Đương đầu với cả nhà chồng để đưa bố chồng vào viện dưỡng lão

Thúy (HN) Thứ năm, ngày 02/03/2017 07:01 AM (GMT+7)
Nhìn bố chồng đang vui vẻ vừa tưới cây vừa lẩm nhẩm hát “Suối mơ”, nhìn sang cả đại gia đình nhà chồng mặt cũng đang giãn ra, tôi biết là mình đã thắng keo này.
Bình luận 0

Tôi lấy chồng đã được 10 năm. Có thể nói nếu so với những phụ nữ đã lập gia đình khác mà tôi quen biết hay được nghe kể, thì tôi thuộc dạng sướng. Chồng tôi là người đàn ông của gia đình, kiếm ra tiền nhưng luôn dành hết thời gian rỗi cho vợ con. Bố mẹ chồng tôi đều là công chức nhà nước nghỉ hưu, tính cách cởi mở và khá tân tiến. Hai đứa con tôi một tay bà nội chăm sóc nhưng chúng tôi lại không hề mâu thuẫn trong việc nuôi dạy con cháu.

img

Hình minh họa

Bố mẹ chồng tôi chăm sóc nhau và cùng nhau tận hưởng tuổi già. Thỉnh thoảng các cụ lại cùng nhau về quê, đi du lịch, thậm chí bố mẹ chồng tôi còn lên kế hoạch sẽ đi Hàn Quốc nhân kỷ niệm 50 năm ngày cưới. Tôi thấy mình may mắn không chỉ vì có một cuộc sống như ý mà quan trọng là bởi vì bố mẹ chồng còn khỏe mạnh và chăm sóc được lẫn nhau, bởi con cái đều bận rộn không có nhiều thời gian chăm sóc các cụ.

Nhưng, đúng là ông trời giỏi trêu ngươi. Buổi trưa, ăn cơm xong, mẹ chồng tôi kêu mệt đi nằm trước. Ông rửa dọn xong, vào nằm cạnh vợ thì thấy bà có vẻ không bình thường, sờ vào người thì thấy bà không thở nữa. Ông hốt hoảng gọi cho chồng tôi, rồi ông gọi taxi đưa vợ vào viện. Nhưng vào đó thì bác sĩ bảo mẹ tôi đã mất, có lẽ lúc ông phát hiện ra thì bà đã đi rồi. Cú sốc phải nói là quá lớn đối với cả gia đình tôi, nhất là đối với bố chồng tôi.

Ông trở nên cáu bẳn, gắt gỏng. Các cháu làm ồn một chút thôi cũng sẽ bị ông quát. Trước đây chúng gần gũi ông bao nhiêu thì giờ chúng sợ ông bấy nhiêu. Làm gì chúng cũng len lén nhìn ông, chỉ sợ ông phật ý mà cáu gắt. Bữa cơm dọn ra ông cũng chỉ gẩy gẩy mấy cái rồi lại buông đũa vào phòng nằm. Cố mời ông ra ăn cơm thì ông, như bị kích động, quát tháo om sòm.

Rồi nhiều hôm, nửa đêm nghe lục đục dưới bếp, thì thấy ông lúi húi nấu hết món nọ món kia, vừa nấu ông vừa nói chuyện “Cái cá om dưa này tôi nấu thế này có đúng không bà? Tôi cho dấm bỗng rồi đấy. Mà cái món nem này này, tôi đã bảo bà rồi, đừng có cho giá vào, tôi không thích ăn giá. Cái nước chấm nem này tôi làm hơn đứt bà đấy!...” Còn chuyện, nửa đêm ông ra trước bàn thờ bà, vừa khóc vừa cười vừa nói chuyện thì như cơm bữa. Chứng kiến những cảnh đó, tôi vừa xúc động trước tình yêu của ông bà, vừa thương ông vô cùng mà chẳng biết làm sao.

Kém ăn uống dẫn đến suy nhược cơ thể, không đi đâu ra khỏi nhà, không vận động dẫn đến đầu óc mụ mị, bố tôi như người bị trầm cảm. Đưa ông đi viện thì ông chửi bới gào thét, ông bảo “tao có bị gì đâu mà chúng mày đòi đưa tao đi viện? Chúng mày định chia cắt tao với mẹ mày chứ gì?” Hỏi ý kiến bác sỹ, họ khuyên nên đưa ông ra ngoài nhiều hơn, vận động nhiều hơn, để vừa khuây khỏa đầu óc, vừa tăng vận động thể chất. Vợ chồng tôi thay nhau xin nghỉ phép, ép đưa ông ra công viên, ra nơi các cụ hay tụ tập đánh cờ, tập thể dục. Ông có khá hơn một chút nhưng cứ về nhà lại đâu vào đó. Chúng tôi cũng không thể nghỉ mãi được. Các anh chị chồng thì lúc này chả hiểu ở đâu hết, chỉ thỉnh thoảng đảo qua nhà thăm bố rồi kêu bận việc cũng mất hút. Có mỗi hai vợ chồng, mà tôi là chủ đạo, vừa lo cơm nước nhà cửa, vừa lo cho ông, quả thực tôi cảm thấy bị quá sức.

Tham khảo các thông tin, tôi ngỏ ý với chồng: “Anh à, hay mình cho bố vào viện dưỡng lão? Trong đó có nhiều cụ già, biết đâu bố sẽ khỏe hơn?” Tôi vừa dứt lời, chồng quay lại nhìn tôi với ánh mắt giận dữ “Cô vừa nói cái gì? Vừa chăm có mấy hôm mà cô đã đòi tống bố vào viện dưỡng lão à?”. Bực mình, tôi cãi lại “Anh xem lại đi, từ ngày mẹ mất rồi bố thành ra như thế thì ai chăm bố? Ngoài tôi và anh ra thì có ai? Các anh chị của anh có ai ở với bố được một đêm không, có ai đưa bố ra công viên được hôm nào không? Anh xem tôi chăm bố có nề hà gì không? Nhưng còn con cái, còn công việc, ai làm thay tôi? Đưa bố vào đó để bố bình thường trở lại rồi lại đón bố về, tôi có bảo là bỏ rơi bố không? Đưa bố vào đó, rồi một tuần đôi ba lần vào thăm bố, anh nghĩ tôi ít việc hơn à?”

Tôi bỏ ra ngoài, trước khi đi, kèm thêm một câu: “Anh đi mà bàn bạc với các anh chị đi. Nếu không đồng ý, thì anh chị em nhà anh thay nhau mà chăm bố!” Từ hôm đấy, một ngày tôi nhận được bao nhiêu cuộc điện thoại của gia đình chồng, nặng có nhẹ có, chửi tôi là bố chồng mới ốm mấy hôm đã đòi vứt bỏ bố. Bà chị cả còn lớn tiếng đòi “trả về nơi sản xuất”. Lần nào, tôi cũng chỉ chốt lại một câu: “Thế ngoài vợ chồng em ra, anh chị chăm bố được ngày nào?” Thì ai cũng im lặng không nói được gì.

Cuối cùng, khi cả nhà đều đã xuôi, tôi tìm được viện ưng ý cho cụ. Cứ nghĩ khi đề xuất bố tôi sẽ nổi xung lên nhưng nào ngờ cụ đồng ý ngay, bảo: “Tùy các anh chị. Cho bố vào đấy cho khuây cũng được!”

Vào viện dưỡng lão, theo ý ông, chúng tôi chọn phòng 4 giường mà không chọn phòng đơn. Hàng ngày, bố tôi cùng các ông đánh cờ, tập thể dục, thỉnh thoảng lại cùng nhau bình thơ, bình nhạc. Tinh thần ông phấn chấn hơn, ăn uống tốt nên sức khỏe cũng tốt hơn hẳn. Con cháu ra vào thăm nom thường xuyên nên cụ không cảm thấy bị bỏ rơi. Khi thấy sức khỏe đã tốt, tôi ngỏ ý đón ông về nhà thì ông gạt đi, bảo: “Thôi. Các anh các chị cho bố ở đây. Lương hưu của bố thừa sức đóng tiền trong này. Đến giỗ mẹ mày rồi Tết nhất hay thỉnh thoảng nhớ cháu thì bố về!”

Nhìn bố chồng đang vui vẻ vừa tưới cây vừa lẩm nhẩm hát “Suối mơ”, nhìn sang cả đại gia đình nhà chồng mặt cũng đang giãn ra, tôi biết là mình đã thắng keo này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem