Gần 80% nhà nuôi yến ở TP.HCM không được xây dựng chuyên dụng

Quang Sung Thứ ba, ngày 12/09/2023 13:06 PM (GMT+7)
Hiện trên địa bàn TP.HCM ghi nhận 23,13% nhà yến chuyên dụng (xây dựng bằng gạch, bê tông cốt thép chỉ phục vụ nuôi yến); còn lại 76,87% nhà nuôi yến kết hợp với nhà ở.
Bình luận 0

Sáng ngày 12/9, Sở NNPTNT TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học Công tác quản lý nuôi chim yến. Theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, hội thảo lần này là dịp để các nhà quản lý cùng trao đổi, tìm ra giải pháp giải quyết các vấn đề đang gặp phải trong việc nuôi chim yến hiện nay trên địa bàn TP.HCM. Từ đó củng cố tư liệu, làm cơ sở để xây dựng Đề án nuôi chim yến trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2024 - 2030.

Trình bày tại hội thảo, ông Lê Việt Bảo - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM thông tin, nuôi chim yến và khai thác lấy tổ yến trên địa bàn TP.HCM bắt đầu từ năm 2008. Từ năm 2008-2016, tại huyện Cần Giờ có 10 nhà nuôi yến được thành phố thí điểm. Đến nay, số nhà nuôi yến trên địa bàn thành phố đạt 735 nhà, trong đó Cần Giờ chiếm 545 nhà (74,15%).

Gần 80% nhà nuôi yến ở TP.HCM không được xây dựng chuyên dụng - Ảnh 1.

Ông Lê Việt Bảo - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM cho biết về tình hình nuôi yến trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Quang Sung

“Phần lớn nhà yến trên địa bàn TP.HCM xây dựng tự phát, không đăng ký với chính quyền địa phương. Nhiều nhà yến không được cấp phép xây dựng, hoặc được cấp phép xây dựng nhà ở nhưng cải tạo, cơi nới thành nhà nuôi yến. Một số nhà yến nằm đan xen trong khu dân cư”, ông Bảo cho biết.

Hiện nay, nhà yến tại TP.HCM xây dựng trên đất nông nghiệp chiếm 10%; xây dựng trên đất nông nghiệp là 66,67%; xây dựng trên đất ở và đất khác là 22%. Qua khảo sát, ông Bảo cho biết, hiện trên địa bàn TP.HCM ghi nhận 23,13% nhà yến chuyên dụng (xây dựng bằng gạch, bê tông cốt thép chỉ phục vụ nuôi yến); còn lại 76,87% nhà nuôi yến kết hợp với nhà ở.

Ông Hồ Ngọc Thiện - Trưởng phòng kinh tế huyện Cần Giờ cho biết, hiện nay toàn huyện Cần Giờ có 519 nhà yến, trong đó số nhà yến cho thu hoạch là 459. Sản lượng yến 6 tháng đầu năm của huyện Cần Giờ đạt 9,7 tấn.

“Về mặt pháp lý, trong số 519 nhà yến có 10 căn trong Đề án thí điểm nuôi chim yến. Số còn lại xin phép xây dựng nhà ở rồi tự chuyển công năng sang nuôi chim yến; có 449/519 (86,51%) căn nhà yến xây dựng trong khu vực dân cư”, ông Thiện cho hay.

Gần 80% nhà nuôi yến ở TP.HCM không được xây dựng chuyên dụng - Ảnh 3.

Tại TP HCM, đặc biệt là tại huyện Cần Giờ, mô hình nuôi yến rất phát triển. Trong ảnh: Một nhà nuôi yến ở huyện Cần Giờ, TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Thiện đánh giá, nghề nuôi chim yến đóng góp không nhỏ trong cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp. Trong năm 2022, huyện Cần Giờ thu hoạch 14.100kg yến thô, đạt giá trị 310,2 tỷ đồng (giá hiện hành 22 triệu đồng/kg).

Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm yến Cần Giờ chủ yếu bán ở dạng thô, do đó chưa đạt được giá trị kinh tế tối đa. Đồng thời việc xây dựng thương hiệu yến sào Cần Giờ trong những năm qua làm chưa tốt, khiến sản phẩm này vẫn chưa tiếp cận được các thị trường lớn trong nước và xuất khẩu.

“Hộp bánh trung thu năm nào cũng thay đổi mẫu mã mới, còn yến Cần Giờ mấy chục năm không thay đổi mẫu mã. Xây dựng thương hiệu cho yến Cần Giờ còn hạn chế”, ông Thiện thừa nhận.

Gần 80% nhà nuôi yến ở TP.HCM không được xây dựng chuyên dụng - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM và ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM chủ trì hội thảo. Ảnh: Quang Sung

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, thương hiệu yến sào Việt Nam có giá trị rất cao trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta vẫn làm chưa tốt câu chuyện xây dựng thương hiệu. Do đó, nhiều người không biết đến sản phẩm yến sào, trong đó có yến sào Cần Giờ.

Phát biểu chủ trì hội thảo, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM đánh giá cao tiềm năng của ngành nuôi yến tại TP.HCM. Tuy nhiên, hiện nay cần phải giải quyết câu chuyện về quy hoạch trong việc nuôi yến tại TP.HCM, đặc biệt là quy định cụ thể về việc xây nhà yến.

Theo ông Phú, hiện nay tình trạng xây dựng nhà yến tự phát, chuyển đổi công năng nhà ở sang nhà nuôi yến, xây nhà yến trong khu dân cư diễn ra phổ biến. Điều này gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến đời sống người dân, do đó cần sớm có giải pháp khắc phục.

Gần 80% nhà nuôi yến ở TP.HCM không được xây dựng chuyên dụng - Ảnh 5.

Thương hiệu yến sào Cần Giờ của một doanh nghiệp đạt OCOP 4 sao. Ảnh: Hồng Phúc

Thông tin thêm tại hội thảo, ông Phú cho biết Sở NNPTNT TP.HCM đang hoàn thiện Đề án nuôi chim yến trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2024-2030 để trình HĐND thành phố trong tháng 12 năm nay. Dự kiến khi đề án này được thông qua, nhiều vấn đề vướng mắc trong nuôi yến tạo TP.HCM sẽ được tháo gỡ.

Ngày 9/9, UBND huyện Cần Giờ tổ chức chương trình cà phê OCOP Cần Giờ lần 2 với chủ đề: "Xây dựng thương hiệu yến sào Cần Giờ" tại Khu du lịch sinh thái Én Việt (xã Tam Thôn Hiệp).

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, việc xây dựng thương hiệu yến sào Cần Giờ cũng là kế hoạch nhằm "đón đầu" xu thế tiêu dùng và tạo thương hiệu đặc trưng của huyện đảo.

"Để làm tốt vai trò xây dựng thương hiệu yến sào Cần Giờ, chúng ta cần phải có Hiệp hội hoặc Chi hội về nuôi yến để làm đầu tàu trong nuôi yến tập trung, tránh sự nhỏ lẻ. Đây cũng là yếu tố để kiểm soát lẫn nhau, cạnh tranh và vươn xa hơn", Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ chỉ đạo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem