Quảng Ninh: Giải tỏa hơn 300ha bãi triều tự phát tại vịnh Cửa Lục

Hải Long Thứ bảy, ngày 14/09/2019 15:32 PM (GMT+7)
Dự kiến đến 25/9, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh sẽ giải tỏa xong hơn 300ha bãi triều do người dân tự phát cắm cọc, treo phao nuôi hà để đảm bảo an toàn tuyến thủy nội địa.
Bình luận 0

Clip - Quảng Ninh: Giải tỏa hơn 300ha bãi triều tự phát tại vịnh Cửa Lục

Theo thông tin từ UBND huyện Hoành Bồ, trên địa bàn các xã Thống Nhất và Lê Lợi, nhiều năm qua diễn ra tình trạng một số hộ dân tự ý cắm cọc chiếm đất bãi triều, trong đó có số ít người nuôi hà, còn lại chủ yếu là cắm cọc tre, cọc bê-tông, cọc gỗ, thậm chí có người chặt phá rừng ngập mặn hàng chục năm tuổi làm cọc cắm nhằm mục đích chiếm đất.

img

Qua rà soát, toàn huyện Hoành Bồ có gần 200 hộ lấn chiếm hơn 300ha đất bãi triều, chủ yếu tập trung tại hai xã Lê Lợi, Thống Nhất.

Chỉ tính riêng xã Lê Lợi có 97 hộ dân cắm cọc, chiếm bãi triều, với tổng diện tích bị lấn chiếm khoảng 130ha. Ngoài ra khu vực mặt nước, người dân còn treo các phao xốp để nuôi hà dây, nhiều khu vực lấn vào tuyến đường thủy, gây khó khăn cho các phương tiện thủy. Sau thời gian tích cực tuyên truyền, vận động, hầu hết các hộ gia đình trên địa bàn xã Lê Lợi đã nhận thức được hành vi cắm cọc, chiếm đất bãi triều là ảnh hưởng đến an toàn giao thông thủy. Đến nay, hầu hết các hộ đã đồng thuận, tự giác chấp hành tháo dỡ cọc, trả lại diện tích đất đã chiếm.

img

Tình trạng tranh giành đất bãi triều, mâu thuẫn giữa người nuôi hà và người đi khai thác tự nhiên đã xảy ra, dẫn đến xô xát. Đã xuất hiện hoạt động mua bán trái phép đất mặt nước nhằm mục đích trục lợi.

Ông Hoàng Đức Tự, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi cho biết, gần đây, tình trạng tranh giành đất bãi triều, mâu thuẫn giữa người nuôi hà và người đi khai thác tự nhiên đã xảy ra, dẫn đến xô xát. Đã xuất hiện hoạt động mua bán trái phép đất mặt nước nhằm mục đích trục lợi. Đây là những hành vi vi phạm về luật đất đai, môi trường, an toàn giao thông đường thủy, ảnh hưởng dòng chảy, xâm hại rừng ngập mặn, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng việc khai thác hải sản tự nhiên của người dân địa phương.

img

Chính quyền huyện Hoành Bồ sẽ quyết tâm, quyết liệt giải tỏa những khu vực mà người dân cắm cọc gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông thủy hoặc lấn chiếm bãi triều.

“UBND huyện Hoành Bồ đã chỉ đạo thực hiện kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, hành lang an toàn giao thông đường thủy nội địa. Trong đó tập trung vận động người dân tự động tháo dỡ những khu vực nuôi trồng lấn chiếm vào hành lang an toàn đường thủy nội địa. Quan điểm của chính quyền là quyết tâm, quyết liệt giải tỏa những khu vực mà người dân cắm cọc gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông thủy hoặc lấn chiếm bãi triều”, ông Hoàng Đức Tự cho biết.

img

Các lực lượng tham gia tháo dỡ cọc cắm lấn chiếm tại khu vực cầu Đá Trắng (giáp xã Thống Nhất)

Gia đình bà Bùi Thị Đức, thôn Bằng Xăm, xã Lê Lợi nuôi hà dây từ năm 2003, đến nay đã được hơn 16 năm. Cuối năm 2018, gia đình bà mới mua thêm khoảng gần 1ha của hàng xóm với giá 5 triệu đồng để mở rộng diện tích nuôi. Việc nuôi trồng hà như thế này chính quyền xã không cấp phép mà do bà con tự phát.

“Cứ mỗi năm tôi lại mở rộng thêm một ít nên không thể thống kê được diện tích hiện tại. Nuôi hà dây như thế này đến mùa thu hoạch mỗi ngày thu nhập cũng được 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Tôi đồng thuận với chủ trương của nhà nước nhưng cũng mong sao có cơ chế hỗ trợ cho người dân, vì đây là nghề mưu sinh duy nhất của bà con”, bà Đức cho biết.

Còn anh Nguyễn Văn Đức, người dân thôn Tân Tiến, xã Lê Lợi thì cho biết, chủ trương nhà nước giải tỏa là đúng, người dân cũng đồng thuận trả lại đất. Tuy nhiên do bà con chủ yếu học hành ít nên khó tuyển vào các nhà máy trên địa bàn.

“Tôi cũng mong được sự hỗ trợ của chính quyền như đào tạo nghề, nếu có thể thì hỗ trợ giống vì chúng tôi là những hộ nuôi thực sự. Tôi nghĩ chính quyền nên khoanh vùng quy hoạch một diện tích nhỏ để bà con có thể ổn định mưu sinh mà lại đúng pháp luật”, anh Đức đề nghị.

img

Bí thư và Chủ tịch xã Lê Lợi trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo giải tỏa bãi triều vịnh Cửa Lục.

Huyện Hoành Bồ có hai tuyến luồng đường thủy nội địa đang hoạt động với tổng chiều dài 25km, đi qua thị trấn Trới và các xã Lê Lợi, Thống Nhất, Vũ Oai. Trong thời gian qua, việc nhiều hộ dân ở các xã ven biển đánh bắt, nuôi thủy sản trên tuyến đường thủy nội địa với nhiều hình thức như: giăng lưới, cắm cọc, làm giàn nuôi hà treo dây đã gây cản trở tới việc lưu thông của tàu, thuyền, cũng như ảnh hưởng tới hệ sinh thái rừng ngập mặn ở khu vực này.

Qua rà soát, toàn huyện Hoành Bồ có gần 200 hộ lấn chiếm hơn 300ha đất bãi triều, chủ yếu tập trung tại hai xã Lê Lợi, Thống Nhất.

Theo lãnh đạo huyện Hoành Bồ, người dân đã sử dụng đất bãi triều, mặt nước Vịnh Cửa Lục đã lâu. Đến nay theo quy hoạch mới cần phải dẹp bỏ để đảm bảo cảnh quan vịnh và an toàn giao thông đường thủy. Đây cũng là hành vi vi phạm một số luật: Đất đai, ATGT, Lâm nghiệp... huyện đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân của các xã lấn chiếm đất bãi triều nuôi hà tự động tháo dỡ cọc cắm để nuôi hà. Đối với các hộ không chấp hành sẽ kiên quyết giải tỏa số cọc cắm trái phép, bảo đảm hành lang an toàn giao thông đường thủy, trả lại nguyên trạng cho các tuyến luồng trên vịnh Cửa Lục trong thời gian sớm nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem