Nước Pháp thất thủ: EURO chìm trong bạo lực

Chủ nhật, ngày 12/06/2016 16:00 PM (GMT+7)
Không khí bóng đá tại nước Pháp đang biến thái theo chiều hướng bạo lực. EURO 2016 giờ không an toàn ngay từ nhà ga, quán bar, đường phố lẫn trong SVĐ.
Bình luận 0

Nước Pháp đang muốn truyền bá văn hóa của mình. Chương trình Paris Ballet được các nghệ sĩ từ Nhà hát ballet lâu đời nhất thế giới - Ballet de l'Opera de Paris - trình diễn vào tối 11/6 tại Hà Nội. Đêm diễn được nhiều khán giả mong đợi bởi trước đó, ban tổ chức hứa hẹn "đem lại những gì tinh túy nhất" của nghệ thuật ballet đến Việt Nam.

Sống trong không gian bác học đó, con người không muốn tinh tế cũng khó lòng mà làm được. Nhìn vào những vũ công kia, chúng ta thấy một nước Pháp yên bình và căng tràn sức sáng tạo.

img

Cảnh sát bắt giữ một hooligan.

Nhưng những đôi chân mềm mại đó không thể đại diện cho nước Pháp tại Việt Nam cũng như toàn thế giới, nơi khán giả của bóng đá chắc chắn nhiều hơn ballet. Họ đang quan sát, chiêm ngưỡng EURO 2016 đồng thời ngầm cầu nguyện cho những đồng bào của mình không… may mắn có mặt ở nước Pháp vào thời điểm này.

Nhìn bản đồ những nơi đã xảy ra bạo lực trên đất nước lục lăng, ắt hẳn có cảm giác đang sống trong thời chiến. Ba ngày liên tiếp, CĐV Anh gây rối từ Bordeaux đến Marseille. Họ đánh dân địa phương, CĐV đối thủ đến cảnh sát. Khi nồng độ cồn vượt ngưỡng, họ còn lao vào lẫn nhau như kẻ thù. Từ đường phố cho đến sân Velodrome, bất cứ đâu cũng có thể lập nên hào lũy.

Mới nhất, tại thành phố mang tên “xinh đẹp” Nice, những người hâm mộ có ít “tiền án tiền sự” như Ba Lan và Bắc Ireland cũng đã không giao tiếp với nhau bằng lời nói. Thay vào đó là chai lọ, gậy gộc, bàn ghế, tiếng chửi rủa chua chát, vệt máu dài thẫm đẫm các nền gạch bị vó ngựa của cảnh sát giày xéo. Chúng ta muốn hòa bình nhưng đây là tất cả những gì nước Pháp, hay châu Âu gửi tới vào lúc này.

img

Những nơi xảy ra bạo loạn giữa các CĐV.

Hơn 100.000 nhân viên an ninh của Pháp được huy động tại EURO 2016. Nhưng họ bất lực trước lượng CĐV đông gấp hơn 10 lần. Đáng nói, khi mà nước Pháp vẫn đang chìm trong mối lo khủng bố, những vụ đánh lộn lẻ tẻ lúc này có thể làm giọt nước tràn ly và khiến tình hình trở nên tệ hại hơn bao giờ hết.

Nó, được lo sợ sẽ trở thành những quân domino, theo hiệu ứng dây chuyền lan ra khắp nước Pháp. Mầm mống bạo lực có thể lây từ người Anh, sang Nga, Ba Lan, Bắc Ireland rồi đến phần còn lại. Đây liệu có phải bộ mặt chung của châu Âu vào lúc này?

Người Anh đang muốn ly khai khỏi EU. Họ có nhiều lý do để ở lại nhưng cũng sở hữu không ít để ra đi. Việc người Anh gây chiến đến từ tâm lý bạo lực hay mục đích chính trị? Cả hai đều có lý, nhất là khi đầu óc đã bị đầu độc bởi chất kích thích.

img

CĐV Nga - Anh đánh nhau trên khán đài.

Nhưng việc các quốc gia khác cũng hưởng ứng lại khiến bóng ma hooligan trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. EURO 1996, EURO 2000 đều đã chứng kiến những màn ẩu đả kinh thiên động địa, những vết đen mà UEFA muốn xóa đi càng nhiều càng tốt. Nhưng bình yên cũng có giới hạn của nó. Châu Âu muốn đẩy lùi khủng bố ra ngoài biên giới mà không để ý những tư tưởng bạo lực từ trong lòng của mình.

Chỉ 2 ngày sau khi khai mạc EURO 2016, chúng ta buộc phải đặt niềm tin vào hi vọng. Lấy bạo lực triệt tiêu bạo lực là điều không thể, các mâu thuẫn cũng sẽ nối đuôi nhau ngày một dài ra. Nhưng hi vọng về một châu Âu đoàn kết, tươi đẹp sẽ không vì thế mà chết dưới tay của hooligan. Giờ là lúc bóng đá cất lên tiếng nói thiêng liêng của mình và xoa dịu những tâm hồn chứa đầy lửa.

Lộc Trần (Báo Bóng đá)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem