“Dông bão” dưới mái nhà thôn quê

Diệu Linh Thứ ba, ngày 28/06/2016 06:15 AM (GMT+7)
Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, nếp nhà trong các gia đình nông thôn cũng đang bị xâm lấn, phá vỡ và biến đổi, cả điều hay lẫn điều dở.
Bình luận 0

 “Cơn bão” di cư

Chị Nguyễn Thị Mơ (35 tuổi ở Hải Hậu, Nam Định) lên Hà Nội buôn thúng bán mẹt đã được 5 năm. Chị Mơ cho biết, gia đình có 3 con ăn học mà chỉ cấy 2-3 sào lúa thì không đủ ăn. Chị lên Hà Nội bán hoa quả, trừ tiền ăn ngủ cũng gửi về được 3-4 triệu/tháng. Chị chịu đựng sống trong nhà trọ ẩm thấp, nóng bức, ăn uống tạm bợ, mỗi ngày đi bộ bán hàng 20-30km, nên sức lực ngày càng yếu.

Gần đây, chị bị ô tô đâm gãy xương đùi, lại tai biến phẫu thuật nên tốn gần 100 triệu đồng, gần như tiêu hết tiền tiết kiệm 5 năm chị mang về. Về nhà, chị còn phát hiện trong khoảng thời gian chị đi vắng, chồng chị  tằng tịu với một cô gái lỡ thì gần nhà, đã có con sắp sinh.

“Nếu tôi biết việc hy sinh của tôi chỉ khiến gia đình tan nát, sức khoẻ suy sụp thì tôi ở nhà ăn cơm muối còn hơn” - chị Mơ đau đớn.

img

Gia đình nông thôn đối diện với nhiều thách thức. Ảnh: Diệu Linh 

Theo PGS-TS Hoàng Bá Thịnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dân số và công tác xã hội (ĐH KHXHNV Hà Nội), các tác động xã hội đang ảnh hưởng đến các thế hệ trong những gia đình ở nông thôn.

“Dòng chảy ly hương đang ào ạt ở nhiều địa phương, không chỉ từ quê ra thành phố mà còn “chảy” ra nước ngoài để xuất khẩu lao động hoặc lấy chồng. Gia đình nông thôn sẽ chịu nhiều thách thức mới. Sẽ xuất hiện nhiều “chàng” và cả “nàng” Tô Thị vò võ chờ vợ/chồng, xa cách khiến nhiều người ngoại tình làm hôn nhân đổ vỡ. Di cư cũng đem về quê nhiều tệ nạn, bệnh tật, tiếp tục đặt gia đình nông thôn trước các thử thách. Giới trẻ đi làm ăn, nhiều ông bà ở nông thôn biến thành “osin” giữ cháu, nhiều đứa trẻ sẽ không được chăm lo, giáo dục đầy đủ, các nguy cơ về tai nạn cho trẻ cũng tăng cao do ông bà lo không xuể. Cha mẹ già gặp nhiều bệnh tật nhưng vẫn phải “nai lưng” làm việc, không được chăm sóc, không thể nhờ cậy con cái như trước kia” – PGS Thịnh phân tích.

Theo PGS Thịnh, việc những nông dân vốn sống trong làng quê yên bình đến sống và làm việc ở thành phố ồn ào, ganh đua, nhiều cám dỗ sẽ rất dễ bị dụ dỗ rơi vào các tệ nạn xã hội hoặc mắc nhiều bệnh tật, mệt mỏi, tăng nguy cơ bị bạo lực, tai nạn trở nên tàn phế... cũng làm tăng nguy cơ rạn vỡ gia đình.

Hiện nay, người trẻ dậy thì sớm hơn, trưởng thành nhanh hơn, rời nhà sớm, kéo theo những thay đổi về hôn nhân, gia đình. Nhiều mô hình hôn nhân mới xuất hiện khiến cha mẹ không “theo kịp”. Như hôn nhân thử nghiệm, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, ly thân, ly hôn, gia đình khuyết thiếu, sống chung đồng tính, bố/mẹ đơn thân. Sự thay đổi này không chỉ ở thanh niên thành phố mà cả thanh niên ở nông thôn. Hầu hết thanh niên ở nông thôn đến tuổi 16-17 đều rời quê đi học, đi làm. “Sểnh nhà” khiến các em có điều kiện yêu đương sớm, từ đó cũng dễ nảy sinh các bất ổn như mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai, bệnh lây truyền qua đường tình dục, hôn nhân vội vàng, ly hôn…

“Gia đình là một bộ giảm xóc khổng lồ để “cứu” mỗi cá nhân khỏi căng thẳng mệt mỏi khi “kiếm cơm” ngoài xã hội. Nếu bộ giảm xóc này bị hỏng hóc, rệu rã, đương nhiên, những cá nhân sẽ suy yếu, xã hội bị ảnh hưởng. Do đó, bên cạnh các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế thì Nhà nước cần có các biện pháp giúp củng cố, xây dựng các gia đình bền vững hơn” – PGS Thịnh nhận định.

Gần nhà - xa ngõ

Gia đình là một bộ giảm xóc khổng lồ để “cứu” mỗi cá nhân khỏi căng thẳng mệt mỏi khi “kiếm cơm” ngoài xã hội. Nếu bộ giảm xóc này bị hỏng hóc, rệu rã, đương nhiên, những cá nhân sẽ suy yếu, xã hội bị ảnh hưởng” .

PGS - TS Hoàng Bá Thịnh

Cùng trên mảnh đất 500m2 nhưng ông Trần Văn Phức (86 tuổi, xã Yên Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội) đã “cắt” nhỏ thành 5 phần, cho 5 con trai dựng đủ 5 căn nhà. Mỗi con một ngõ nên dù giáp vách nhau nhưng cũng đi vòng vèo cả trăm mét mới đến nhà nhau.

Ông Phức cho biết, nếu cứ như các cụ thì ông chỉ cần dựng 1 nhà, nhiều phòng để sống quây quần tam đại đồng đường, ăn chung, ngủ riêng. Nhưng bây giờ mỗi con mỗi cảnh, mỗi thế hệ mỗi khác, việc ăn chung, sinh hoạt chung chỉ khiến các con xích mích, tị nạnh. Sớm đã có nhận định tiến bộ nên ông Phức cắt đất, chia nhà mỗi khi có con trai lập gia đình.

“Cứ như các nhà giàu có thì nên mua đất, sống xa xa một tí, nhưng gia đình nông thôn nghèo, tài sản lớn nhất là đất nên tôi chia cho mỗi con một phần, tuy không đều nhưng to nhỏ chỉ hơn kém một chút nên các con đều hài lòng. Giờ nói ở riêng nhưng vợ chồng tôi vẫn quây quần cùng các con cháu” – ông Phức cho biết.

Đây cũng là xu hướng chung của nhiều gia đình nông thôn hiện nay. Gia đình lớn bị chia nhỏ, sống sát vách nhau nhưng mỗi nhà một ngõ, với các thói quen sinh hoạt khác nhau. Đôi khi, tình cảm giữa cha mẹ-con cái-anh em trở nên phai nhạt.

Nhận định về điều này, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà cho biết, mô hình tam tứ đại đồng đường, gia đình “tập thể” chỉ là vẻ đẹp “xa xưa” chứ không còn phù hợp với hiện tại.

“Ngày trước, cả gia đình đều làm nông, cùng nếp ăn, nếp làm việc, thu nhập như nhau nên sở thích, thói quen cũng “na ná” nhau. Nhưng hiện tại, mỗi người mỗi việc, thời gian làm việc, tiền kiếm được đều khác nhau. Điều đó sẽ phát sinh các thói quen ăn uống, ngủ nghỉ khác nhau. Người có thu nhập cao muốn ăn sung mặc sướng, người thu nhập thấp phải tằn tiện… Nếu tất cả bị “xếp chung một rọ” thì sẽ nảy sinh mâu thuẫn, dẫn đến va chạm, cãi cọ. Do đó, việc ở riêng là tất yếu. Đó là chưa kể đến di cư, rời quê lập nghiệp. Sao còn có thể sống cùng một nhà” – ông Hoà phân tích.

Ông Hoà nhận định, gia đình “hạt nhân” giúp cái Tôi được phát triển. Tuy nhiên, khi không còn “tập thể”, không có cha mẹ “cầm cân nảy mực”, nhiều người sẽ buông tuồng lối sống, sống ích kỷ, nói năng tuỳ tiện… dễ làm tổn thương vợ/chồng và các thành viên khác trong gia đình. Mọi người vì lợi ích của gia đình nhỏ mà quay sang đấu tranh, giành giật với cả anh em trong gia đình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem