Vụ phá rừng xây thủy điện mini: “Bom” nước treo trên đầu dân (!?)

Việt Tùng - Hoàng Lỵ Thứ sáu, ngày 30/09/2016 05:28 AM (GMT+7)
Hàng trăm hộ dân xã Xuân Nha (Vân Hồ, Sơn La) lo lắng đến mất ăn, mất ngủ vì sợ mất đất, mất nguồn sinh kế thủy sản và hệ lụy của thủy điện để lại là một quả “bom” nước sẽ “treo” lơ lửng trên đầu họ có thể bục bất cứ nào.
Bình luận 0

Thủy điện nhỏ, bất cập lớn

Cách trung tâm xã Xuân Nha khoảng chục km đường ô tô, leo gần 3km đường bộ, chúng tôi mới đến được nơi dự kiến sẽ xây dựng thủy điện Xuân Nha. Trên đường vào chúng tôi gặp vài người dân đang đi lấy củi. Hầu hết những người chúng tôi gặp đều tỏ ra rất lo ngại và không đồng tình việc xây dựng thủy điện ở nơi đây.

img

Xung quanh khu vực dự kiến sẽ xây dựng thủy điện Xuân Nha có rất nhiều cây cổ thụ, nhiều cây cả người ôm không xuể.

Ven con đường mòn chúng tôi đi có rất nhiều cây cối, đặc biệt là sến, chò chỉ… to cả người ôm không xuể. Được biết, để có thể triển khai dự án, các ban ngành của huyện, cùng chủ đầu tư đã nhiều lần đến gặp người dân, song vẫn không tìm được sự đồng thuận, ngược lại đã gặp phải sự phản đối quyết luyệt của bà con và chính quyền địa phương. Chính quyền và người dân sợ thủy điện sẽ “nuốt” hết diện tích canh tác, phá vỡ hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sinh trên sông, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Quang – Chủ tịch UBND xã Xuân Nha cho biết: “Xã đã nhận được văn bản của UBND tỉnh về chủ trương đầu tư xây dựng thủy điện Xuân Nha, nhiều lần chủ đầu từ, cán bộ huyện, tỉnh xuống khảo sát, gặp gỡ người dân nhưng người dân đều phản đối. Quan điểm của xã là nếu xây thủy điện không mang lại lợi ích cho bà con, mà còn làm ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội của địa phương, đặc biệt là ruộng lúa thì chúng tôi không nhất trí”.

Cũng theo ông Quang, ảnh hưởng nhiều nhất là 2 bản Chiềng Hin và Chiềng Nưa với khoảng 50ha ruộng lúa nước hai vụ, bà con rất lo lắng khi thủy điện tích nước sẽ hết nước để canh tác. Hiện nay cả 8 bản của xã có hơn 900 hộ, hơn 4.000 nhân khẩu, chủ yếu là bà con người Thái, Mường với hơn 60% hộ nghèo. Trong đó hơn 80% làm nông nghiệp. Nên nếu dự án làm thủy điện được triển khai sẽ ảnh hưởng đến khoảng 80% dân số của xã.

Ông Bùi Văn Suồi, người dân bản Chiềng Nưa bức xúc nói: “Tôi là người phản đối kịch liệt nhất việc làm thủy điện, bởi không riêng gì tôi mà rất nhiều bà con ở bản này đều rất lo lắng, thủy điện sẽ gây sạt lở đất, đá xuống ruộng lúa, nương ngô, sắn, gây mất nguồn lợi thủy sản…”.

img

Người dân xã Xuân Nha lo lắng nếu xây dựng thủy điện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh kế của họ.

Phá vỡ nguồn sinh kế

Tìm đến bản Chiềng Hin và Chiềng Nưa, khi được hỏi về dự án thủy điện Xuân Nha, ai nấy đều lắc đầu ngán ngẩm, chen lẫn sự lo âu. Họ lo thiếu nước sản xuất, lo sạt lở đất, lo tai họa có thể ập xuống, nếu thủy điện có sự cố vỡ đập…

Đang chăm sóc ngô, anh Đinh Văn Chấn, ở bản Chiềng Hin phàn nàn: “Cả bản chúng tôi không ai đồng ý cho họ làm thủy điện nhưng họ vẫn làm. Để có ruộng nương cấy, chúng tôi phải mất hàng chục năm để khai phá, nhưng khi làm thủy điện tất cả sẽ bị nhấn chìm, chúng tôi biết làm gì để sinh sống”.

Ngoài nguồn cá tự nhiên quý hiếm như cá chày, cá dầm xanh, việc nuôi trồng thủy sản của người dân cũng sẽ biến mất. Không những vậy, các chất thải, dầu thải từ công trình sẽ tràn xuống suối gây ô nhiễm môi trường. Người dân bản Thín, bản Chiềng Hin, Chiềng Nưa không tránh khỏi bệnh tật nếu tiếp tục sử dụng nước suối để sinh hoạt. Trước nguy cơ nay, ông Hà Văn Hùng cùng đại diện một số hộ dân bản Thín đã có những kiến nghị bằng văn bản đến UBND huyện Vân Hồ, song vẫn chưa được hồi đáp.

img

"Quan điểm của xã là nếu xây thủy điện không mang lại lợi ích cho bà con, mà còn làm ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội của địa phương, đặc biệt là ruộng lúa thì chúng tôi không nhất trí”, ông Hà Văn Quang – Chủ tịch UBND xã Xuân Nha nói.

Còn ông Bùi Văn Huyên, cán bộ Địa chính xây dựng xã Xuân Nha cho biết: “Những lần công ty và chính quyền xã, huyện về bản lấy ý kiến của người dân, thì 90% hộ có ruộng bên dưới khu vực xây dựng thủy điện đều không đồng ý, vì sợ đất đá sạt lở xuống ruộng và thiếu nước sản xuất khi mùa khô thủy tiện tích nước”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bắc – Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Vân Hồ cho hay: “Một số công trình thủy điện trên địa bàn, chủ đầu tư chỉ thông qua Bộ Công thương, UBND tỉnh chứ không qua huyện. Chủ đầu tư làm việc thẳng với hai đơn vị trên, chỉ khi người dân khiếu nại họ mới cần đến chúng tôi vào kiểm tra, giải quyết, chúng tôi cũng đang rất đâu đầu về vấn đề này”.

Dân Việt tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.      

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem