Bi kịch của người phụ nữ lấy chồng để "không phải lo đường nhà cửa"

Thứ năm, ngày 18/12/2014 10:47 AM (GMT+7)
Hồi Đại học, chị yêu người cùng quê. Ra trường, trong khi chị nhanh chóng xin được việc thì người yêu vẫn lận đận mãi. Đi làm, chị không khỏi chạnh lòng khi so sánh đối tác với người yêu. Hẹn 2 năm sau khi ra trường sẽ cưới, nhưng nhìn cảnh người yêu ở trọ thu nhập bấp bênh vì không việc làm, chị chán.
Bình luận 0

Rồi chị gặp anh chàng người Hà Nội khéo mồm khéo miệng và luôn trong bộ dạng chỉn chu. Anh này làm ở một cơ quan nhà nước cũng to to, nhà thì trên phố và nghe đâu có một mảnh đất rộng cũng ở trung tâm Hà Nội. Chị tính, lấy anh ta chị sẽ không phải lo gì đường nhà cửa, cũng không phải lăn lộn làm ăn khổ sở nữa. Thế là chị chia tay người cũ và bước lên xe hoa.

img 
Ảnh minh họa

Về nhà chồng một thời gian ngắn, chị mới vỡ mộng. Bố mẹ chồng tính cục cằn đã đành, ông chồng chị thì chỉ được tán gái khéo còn đối nội đối ngoại chẳng đâu vào đâu, lại còn kém tài. Đã thế, nhà có mảnh đất, chị cứ đinh ninh ông bà sẽ để lại cho hai vợ chồng, ngờ đâu, cũng đã phải bán để trả nợ lô đề của bố chồng.

Những ngày chị bầu Shin cũng là thời gian chồng chị thất nghiệp do cơ quan đấu đá, năng lực kém nên anh ta đã không trụ được. Hụt hẫng và thất vọng nhưng chị vẫn động viên chồng tìm việc mới. Nản thay, cậy vào đồng lương của chị nên chồng cứ nhởn nhơ mãi không chịu nộp hồ sơ đâu cả, có nhắc cũng gạt đi: “Từ từ, chờ chỗ nào ngon rồi hẵng xin cho bõ”. Cứ thế, tới tận khi chị sinh Shin, ông chồng lẻo mép của chị vẫn ăn không ngồi rồi. Đã vậy, khi chị gợi ý hai vợ chồng bán hàng thêm kiếm sống và nuôi Shin thì hắn làm ngơ.

Shin 6 tháng, cũng là lúc mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu lên đến đỉnh điểm. Chị quyết định khăn gói ra ngoài thuê nhà. Tưởng chồng sẽ bớt ỷ lại và sống trách nhiệm hơn, ai ngờ, anh ta sinh thêm tật rượu chè. Chị phải gửi Shin cho một bà hàng xóm trông giúp để đi làm nuôi con. Nghĩ vừa cực vừa tủi, nhưng vì lỡ bước lựa chọn nên chị đành cắn răng chịu để con có bố, có mẹ.

Lương chị không tệ, nhưng vừa phải thuê nhà, vừa trả tiền thuê người trông con, tiền sữa bỉm lại nuôi thêm ông chồng lêu lổng, bao nhiêu tiền dường như cũng không đủ. Chị tìm mối buôn bán online đủ thứ, từ bỉm, khăn đến hoa quả, quần áo. Vất vả là thế mà thỉnh thoảng nhờ chồng đi ship hàng, hắn ta vẫn nổi quạu với chị.

Hôm ấy, chị đang làm việc ở công ty, khách quen nhắn tin đặt một số hàng lớn, chị gọi điện nhờ chồng xếp hàng hóa và đi ship hộ. Thấy chồng đồng ý nên chị yên tâm làm việc tiếp. Đến cuối giờ chiều, khách gọi điện hỏi sao chưa thấy hàng tới. Chị gọi điện không thấy chồng bắt máy. Tức tốc phóng xe về thì hóa ra chồng đang còn mải đánh cờ.

Bực mình chị làm ầm lên, thế mà ăn ngay một bạt tai như giời giáng. Những cú đấm đá từ con người đó ngay tại quán nước khiến chị ngã gục. Mặc mọi người can ngăn, hắn ta vẫn tiếp tục vừa đánh vừa chửi chị. Chị trở về phòng trọ với gương mặt tím bầm, sưng húp, người ngợm đau đớn đến tê tái, ê chề.

Bao nhiêu toan tính đổ xuống sông xuống bể. Chị ly hôn và quyết tâm làm lại cuộc đời.

Chị nhờ mẹ đẻ ra trông cháu, còn bản thân vẫn vừa đi làm công sở vừa buôn bán online. Chị mở thêm cửa hàng bán hoa quả nhập khẩu và thuê nhân viên quản lý. Nhờ năng động và chịu khó, cửa hàng chị ăn nên làm ra. Trong 3 năm, chị mua được nhà, được xe mới. Chị vẫn toan tính, nhưng lần này, là toan tính cho cuộc sống của chị, của Shin.

Cũng vài ba người đàn ông tìm hiểu, nhưng chị chưa gật đầu ai. Chị đã hiểu rằng, trong hôn nhân, toan tính là điều cần thiết nhưng vẫn cần lắm tình yêu và sự thấu hiểu lẫn nhau. Chị sợ. Chỉ một lần toan tính sai nữa, cuộc đời chị và con sẽ chẳng biết đi về đâu.

Tường Lam (Theo Dân trí)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem