“Ích kỷ” với tương lai

Thứ năm, ngày 28/10/2010 17:33 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tài nguyên và khoáng sản của đất nước đang bị khai thác tràn lan, thiếu tính bền vững và vô trách nhiệm với thế hệ con cháu mai sau… Nhìn sâu xa, điều này có nguyên nhân từ “tâm thế” chung của nhiều nhà quản lý, nhà lãnh đạo chúng ta, đều có “tầm nhìn nhiệm kỳ”. ...
Bình luận 0

Có thể những quyết định họ ban hành mang lại lợi ích trước mắt, cho các cá nhân ấy, để họ hoàn thành nhiệm vụ trong nhiệm kỳ của mình. Nhưng điều đó lại không tính đến tương lai, đến những người kế nhiệm và vô trách nhiệm với tương lai con cháu chúng ta.

Ví dụ than đá được coi là “vàng đen”, là nguồn tài nguyên khoáng sản cực kỳ lớn của chúng ta. Nhưng khai thác đến nỗi hiện nay chúng ta nhìn thấy rõ và tính toán được thời điểm nguồn tài nguyên này cạn kiệt và chúng ta sẽ phải nhập than với giá rất cao, vậy mà vẫn cứ khai thác và xuất khẩu ồ ạt.

Tài nguyên khoáng sản có liên quan đến lợi ích và cả an ninh quốc gia. Dư luận gần đây rất bức xúc về cho thuê rừng và cho thuê mặt biển… Cách làm của các tỉnh hiện là giao chủ đầu tư sử dụng hoàn toàn bờ biển và mặt biển.

Như vậy người dân sống ven biển không được xuống biển nữa. Đất và bờ biển bị chia cắt, bị xé lẻ vô tội vạ. Thực tế đó chính là lợi ích người dân, lợi ích quốc gia đang bị xâm phạm. Việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên cũng vậy.

Ai cũng biết là nước ta còn nghèo, phải khai thác tài nguyên bán đi để phát triển… Nhưng phải đặt việc đó lên bàn cân lợi ích, xem cái nghèo ở khu vực này có “nghiêm trọng” đến mức phải hy sinh tất cả để thu tiền từ bauxite?

Trên thực tế, chất lượng cuộc sống của người dân không chỉ phụ thuộc vào thu nhập trực tiếp, về chỉ số tăng trưởng GDP, mà chất lượng sống phải phụ thuộc vào một tổng thể hài hòa của sự phát triển bền vững giữa hiện tại với tương lai.

Quốc hội đang bàn về dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi). Dự luật này đã có sự nhìn nhận những vấn đề mà thực tế đặt ra, nhưng chỉ dừng lại ở chỗ giải quyết nó trong tầm mức phù hợp những lợi ích trước mắt, chưa thể hiện tính chiến lược lâu dài...

Cái khó nhất hiện nay vẫn là thay đổi quan điểm tổ chức, chỉ đạo, quản lý của nhà nước. Nếu trong khai thác khoáng sản, cứ phân chia lợi ích mà không và đưa lợi ích quốc gia lên cao nhất, thì sẽ xảy ra trường hợp các bộ phận lợi ích trong “cỗ máy” ấy sẽ mạnh ai nấy vận hành để đạt lợi ích trước mắt, bất chấp lợi ích của tương lai…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem