Duyên quê mùa thơm thảo

Thứ hai, ngày 26/07/2010 12:36 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ít có thứ giấy nào lại gần gũi với đời sống dân dã, qua bao đời vẫn tồn tại, vẫn có mặt trong dòng chảy văn hoá từ miền xuôi cho đến miền ngược như giấy dó.
Bình luận 0
img
Tác phẩm “Cây Hà Nội” của Nguyễn Vinh.

Bởi vậy khi xem những bức tranh mới được vẽ trên cái nền rất cổ xưa là giấy dó, ai cũng cảm thấy “động lòng”. Cầm một tờ giấy dó vừa đủ độ xốp mịn, dai, thấy ngay được cái ấm áp của lòng người, thân thuộc lắm mà không hề suồng sã, rẻ rúng.

Phong phú và sang trọng

Khắp làng quê VN, nhà nào chẳng có đôi ba tờ giấy dó chuyên chở mấy dòng gia phả, văn tự, đôi câu thơ hay bức tranh thờ kín đáo. Giấy dó góp mặt vào hội hoạ VN có lẽ là sớm nhất.

Lần đầu tiên, các hoạ sĩ khoe sắc cùng giấy dó, cũng là dịp để người thưởng ngoạn thấy lại được cái duyên quê mùa thơm thảo của phẩm vật thiên nhiên ngày xưa chẳng hề xa, gượng với ngôn ngữ tạo hình ngày hôm nay. Tranh mới trên giấy cổ cũng đủ làm nên một diện mạo nghệ thuật đương đại.

Không kể các dòng tranh dân gian tất nhiên được vẽ, được in trên giấy dó, các hoạ sĩ khoá đầu của Mỹ thuật Đông Dương vốn tiếp thu nền hội hoạ phương Tây vẫn không quên giấy dó, cho dù chỉ là một “vai phụ” làm phác thảo.

Xem triển lãm nghệ thuật “Dó” Việt đương đại lần thứ nhất (vừa tổ chức tại gallery Âu Cơ, Hà Nội) mới thấy “khuôn mặt dó” phong phú và sang trọng hơn người ta tưởng.

Triển lãm trưng bày những bức tranh trên giấy dó của các hoạ sĩ: Lương Xuân Đoàn, Lý Sơn, Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Xuân Tiệp, Sỹ Bạch, Nguyễn Văn Cường, Dương Việt Nam, Phạm Viết Hồng Lam... Họ đều là những hoạ sĩ sắp hết tuổi trung niên và được nhiều người biết đến.

Đã đành ai trong số họ cũng đều đã có những tác phẩm với nhiều chất liệu khác, nhưng có một điều lạ và hay là, trên giấy dó, ai cũng có duyên thêm một chút, hẳn là bản chất giấy dó không thích ứng với những cách biểu đạt mạnh mẽ, quyết liệt. Ai nỡ làm vậy với một cô gái quê khiêm nhường, e ấp, yếu đuối.

Những nét tài hoa

Có lẽ hợp với dó hơn cả là hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn. Anh vốn là một hoạ sĩ lão luyện với màu nước nên độ loang, nhoè của màu trên dó dễ dàng như hơi thở, điệu đàng, tế nhị. Cũng là kỹ thuật dùng màu như thế nhưng rõ ràng trên lụa không thể có được cái duyên dáng mộc mạc như trên dó. Lụa vẫn bị cho là lạnh lẽo, kiêu kỳ.

Lương Xuân Đoàn đã chứng minh được điều này. Nguyễn Xuân Tiệp cũng vậy, anh đã “phải lòng” dó từ lâu rồi, đến độ anh vẽ sơn dầu cũng mỏng như vẽ dó. Ít ai sử dụng trắng nguyên cạnh những màu khác giỏi như anh. Nguyễn Xuân Tiệp không điệu nhưng có duyên thầm, anh thuộc dó đến mức biết lợi dụng những vết xơ của giấy để đặt màu.

Ở triển lãm này Pham Cẩm Thượng bày mấy bức trừu tượng, dường như anh muốn khai thác bản thể nguyên sơ của dó chăng, nên anh rất kiệm màu, kiệm nét. Mấy mảng kỳ hà ẩn hiện trên tranh như đưa người xem vào một cõi khác, như thể gặp lại một giấc mơ đã có từ lâu lắm.

Nguyễn Quân lại khác, những mảng và nét đen trong của anh cụ thể trên thân thể người đàn bà tràn trề nhục cảm bởi màu ngà của cuộc sống trần gian. Đúng là mỗi hoạ sĩ tìm thấy ở dó dung nhan của mình. Sỹ Bạch vẽ như chơi đùa với dó, như cách anh chơi với bạn bè không nề hà, không nghiêm trọng. Phạm Viết Hồng Lam vẫn là những hoà sắc sáng sủa, dễ nhìn lâu nay của anh. Nguyễn Văn Cường và Dương Việt Nam cũng thế, chỉ có điều tranh của hai anh cẩn trọng hơn, tinh tế hơn trong “cư xử” với dó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem