Ca sĩ Minh Quân: Không ủng hộ việc "tha hương" trong ngày 30 Tết

Thanh Hà (ghi) Thứ sáu, ngày 27/01/2017 07:50 AM (GMT+7)
Chia sẻ với Dân Việt, ca sĩ Minh Quân cho biết: “Tết Âm lịch là Tết sum họp, quây quần bên bố mẹ và gia đình. Dù có bận thế nào, tôi cũng rất ít khi vắng mặt vào đêm 30 Tết”.
Bình luận 0

Với tôi Tết cổ truyền là Tết giành cho gia đình. Là truyền thống của người Việt Nam, chính vì vậy mà không nên đi du lịch. Tôi còn nhớ, ngày bé, mỗi lần đến Tết tôi được mẹ giao làm những công việc phụ, để chuẩn bị đón Tết, như dọn dẹp nhà cửa, rửa lá dong để mẹ gói bánh chưng. Hoặc, thời kỳ còn đốt pháo thì lo chuẩn bị pháo để đốt đêm giao thừa và sáng mùng 1 Tết.

Nhà tôi, đêm giao thừa, sau khi thắp hương cúng ông bà, tổ tiên, cả nhà lại rủ nhau lễ chùa cầu may. Sang ngày mồng một, gia đình tôi đi chúc Tết bên nội, bên ngoại. Và ngày mùng 3, tôi mới giành cho bạn bè hoặc đi du lịch, thậm chí lúc đó tôi mới nhận show nếu có. Có thể nói, đây cũng là “luật riêng” của gia đình tôi. Tôi và em trai tôi trước đây và sau này kể cả khi lập gia đình cũng sẽ vẫn giữ truyền thống riêng của gia đình như vậy.

img

Đối với nhiều người, Tết là phải sum họp cùng gia đình. Ảnh minh họa IT

Một lần tôi bận đi diễn show đúng vào đêm ngày 30 Tết, quá giao thừa tôi trở về nhà, đây là đêm giao thừa duy nhất khiến tôi day dứt và bất an khi không ở bên bố mẹ và em trai.

Vừa qua, trên các diễn đàn cũng bàn tán có nên sát nhập Tết dương lịch và Tết Âm lịch hay không? Bản thân tôi không đồng ý đi du lịch dịp Tết. Bởi Tết Dương lịch hay ngày lễ Noel vẫn chỉ là nét văn hóa của phương Tây, trong khi Tết Âm lịch là Tết cổ truyền đã ăn sâu vào bao đời nay của mỗi người dân Việt Nam. Đây là nét văn hóa truyền thống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cần được giữ gìn.

Không khí của Tết cổ truyền vẫn hoàn toàn khác với không khí của Tết Dương lịch. Với Tết Dương lịch vẫn chỉ là một chút thoáng qua, phảng phất. Còn Tết Âm lịch, nó được ăn sâu vào từ nếp nghĩ, thói quen, văn hóa của từng gia đình, cá nhân, thế hệ từ già đến trẻ của người Việt. Chính vì vậy, tôi rất vui khi rất nhiều bạn trẻ đã phản ứng và không thích chuyện sát nhập Tết dương lịch và Tết Âm lịch, đồng thời cũng không ủng hộ viêc “tha hương”, xa cha mẹ vào thời khắc thiêng liêng của năm mới. Điều đó chứng tỏ, đến thế hệ trẻ như các bạn còn ý thức giữ gìn nét văn hóa, Tết cổ truyền.

Tết Nguyên đán thường đồng nghĩa với sum họp, lễ lạt, “mâm cao cỗ đầy”, sắm sửa, bày biện thể hiện sự sung túc, ấm no. Nhưng nhiều năm gần đây, không ít người đi du lịch “đón Tết” ở nơi xa lạ. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, Tết mà không quây quần với bố mẹ, không cúng lễ gia tiên là bất hiếu, là “mất gốc”.  Nên hay không nên đi du lịch vào dịp Tết? Ngày Tết có phải nặng cúng lễ mới đủ thành tâm? Báo Dân Việt xin chia sẻ với bạn đọc những chuyện vui buồn xung quanh việc đón Tết ở nhà hay đi du lịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem