GĐ công ty do "bầu" Kiên làm chủ tịch HĐQT nhận lương 5 triệu/tháng?

Thứ ba, ngày 27/05/2014 19:52 PM (GMT+7)
Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Kiên, Thanh và Yến thì các bị cáo đều không phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" như cáo buộc. Trong đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Thanh cho biết, thân chủ của mình chỉ nhận mức lương 5 triệu/tháng cho vị trí giám đốc Công ty ACBI.
Bình luận 0
Chiều nay 27.5, HĐXX TAND TP Hà Nội tiếp tục xử sơ thẩm vụ “đại án” kinh tế đối với Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Phần lớn thời gian phiên xét xử chiều nay xoay quanh tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trong phần bào chữa cho thân chủ của mình, luật sư Ngô Huy Ngọc thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, người bào chữa cho Nguyễn Đức Kiên về tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nêu quan điểm, không hoàn toàn nhất trí với bản cáo trạng của VKS cáo buộc thân chủ của mình phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
img
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên xét xử ngày 27.5. Ảnh chụp từ màn hình

Theo luật sư Ngọc: Với tội lừa đảo thì tôi cảm thấy không có vụ việc lừa đảo vì đây là giao dịch dân sự đang còn “sống”, các bên đang thực hiện các quyền và nghĩa vụ bình thường, chỉ chấm dứt theo biên bản thanh lý hợp đồng vào ngày 13.6.2013 nên thời điểm bị quy kết 17.9.2012 thì sau đó rất lâu hợp đồng này vẫn thực tế đang tồn tại, các bên đang thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, không hiểu quan hệ hình sự pháp luật nào có thể chen ngang vào việc các doanh nghiệp đang thực hiện.

Luật sư Ngọc lập luận: "Việc lập biên bản họp HĐQT không phải là khống, trong Luật doanh nghiệp có quy ước được phép tổ chức họp HĐQT dưới nhiều hình thức, trong đó có họp bằng văn bản. Điều này luật cho phép. Cuộc họp này có thật. Trong nhiều ngày qua, các phần thẩm vấn đều cho thấy điều này. Thực tế biên bản cuộc họp có chữ ký của Nguyễn Đức Kiên, cũng như việc ACBI (Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội) có 20 triệu cổ phiếu.
img
LS Ngô Huy Ngọc thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, người bào chữa cho Nguyễn Đức Kiên về tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Việc đại diện VKS đã trích dẫn cáo trạng: “Cổ phần chưa chuyển nhượng hoặc không tranh chấp hoặc thực hiện bất kỳ nghĩa vụ đảm bảo với bất kỳ cá nhân nào”, điều này là phù hợp với ý chí của các thành viên HĐQT. Nếu thực hiện đúng cam kết này thì ông Kiên không hề sai. Việc trích dẫn để nói rằng tạo lòng tin với Công ty Hòa Phát là không có căn cứ.

Viện Kiểm sát cho rằng tin tưởng ACBI sở hữu 20 triệu cổ phiếu nên Công ty Thép Hòa Phát đã ký hợp đồng để chuyển 264 tỉ đồng. Nghe điều này người ta hình dung ra việc ACBI sẽ được nhận tiền ngay. Thực tế 18 ngày sau việc chuyển tiền mới được thực hiện. Quy kết ông Kiên chiếm đoạt toàn bộ 264 tỉ đồng là quy kết quá đau đớn, trong cáo trạng không thể hiện hành động nào việc ông Kiên chiếm đoạt.

Quyền sở hữu 20 triệu cổ phần và 264 tỉ đồng là của cá nhân. Ông Kiên không hề có một can thiệp nào về việc đút túi khoản tiền này, hay tiêu xài cá nhân.

Còn trách nhiệm đối với Công ty Thép Hòa Phát là ACBI chứ không phải cá nhân ông Kiên. Tôi xin nhắc lại đây là một giao dịch dân sự, giao dịch kinh tế nó được quy định bởi các luật thương mại, luật dân sự. Trong quá trình thẩm vấn, luật sư đã hỏi các bị cáo và những người liên quan thì cho thấy hợp đồng giữa ACBI và Công ty Thép Hòa Phát thời điểm vụ án bị phát hiện, vẫn đang được thực hiện, không có tranh chấp".

Theo luật sư Ngọc, việc đánh giá nhận thức trong hành vi của bị cáo Kiên cũng không đúng. Việc cổ phiếu ACBI đang thế chấp ở Ngân hàng ACB, cáo trạng cho rằng Kiên đã cố tình che giấu để thực hiện hợp đồng bán cổ phiếu. Theo luật sư Ngọc, bị cáo Kiên không che giấu vì Hòa Phát biết cổ phiếu này đang bị phong tỏa. Đại diện của Hòa Phát cũng đã ký vào giấy phong tỏa cổ phiếu nhưng vẫn nói không biết, ông Ngọc cho rằng trách nhiệm này thuộc về Hòa Phát chứ không phải là của bị cáo Kiên.

Luật sư Ngọc nhấn mạnh, quy kết Kiên phạm tội lừa đảo là không có căn cứ.

Luật sự Hoàng Đôn Hùng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bầu Kiên tiếp tục đưa ra luận điểm bảo vệ thân chủ trước tòa. Theo luật sư Hùng, việc thế chấp là hoàn toàn công khai, phía Hòa Phát biết rất rõ vấn đề này vì Hòa Phát là đơn vị phát hành cổ phiếu.

VKS cáo buộc Hòa Phát không biết bị cáo Kiên đã thế chấp số cổ phiếu này tại Ngân hàng ACB là hoàn toàn không có sơ sở. Luật sư Hùng cũng cho rằng, Kiên không có hành vi gian dối, hành vi chiếm đoạt, hậu quả cũng không có. Những thông tin này cũng được đưa ra tại tòa. Do đó, Kiên không phạm tội lừa đảo. Nếu có chăng ở đây chỉ là sơ suất trong làm thủ tục, và sự việc này đã được khắc phục ngay sau đó.
img
Luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh trình bày quan điểm bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Thanh.

Cũng liên quan đến nhóm bị cáo bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh trình bày quan điểm bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Thanh (nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội).

Luật sư Thanh cho rằng, cáo buộc và mức án đề nghị của VKS đối với bị cáo thanh quá nặng, không tương xứng với hành vi của bị cáo. “Bị cáo Thanh không phạm tội lừa đảo”, luật sư Thanh nói.

Luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh cho rằng, truy tố Trần Ngọc Thanh tội lừa đảo là chưa đúng. Hành vi của bị cáo Thanh chưa cấu thành tội lừa đảo, vì Thanh không lừa dối, không được ăn chia.

Theo luật sư Kim Thanh, bị cáo Trần Ngọc Thanh là Giám đốc ACBI, ông Thanh buộc phải ký văn bản nhưng không có động cơ, mục đích và không chiếm đoạt tiền, không được ăn chia, hưởng lợi từ 264 tỷ. Ông Thanh chỉ là người làm công ăn lương, chỉ nhận được vỏn vẹn 5 triệu đồng/tháng. Ông Thanh chỉ là người lao động hưởng lương trong ACBI chịu sự điều hành trực tiếp của chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Đức Kiên.

Điều này hoàn toàn phù hợp với lời khai của ông Thanh, bà Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên Kế toán trưởng Công ty ACBI)và xác nhận của ông Kiên. Trách nhiệm của ông Thanh trong việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần thép Hòa Phát cũng là làm theo chỉ đạo của chủ tịch chứ không được thỏa thuận thống nhất ý chí với thành viên HĐQT nào. Ông Thanh làm hoàn toàn không vụ lợi, không có mục đích chiếm đoạt. Biên bản hỏi cung đã thể hiện rất rõ. Bị can Yến cũng nói rõ ông Kiên là người chỉ đạo.

Luật sư Kim Thanh đánh giá, hợp đồng 0105 là hợp đồng dân sự. Khi ký hợp đồng chuyển nhượng hai 2 bên A và B đều không biết mặt nhau. Ông Thanh không biết ông Công là ai, và ngược lại. Đây chỉ là 2 đại diện theo pháp luật, còn người đứng sau chủ trương, thỏa thuận là những người khác. Cũng theo luật sư Kim Thanh, bị cáo Trần Ngọc Thanh không có mục đích vụ lợi để chiếm đoạt số tiền 264 tỷ. Toàn bộ việc định đoạt số tiền là do chủ trương của công ty và chỉ đạo của ông Kiên. Vì vậy không đủ yếu tố cấu thành tội ông Trần Ngọc Thanh là chiếm đoạt tài sản, kết tội của VKS là chưa hợp lý. Việc quy ông Thanh là đồng phạm của ông Kiên càng không hợp lý.

Từ những lập luận của mình, luật sư Kim Thanh đề nghị HĐXX, VKS cân nhắc đánh giá lại để ra phán quyết đúng người đúng tội.

Cùng bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Thanh, luật sư Trần Bình Tuấn đồng tình với quan điểm với luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh. Theo luật sư Tuấn, bị cáo Thanh là người làm thuê (lương 5 triệu đồng/tháng), làm theo chỉ đạo của người có quyền quyết định cao nhất ở ACBI là bầu Kiên. Luật sư Tuấn nêu thêm một số tình tiết giảm nhẹ: bị cáo Thanh được tặng nhiều huy chương, bằng khen và danh hiệu cao quý của Nhà nước. Hiện ông Thanh đang có mẹ già ốm nằm liệt giường, gia đình khó khăn, phải đi thuê nhà, ở nhờ. Bản thân ông Thanh mắc bệnh hiểm nghèo như viêm khớp, thiểu năng tuần hoàn máu. Từ đây, luật sư Tuấn đề nghị HĐXX xem xét khi lượng hình để có một bản án đúng người, đúng tội.

Bổ sung quan điểm của hai luật sư, bị cáo Trần Ngọc Thanh nói: “Bản thân tôi có sai phạm trong ký hợp đồng, nhưng tôi không có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản. Bị cáo tin tưởng sự công minh của HĐXX để có một bản án đúng người, đúng tội".

Về phần bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên Kế toán trưởng Công ty ACBI), luật sư Phạm Thanh Phong cho rằng, bà Yến chỉ làm theo chỉ đạo, lập biên bản họp HĐQT, lập thủ tục giải chấp 20 triệu cổ phiếu đang thế chấp ở Ngân hàng ACB.

Dẫn một số định nghĩa trong văn bản pháp luật, luật sư Phong cho rằng, Yến không thể làm đồng phạm với Nguyễn Đức Kiên trong hành vi Lừa đảo. Bị cáo Yến chỉ là người làm công ăn lương, không có hành vi gian dối, không có hành vi chiếm đoạt. Yến buộc phải làm theo chỉ đạo của lãnh đạo công ty. Luật sư Phong cũng cho rằng, xem xét hành vi này với tư cách là vụ lừa đảo là không thỏa đáng vì thực chất đây là vụ trao đổi cổ phần cổ phiếu, mang tính dân sự.
Xuân Lực - Thắng Quang (Xuân Lực - Thắng Quang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem