Trẻ hóa để tăng sức chiến đấu của Đảng

Thứ sáu, ngày 29/10/2010 06:00 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong phiên thảo luận tổ diễn ra hôm qua (28-10), các Đại biểu Quốc hội đã góp ý xây dựng Dự thảo Văn kiện Đại hội XI của Đảng.
Bình luận 0
img
Thảo luận tổ tại đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh .

Các đại biểu đã tập trung vào một số vấn đề trọng tâm: Công tác xây dựng Đảng, trẻ hóa và tiếp tục làm trong sạch tổ chức Đảng.

Xây dựng Đảng phải là nhiệm vụ đầu tiên

Hầu hết các ý kiến thảo luận ở các tổ đều tập trung vào nội dung: Xây dựng Đảng trong thời kỳ mới vẫn được coi là nhiệm vụ then chốt. Đại biểu Bùi Thị Bình (Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, đại biểu tỉnh Hòa Bình) đề nghị: "Văn kiện Đại hội Đảng mà phần xây dựng Đảng lại đưa vào chương cuối cùng là không hợp lý. Tôi đề nghị đưa nội dung "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng" lên trước hết, để phù hợp với tình hình hiện nay".

GS Nguyễn Lân Dũng (đại biểu Đăk Lăk) đặt vấn đề: Văn kiện nên tập trung cho công tác xây dựng Đảng. "Nếu như quá nhiều đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân, xa rời quần chúng, Đảng sẽ khó vững mạnh được. Khắc phục được những điều đó, Đảng sẽ có bước bứt phá mạnh mẽ và vị thế uy tín sẽ tăng rất lớn... Đa số đảng viên đều rất tốt, nhưng có những đảng viên chưa tốt, làm giảm uy tín của Đảng… Tôi nghĩ rằng muốn giải quyết được điều đó, phải nâng cao tính dân chủ trong Đảng và nâng cao cả ý thức dân chủ của người dân" - ông Dũng nhấn mạnh.

Nhiều đại biểu cũng chỉ ra rằng: Công tác xây dựng Đảng không nên chỉ tập trung phát triển số lượng đảng viên mà cơ bản phải làm cho lực lượng trí thức và đông đảo quần chúng ủng hộ Đảng ngày càng tăng. Một đại biểu nêu ví dụ: Nước ta có 87 triệu dân và chỉ có hơn 3 triệu đảng viên. Nhưng đâu phải vì thế mà nước ta đang "lãng phí" 84 triệu người này trong công tác xây dựng Đảng. Bằng chứng là có những người "không bao giờ là đảng viên" vì nhiều lý do, nhưng họ có đóng góp vô cùng lớn cho Đảng và đất nước.

Ngoài ra, các đại biểu cũng nhấn mạnh công tác "trẻ hóa" đội ngũ Đảng chưa tương xứng với yêu cầu phát triển. Đại biểu Tất Thành Cang (TP.Hồ Chí Minh) cho biết: Có rất nhiều đảng viên trẻ có trình độ cao, được kết nạp từ khi còn ở trường đại học. Nhưng khi tốt nghiệp họ sang làm các đơn vị kinh tế tư nhân, không có Chi bộ để sinh hoạt. Theo Điều lệ Đảng, họ phải chuyển về sinh hoạt tại địa phương, mà đa số họ lại có quê quán ở các tỉnh rất xa… Không ít người đã bỏ sinh hoạt vì điều này. "Cần nghiên cứu mô hình Đảng bộ dành riêng cho đối tượng này để họ tiếp tục gắn bó và cống hiến cho Đảng..." - ông Cang nói.

Đảng cần tổng kết thực tiễn phát triển nông nghiệp...

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng cho rằng: Trong "Chiến lược phát triển KT-XH", cần nhấn mạnh nội dung: Nhà nước đầu tư phát triển nông nghiệp, và vai trò Nhà nước phải là trọng tâm. Nếu không, chúng ta sẽ không thể có nền nông nghiệp phát triển mạnh và nhanh được nếu cứ trông chờ vào đầu tư "tự túc" của người dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) cho biết: "Thực tế nông nghiệp nước ta hiện vẫn manh mún, sản xuất nhỏ lẻ… và chúng ta không có lộ trình, quy hoạch cụ thể. Vì thế, phải từng bước chuyển nông nghiệp hiện nay sang nền "nông nghiệp hàng hóa". Tôi đề nghị trong quá trình thực việc này, Đảng nên có sự tổng kết, đánh giá thực tiễn để tìm ra căn nguyên, xem những hạn chế có phải do lý luận hay do công tác điều hành của Chính phủ…".

Về cơ cấu kinh tế được nêu trong Văn kiện, đại biểuNguyễn Văn Thuận (Quảng Nam) phân tích: Chúng ta có đa dạng các thành phần kinh tế. Nhưng vấn đề lý luận về kinh tế tập thể, ngay cả Trung ương cũng không "giải quyết" được. Kinh tế tập thể không phải là kinh tế HTX nữa, vì đã luật hóa rồi. Kinh tế HTX hoàn toàn có thể là do các hộ tư nhân hợp tác làm ăn với nhau. Đến nay chúng ta vẫn "đánh đồng" kinh tế tập thể với kinh tế HTX, nơi toàn là những người làm kinh tế tư nhân. Và coi kinh tế hợp tác cũng "giữ vai trò chủ đạo" là không phù hợp!

TS Mai Hữu Tín (đại biểu Bình Dương) - một đại biểu khối doanh nghiệp tư nhân góp ý: Cương lĩnh cũng nên xác định rõ đâu là "các tư liệu sản xuất chủ yếu" thuộc dạng tài sản "công hữu"... Nếu không rõ ràng, doanh nghiệp sẽ không thể biết đâu là "nhóm tài sản" được xác định là "công hữu", khó tránh sự lo ngại và làm giảm sức đầu tư…".

Đại biểu Nguyễn Tấn Trịnh (Quảng Nam): “Tam nông” vẫn rất nhiều khó khăn

Thực trạng "nông dân được mùa mất giá" kéo dài từ nhiều năm nay nhưng các cơ quan chức năng thiếu biện pháp tháo gỡ, đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn. Giáo dục nông thôn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng của các trường dân tộc nội trú, xập xệ, thiếu thốn. Chính phủ phải đặt ra một kế hoạch 5 năm, thực hiện dứt điểm việc xây dựng kiên cố hệ thống trường học. Ngoài ra, an sinh xã hội, đặc biệt là an ninh nông thôn phải được Đảng và Nhà nước xem là vấn đề hệ trọng, đảm bảo ổn định đất nước.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội): Cần chiến lược tổng thể về xóa đói nghèo

Văn kiện cũng đề cập các giải pháp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nhưng vẫn "người ăn không hết kẻ lần chẳng ra". Vì chúng ta chỉ xóa đói từng bữa mà thiếu một chiến lược xóa đói nghèo tổng thể. Đảng cần có những biện pháp mang tính định hướng để Nhà nước giải quyết vấn đề này. Nhân dân còn nhiều băn khoăn và muốn nghe tiếng nói rõ hơn, mạch lạc hơn về các định hướng thực tiễn và khả thi hơn từ Đảng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem