Chàng giám đốc công ty mang giày cao gót để ...tắm cho con

Diệu Linh Thứ hai, ngày 06/03/2017 14:01 PM (GMT+7)
Đó là hình ảnh của anh Lê Quang Đông (36 tuổi, Giám đốc bán hàng Công ty Thương mại và Đầu tư Đông Hiệp, Hà Nội) tại cuộc thi "Những ông chồng đảm đang" do mạng lưới hành động vì phụ nữ Việt Nam (GBVNET) tổ chức ngày 5.3.
Bình luận 0

Toát mồ hôi tắm cho con

Tại cuộc thi, các ông chồng sẽ thi tắm, buộc tóc cho con, gấp quần áo và nấu ăn. Dù chỉ tắm cho búp bê nhưng các ông bố cũng phải trải qua đủ công đoạn như cởi quần áo cho con, gội đầu, tắm, lau khô, đóng bỉm, mặc quần áo… Chỉ “thao diễn” được một lát, anh Toán đã căng thẳng tới mướt mồ hôi. Anh cho biết, vợ chồng anh đã có một con trai và anh rất tự hào khi được chia sẻ việc nhà, chăm sóc con cùng vợ. “Phụ nữ dân tộc rất vất vả, kinh tế khó khăn, công việc làm nương rất nặng nhọc nếu để họ đơn độc làm việc nhà thì chắc chắn họ sẽ rất mệt mỏi, cô đơn. Tôi đã chứng kiến nhiều phụ nữ không được chia sẻ việc nhà, sự cô đơn, buồn rầu hiện lên trên khuôn mặt của họ. Do đó, các ông chồng đừng để vợ cô đơn”.

img

  Anh Hoàng Văn Toán (trái) đang thi buộc tóc cho con gái. ảnh: Diệu Linh 

Cùng đội với anh Toán, anh Cống Văn Xuyên (Ba Bể, Bắc Kạn) cho biết, ban ngày anh làm việc đồng, tối về lại cùng nhau chia sẻ việc nhà với vợ, nấu ăn, chăn lợn. “Nếu cánh đàn ông nào chưa làm việc nhà thì tưởng đơn giản, lặt vặt, nhưng có làm mới biết việc nhà tốn công sức, vất vả đến mức nào. Đàn ông mạnh tay khoẻ chân còn đỡ mệt, chứ để phụ nữ làm một mình thì đúng là gánh nặng lớn” - anh tâm sự.  Anh Xuyên cho biết, anh có hai cô con gái nhưng rất hạnh phúc vì được là người đàn ông đẹp trai nhất nhà.

Dù nhiều cánh mày râu cũng đã luyện tay trước khi đi thi nhưng khi đánh vật với dầu tắm, tã lót, bỉm, nhiều nam giới cảm thấy rất lúng túng, vất vả. Bài thi là trời lạnh tắm cho con nhưng các anh vẫn lột sạch bé và nhúng thẳng vào chậu nước. Ban giám khảo đã lo ngại nếu là bé thật thì sẽ ốm mất. Chuyện đóng bỉm cũng thách đố các anh và nhiều anh đã đóng bỉm ngược từ trước ra sau. 

“Có thực sự làm việc nhà, chăm sóc các con mới hiểu được phụ nữ đã dành bao nhiêu tình cảm, thời gian, công sức cho các thành viên trong gia đình. Công việc này quá tốn năng lượng và thời gian” – anh Sa Trung Hưng đến từ Ủy ban Dân tộc nhận định.

Đi giày cao gót để hiểu phụ nữ

Bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên CSAGA (thành viên GBVNET) cho biết, hiện nay do vẫn còn định kiến nên nhiều chị em vẫn có thói quen ôm lấy hết các việc nhà khiến mình không còn thời gian, sức lực để dành cho việc học tập, phấn đấu hơn trong công việc, càng không có thời gian vui chơi, thư giãn để sống thoải mái hơn. Với những hoạt động như hôm nay, chúng tôi mong muốn chị em hãy sống với giá trị đích thực của mình đồng thời nhắc nhở nam giới trong việc chia sẻ việc nhà với phụ nữ. 

Tại cuộc thi, một hình ảnh rất đáng yêu là nhiều nam giới đi lại trên một đôi giày cao gót màu hồng. Dù giày chỉ cao 3cm nhưng nhiều anh loạng choạng, chuếnh choáng. Anh Lê Quang Đông (36 tuổi, Giám đốc bán hàng Công ty Thương mại và Đầu tư Đông Hiệp, Hà Nội) cho biết, đội các anh gồm 3 người đều mang giày cao gót để tắm cho con, nấu ăn. Các anh hy vọng có thể chia sẻ mọi vấn đề với chị em phụ nữ kể cả về thói quen sinh hoạt, tình cảm… và kể cả việc đi giày cao gót.

Anh Đông cho biết, anh có 3 con cho nên việc tắm giặt, thay quần áo, ăn sáng ăn trưa… của con anh đều hỗ trợ vợ. “Làm đàn ông không nên bỏ qua bất cứ việc gì liên quan đến gia đình, con cái” – anh Đông nhận định. 

Tại cuộc thi, ca sĩ Hoàng Bách và con trai cùng đi đôi giày hồng, nhảy và hát bài “Vì nụ cười em”. Bài hát do chính ca sĩ sáng tác để dành tặng cho các mẹ, các chị, các em cũng như cổ động cho phụ nữ có thể vươn lên để là chính mình, còn những người đàn ông sẽ luôn bên cạnh để yêu thương, chia sẻ, cổ vũ. /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem