Nuôi gà gia công vừa khỏe vừa lời

Thứ ba, ngày 02/11/2010 11:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mấy năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xuất hiện nhiều trại chăn nuôi gà công nghiệp gia công. Đây là mô hình sản xuất theo hướng liên kết nông – công vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Bình luận 0

Hiệu quả cao, ít rủi ro

Năm 2009, chị Nguyễn Thị Phúc (thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) đầu tư 500 triệu đồng xây dựng trại nuôi gà gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (Công ty CP), ở TP.Hồ Chí Minh. Trại xây xong, CP bỏ 100% tiền vốn cung cấp gà giống, thức ăn công nghiệp, chị Phúc nhận nuôi 7.000 con gà. Khi gà xuất chuồng, Công ty CP bao tiêu toàn bộ và trả công cho người nuôi 5.000 đồng/con.

Hiện nay toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có khoảng 50 trại nuôi gà đã thực hiện mô hình chăn nuôi liên kết với các doanh nghiệp theo kiểu gia công.

Chị Phúc cho biết, trong thời gian nuôi, Công ty CP cử một bác sĩ thú y hướng dẫn chủ trại cách cho gà ăn và thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại theo đúng quy trình. Với thời gian nuôi 42 - 45 ngày/lứa, sau khi trừ hao hụt, bình quân chị Phúc được nhận tiền công từ 30-32 triệu đồng/lứa. Ngoài ra, chị còn thu gom phân thải của gà bán cho các công ty sản xuất phân bón được gần 10 triệu đồng/lứa.

Sau khi ký kết hợp đồng chăn nuôi gia công gà với một công ty sản xuất thực phẩm tại Đồng Nai, ông Trần Văn Trường (cũng ở xã Suối Rao) đầu tư trại nuôi 20.000 con gà do công ty này cung cấp. Theo tính toán của ông Trường, với tiền công 5.000 đồng/con, sau khi trừ chi phí ông lãi 90 triệu đồng/lứa. Sau 1 năm nuôi, ông Trường đã lấy lại được 800 triệu đồng tiền vay để xây dựng trại.

Thấy mô hình chăn nuôi này đem lại hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro, sắp tới ông Trường tiếp tục dành tiền đầu tư mở rộng đàn. Ông Trường cho biết, để được các doanh nghiệp chấp nhận ký hợp đồng liên kết, người chăn nuôi phải thực hiện các điều kiện như: Xây dựng chuồng trại xa khu vực dân cư, không được xây dựng trại ở đầu nguồn nước nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Gia súc, gia cầm khi đưa về chuồng nuôi phải được thú y kiểm tra, tiêm phòng dịch bệnh, vệ sinh tiêu độc chuồng trại sạch sẽ.

Nhu cầu vay vốn làm ăn tăng cao

Được biết, hiện nay toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có khoảng 50 trại nuôi gà đã thực hiện mô hình chăn nuôi liên kết với các doanh nghiệp theo kiểu gia công. Theo các trại chăn nuôi gia công, đây là cách làm ăn dựa trên mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân. Lợi thế của hình thức này là ngành thú y và cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp kiểm soát, quản lý chặt chẽ nên ít xảy ra dịch bệnh. Hơn nữa, nếu xảy ra rủi ro, các trại chỉ bị mất phần tiền công chăm sóc, còn lại doanh nghiệp gánh chịu. Đặc biệt, người chăn nuôi không phải lo đầu ra sản phẩm mà doanh nghiệp sẽ bao tiêu toàn bộ.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của những người chăn nuôi là do vốn đầu tư ban đầu khá lớn, từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng, không phải ai cũng có điều kiện thực hiện, nên hiện nay mô hình làm ăn kiểu mới này chưa phát triển nhiều. Hầu hết nông dân vẫn phải chăn nuôi theo kiểu truyền thống, nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Ông Nguyễn Văn Đức (xã Đá Bạc) cho biết, dù đất rộng vườn thưa nhưng gia đình không đủ tiền để lập trại, vì vậy ông cũng như nhiều hộ nông dân khác mong các cơ quan chức năng cho vay vốn để “chắp cánh” cho người chăn nuôi mở mang phương thức làm ăn mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem