Đừng bao giờ coi mẹ chồng như mẹ đẻ

Lâm Yên Thứ ba, ngày 21/02/2017 14:01 PM (GMT+7)
Các cô gái ạ, mẹ chồng thì mãi mãi là mẹ của chồng. Bà có thể rất tốt với bạn, có thể nuông chiều bạn, nhưng chắc chắn đó không phải là tình yêu tuyệt đối và vô điều kiện.
Bình luận 0

Tôi từng đọc trên một tờ báo, ai đó viết rằng: “Khi bạn đã về làm dâu, mẹ chồng cũng luôn muốn mở rộng lòng đón bạn. Và nếu đã cố gắng coi một người lạ như bạn là con cái trong nhà, thì bà cũng muốn bạn xem bà như mẹ. Vì vậy hãy coi mẹ chồng mình như mẹ đẻ”. Lý thuyết là thế, nhưng sự thật có như vậy không?

img

Hình minh họa

Không bao giờ như vậy. Mẹ đẻ bạn luôn luôn khác mẹ chồng. Mẹ đẻ đau đớn sinh bạn ra, cần mẫn nuôi bạn hơn 20 năm trước khi bạn xuất giá, có với bạn bao nhiêu kỉ niệm và ràng buộc. Bà hạnh phúc khi bạn thành công, nhưng cũng dễ dàng cảm thông khi bạn thất bại. Bà hiểu rõ thói quen, tật xấu và những ưu điểm/ nhược điểm của con người bạn. Bà chấp nhận chúng. Trước mẹ đẻ, bạn chẳng phải giấu diếm gì.

Mẹ chồng thì không thế. Bạn bước vào nhà chồng không hoàn toàn do mong muốn của bà, mà bởi tình yêu của chồng bạn. Hãy tưởng tượng một người lạ bước vào nhà, bạn sẽ có cảm giác như thế nào, bạn có dễ dàng yêu thương tuyệt đối được họ hay không?. Cảm giác của mẹ chồng bạn lúc ấy, chẳng khác biệt là mấy. Tình yêu bà dành cho bạn, nếu có, chẳng qua là tình yêu mà bà dành cho chính con trai của mình.

Tôi nhớ một người bạn của tôi, năm 28 tuổi, cô ấy bước vào nhà chồng với niềm hân hoan: “Mẹ chồng tớ tốt lắm, chiều tớ còn hơn mẹ đẻ”. 32 tuổi, cô chạy ra khỏi hôn nhân, chua xót, buồn rầu: “Mẹ chồng vẫn mãi là mẹ chồng bạn ạ”. Chẳng phải bà xấu xa gì, nhưng khi cần bảo vệ, bà vẫn chọn con trai, dù con bà đúng hay sai chăng nữa. Quá mệt mỏi vì cô đơn trong gia đình, chị tay trắng ôm con, viết đơn ly dị.

Vậy đấy, đừng có bao giờ coi mẹ chồng như mẹ đẻ. Đừng “cãi” bà một cách gay gắt và khăng khăng làm theo ý mình như bạn vẫn làm ở nhà. Đặc biệt, đừng can thiệp vào những việc nhà chồng mà bạn chẳng mấy liên quan, đặc biệt là việc mà bà đã quyết. Mẹ đẻ có thể chấp nhận tính khí đó của bạn, nhưng mẹ chồng thì không. Dù mẹ chồng đúng hay sai, bạn hãy cứ tôn trọng ý kiến của bà, nhã nhặn thể hiện thái độ hợp tác. Bạn hãy tranh thủ khi hai mẹ con tỉ tê tâm sự, hoặc lúc bà vui vẻ thể hiện chính kiến của mình, thay vì dội vào bà một “gáo nước lạnh”.

Coi mẹ chồng khác mẹ đẻ để luôn cân nhắc trước những việc mình làm. Mình như vậy có vô ý không, nếu đặt ở cương vị của mẹ chồng, mình có thấy khó chịu?. Mình nói xấu con của bà thì bà nghĩ gì?. Cân nhắc và “uốn lưỡi” trước khi nói. Bởi mối quan hệ giữa hai người phụ nữ chung  tình yêu với một người đàn ông, dễ tổn thương và va vấp gấp trăm lần các mối quan hệ khác.

Đừng nói bô bô những điều mình nghĩ và mình muốn với mẹ chồng. Bạn không nói dối, nhưng hãy diễn đạt khéo léo những gì mình nghĩ. Cứ nói chuyện chân thành nhưng chẳng quá thô và thật. Bởi vì, người già vô cùng nhạy cảm. Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu càng nhạy cảm lâu nay. Có thể bà sẽ buồn, sẽ giận chỉ vì một điều mà bạn cho là rất đỗi bình thường.

Người xưa có câu “Vợ chồng kính nhau như khách”, ý nói vợ chồng vẫn phải tôn trọng, nâng niu nhau như khách thì mới mong có mối quan hệ bền vững, tốt đẹp. Có lẽ, cũng nên có câu rằng: “Nàng dâu kính mẹ chồng như khách”. Vì bà là khách quý, nên ta cứ cẩn trọng, khéo léo và dịu dàng. Vì bà là khách quý, nên ta cứ yêu thương chân thành, chắc chắn ta sẽ nhận lại được những “hồi đáp” tốt đẹp. 

* Bài viết thể hiện quan điểm của nhân vật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem