“Đấu thầu” cán bộ

Thứ bảy, ngày 30/10/2010 08:51 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng XI tại phiên họp tổ ngày 28-10, đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông cho rằng phải thay đổi cơ chế bầu chọn cán bộ.
Bình luận 0

Về vấn đề chạy chức, chạy quyền, đại biểu Lê Văn Cuông đã lên tiếng nhiều lần, từ các kỳ họp Quốc hội khóa trước. Điều mà ông Cuông nêu ra thì ai cũng biết, người chạy biết, người nhận chạy biết và nhân dân cũng biết.

Nhưng có một thực tế đáng buồn là, ai cũng biết nhưng không dẹp được vấn nạn này. Ông Cuông cho hay: “Dư luận rất đồng tình, nhưng mọi người bảo tôi chất vấn mãi mà chẳng thấy chấn chỉnh gì, thậm chí chạy chức chạy quyền còn phát triển mạnh. Suy cho cùng là bởi vì không có giải pháp mạnh. Người dân bây giờ gọi là “đầu thầu cán bộ” chứ không chỉ là “chạy” nữa”.

Nếu có người đưa một chiếc ghế chức quyền ra “đấu thầu” thì có nhiều người bỏ thầu. Số tiền trúng thầu để kết thúc cuộc đấu thầu giữa hai bên đố ai biết được, cho nên việc tìm ra chứng cứ để “xử lý nghiêm” xem ra thật khó.

Trong trường hợp này, tìm cho ra manh mối còn khó hơn hành vi đưa hối lộ, bởi vì ở đây là quan hệ “thầy – trò”, hay nói đúng hơn là phe cánh. Ông Cuông bức xúc: “Có bắt được đâu mà xử. Cơ chế hiện nay chỉ béo bở cho người biết chạy, tích cực chạy. Phải thay đổi cơ chế, áp dụng cách thức bầu chọn dân chủ thì mới có được cán bộ đủ năng lực, phẩm chất”.

Không chỉ béo bở cho người chạy, đối tượng béo bở hơn là người nhận chạy, tức là người đứng ra tổ chức: Đấu thầu và quyết định giao thầu. Không cần phải nói thì ai cũng hiểu chỉ người có quyền lực mới tổ chức đấu thầu cán bộ được.

Đây là một loại tham nhũng ghê gớm nhất, khó phát hiện nhất và cũng nguy hiểm nhất. Nếu tham nhũng trong một vụ việc kinh tế thì chỉ hỏng việc đó, thiệt hại vật chất trong giới hạn của một vụ việc. Nhưng tham nhũng từ tổ chức đấu thầu cán bộ thì hậu quả là đất nước có một bộ phận cán bộ bất tài vô dụng, thiếu đạo đức. Để cho những con người này quản lý điều hành thì họa khôn lường.

Có nhiều ý kiến cho rằng muốn hạn chế nạn chạy chức chạy quyền thì phải có cơ chế bầu chọn dân chủ. Nhưng cơ chế bầu chọn như thế nào là dân chủ, cụ thể ra làm sao thì chưa thấy nói. Cho dù có tổ chức bầu chọn, thì trong hoạt động đó, về bản chất có dân chủ hay không lại là chuyện khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem