Vụ cho thuê trung tâm dạy nghề: Sợ sai nên chuyển sang cho mượn?

Văn Hà Thứ ba, ngày 22/10/2019 08:27 AM (GMT+7)
Mặc dù không có học viên nhưng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kon Plong (tỉnh Kon Tum) vẫn xin vốn ngăn thêm phòng học, rồi cho tư nhân thuê. Sau khi biết vượt thẩm quyền của huyện, giám đốc trung tâm đã hủy hợp đồng và chuyển sang... cho mượn.
Bình luận 0

Giám đốc trung tâm tự ý cho thuê 

Ngày 5/10/2019, Dân Việt đã có bài Kon Tum: Trung tâm dạy nghề bỏ hoang, vẫn xin vốn ngăn thêm phòng phản ánh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thuộc sự quản lý của UBND huyện Kon Plong (tỉnh Kon Tum) được xây dựng với quy mô rộng lớn, đầy đủ tiện nghi nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo trên 500 học viên thuộc hai huyện Kon Long và Kon Rẫy.

                     img

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng rất nhiều phòng bỏ hoang.

Nhưng trong nhiều năm qua, đa số các lớp học nghề đều được chuyển đến nhà văn hóa xã, các thôn làng, nơi sinh sống của các học viên nên nhiều phòng học buộc phải đóng cửa, bỏ không. Mặc dù vậy, năm 2019 UBND huyện Kon Plong vẫn đầu tư 350 triệu đồng để tách phòng, sửa chữa, nâng cấp chất lượng, làm phòng học. 

                     img

Khu phòng đã bỏ hoang từ lâu nhưng hiện tại đang được sửa chữa lại và cho doanh nghiệp thuê

Điều đáng nói là ngày 30/8, ông Phạm Thanh Vận - Giám đốc Trung tâm đã ký hợp đồng cho Hợp tác xã Tuyết Sơn (huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum) thuê làm nhà xưởng sản xuất, phòng trưng bày sản phẩm sai mục đích với thời hạn 3 năm, số tiền cho thuê 40 triệu đồng/năm. Thậm chí Hợp tác xã Tuyết Sơn còn tiết lộ, chi phí ngăn phòng do họ tự bỏ ra và chỉ hết 20 triệu, chứ không phải trung tâm đầu tư bằng nguồn vốn 350 triệu do huyện cấp.

Sau khi PV báo DANVIET.VN vào cuộc, phía Trung tâm đã họp thống nhất hủy hợp đồng cho thuê để chuyển sang liên kết phát triển mô hình đào tạo với HTX Tuyết Sơn. Biên bản hủy hợp đồng có nội dung: “Trung tâm thống nhất cho HTX mượn mặt bằng, một phần nhà xưởng để làm khu trồng dược liệu, chiết xuất tinh dầu dược liệu trong thời hạn 03 năm bắt đầu từ ngày 09/09/2019 đến ngày 09/09/2022 (không thu phí)”. Nghĩa là từ cho thuê chuyển sang cho mượn. Tuy nhiên biên bản này (ghi ngày 9/9) có dấu hiệu được lập sau để đối phó, bởi vào ngày 10/9 khi PV tiếp cận thì đại diện Hợp tác xã Tuyết Sơn vẫn còn giữ hợp đồng cho thuê. 

                      img

Biên bản họp thống nhất hủy hợp đồng cho HTX Tuyết Sơn thuê trung tâm, chuyển sang cho mượn

Trả lời phóng viên về vấn đề này, ông Phạm Thanh Vận - Giám đốc Trung tâm lý giải, sau khi ký hợp đồng cho hợp tác xã thuê mặt bằng trồng dược liệu, xưởng chế biến, chiết xuất tinh dầu cây dược liệu, qua nghiên cứu luật thì Trung tâm không được phép cho thuê và thu kinh phí. Nhận thấy điều đó là sai nên Trung tâm và phía HTX đã bàn bạc, thống nhất hủy hợp đồng.

“Nhằm tạo điều kiện cho HTX phát triển trồng dược liệu, chế biến sản phẩm tạo hàng hóa phát triển kinh tế, đồng thời phối hợp cho học viên thực nghiệm trên các mô hình của HTX, Trung tâm thống nhất cho HTX mượn mặt bằng và một phần nhà xưởng để làm khu trồng dược liệu, chiết xuất tinh dầu trong thời hạn 3 năm không thu phí”, ông Vận nói.

Khi phóng viên hỏi về việc làm hợp đồng và hủy hợp đồng có thông qua UBND huyện không? Ông Vận nói: “Lúc đầu là không báo với UBND huyện, lúc sau biết sai nên đã hủy hợp đồng cho thuê. Việc ký hợp đồng và hủy hợp đồng là do phía Trung tâm và HTX tự ý”.

Cũng theo ông Vận, trước những sai phạm trên huyện đã chỉ đạo, yêu cầu Trung tâm báo cáo sự việc và phía Trung tâm đã có văn bản báo cáo gửi lên. Huyện cũng đã xuống làm việc, chỉ đạo cụ thể, yêu cầu phía doanh nghiệp HTX Tuyết Sơn tạm thời dừng hoạt động và chờ ý kiến chỉ đạo, hướng giải quyết cụ thể.

Tuy nhiên, vào ngày 14/10, khi phóng viên có mặt tại Trung tâm thì HTX Tuyết Sơn vẫn đang hoạt động. Những đống sâm dây, dược liệu nằm la liệt dưới đất, đồ dùng, máy móc thì lộn xộn trong căn phòng tại Trung tâm.

                        img

HTX Tuyết Sơn vẫn đang hoạt động tại trung tâm 

Trước sự việc trên, phóng viên đã liên hệ UBND huyện Kon Plong để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này. Trả lời phóng viên, bà Nguyễn Thị Quyết - Phó Chánh Văn phòng HĐND & UBND huyện cho biết, hiện tại kết luận chưa có nhưng huyện đã có 2 văn bản chỉ đạo. Huyện cũng đã vào làm việc trực tiếp với Trung tâm nhưng không làm việc được với giám đốc, chỉ làm việc được với phó giám đốc, công việc cụ thể thì đôi lúc anh phó không nắm hết được. Khi nào có kết quả làm việc cụ thể thì huyện sẽ cung cấp đầy đủ đến báo chí". 

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kon Plong được đầu tư bằng vốn nhà nước, thuộc sự quản lý của UBND huyện nhưng tại sao ông Vận lại vượt thẩm quyền, tự ý cho thuê, rồi chuyển sang cho mượn không thu phí? 

DANVIET.VN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về sự việc này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem