hẹn kiện đòi hủy kết quả đấu giá thì TAND huyện Thạnh Hóa trả đơn, không xử.

img

Bản kê chi tiền cho bà Nhật do ông Chu Văn Quản ký. Ảnh: Hữu Danh

Theo hồ sơ mà chúng tôi nắm được, dù 40.000 cây tràm là tài sản phát sinh sau khi ngân hàng nhận thế chấp đất, phía VAB cũng khẳng định không hề thế chấp tài sản trên đất, đồng thời ông Hẹn mua tràm non của bà Nhật đã trả tiền hợp pháp nhưng ngày 21.7.2015, ông Chu Văn Quản vẫn chia số tiền bán tràm ra làm 2, chia cho bà Nhật 64.166.650 triệu đồng, phần còn lại chia cho ngân hàng. Chồng bà Nhật và ngân hàng đều ký tên để nhận.

“Ngân hàng quá nhiều tiền, họ muốn lấy bao nhiêu tỷ cũng là chuyện bình thường. Nhưng số tràm này là mồ hôi nước mắt của cả nhà tôi. Họ chiếm đoạt như thế này là dồn gia đình tôi vào bước đường cùng”, ông Võ Thế Hẹn nói trong nước mắt.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Linh - Phó Tổng Giám đốc VAB cho biết, những cán bộ, nhân viên nhận thế chấp của bà Minh Nhật hiện không còn ai làm việc tại ngân hàng VAB, huyện Thạnh Hóa (Long An). Ông Linh cho hay, sẽ kiểm tra thông tin một số hợp đồng khác liên quan đến bà Nhật và chi nhánh ngân hàng này.

Cần làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật
"Việc cơ quan thi hành án đấu giá cừ tràm để trả nợ theo Hợp đồng thế chấp của Ngân hàng là trái quy định pháp luật. Chính Ngân hàng cũng đã có công văn nêu rõ: "Toàn bộ số cây tràm không có thế chấp để vay vốn tại Ngân hàng." Vậy cơ quan thi hành án dựa vào đâu để đấu giá cây tràm, mà lại đấu giá 1 cách nhanh chóng, với giá thấp hơn thị trường một cách bất thường. Thiết nghĩ cơ quan chức năng sớm vào cuộc, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và xử lý hành vi vi phạm của những người có liên quan (nếu có)".
                                                   (Luật sư Trần Thị Ánh - Đoàn LS TP.HCM)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem