"Em nấu món này không ngon bằng mẹ"

Thu Huyền (Hà Nội) Thứ tư, ngày 01/04/2015 08:11 AM (GMT+7)
Cô bạn tôi phàn nàn không hiểu sao dù rất kỳ công đầu tư nhiều thời gian vào món cá đồng kho nhưng ông chồng vốn tính xuề xoà của nàng đều lắc đầu: Không hiểu sao không ngon bằng món ăn mẹ anh nấu?
Bình luận 0

Chàng vẫn ăn nhưng mỗi lần ăn món ấy chàng lại trầm tư về một vùng xa xôi nào đó.

Chồng bạn giống tôi.

Mỗi lần bị ốm nằm cong queo trên giường hay những lúc trời mưa ngồi bó gối nhìn những giọt nhớ rơi lích rích ngoài cửa sổ, tôi lại nhớ da diết món ăn mẹ nấu.

Mẹ tôi là người phụ nữ truyền thống đã luôn đứng sau người đàn ông của đời mình và một đàn con nheo nhóc.

Mẹ luôn coi góc bếp là nơi mẹ diễn vai chính, mỗi lần tôi vào bếp chỉ là trợ lý của mẹ, nên suốt cả thời thơ ấu tôi chẳng tự đạo diễn được món ăn nào cả.

Chỉ có những lần mẹ ốm, không gượng sức được, tôi mới phải loay xoay trong góc bếp của mẹ nhưng mỗi khi ăn món ăn tôi chế biến, bố tôi vẫn thường bảo: Không bằng mẹ nấu. Em tôi bảo: Chị nấu cứ thấy thiếu thiếu vị gì đấy?

Bao nhiêu năm quanh quẩn trong bếp mẹ, rồi bao nhiêu năm trong bếp của vợ và ngắm nghía các góc bếp của nhà hàng xóm, tôi nghiệm ra rằng vào bếp là kỹ năng mềm của người phụ nữ. Tiếp xúc với mùi vị, dao thớt sớm từ mẹ nên tôi cảm thấy nấu nướng là chuyện tự nhiên, không phải gượng ép hoặc phải gắng sức để học, nhưng cái quan trọng là nấu được món ăn ngon cho người mình yêu thương không phải chuyện một sớm một chiều.

Làm sao ngon như món ăn mẹ nấu, đơn giản vì vẻ đẹp nằm ở mắt người ngắm, món ngon nằm trong miệng người thưởng thức. Món ăn của mẹ ngoài công thức chung mà tôi có thể dễ đang tìm thấy trong cuốn sổ đã sờn hết các góc với những dòng chữ to như gà mái của mẹ còn có một gia vị gia truyền mà chỉ có mẹ mới có được: vị ký ức.

Bao nhiêu năm nay rồi, bố đã ăn món ăn mẹ nấu, bao nhiêu năm rồi chúng tôi đã ngồi quây quần trên chiếc bàn ăn với những câu chuyện thường ngày và thưởng thức món ăn được nấu trong tình thương yêu bất tận của người mẹ, người vợ. Món ăn đó vừa nuôi dưỡng thân xác vừa nuôi dưỡng tâm hồn các thành viên trong gia đình, là sợi dây kết nối các thành viên trong gia đình

Góc bếp của mẹ, dáng mẹ lúi húi trong bếp, mùi hành mỡ nước mắm, chỉ cần khi bố và các con nếm vào món ăn ấy sẽ cảm giác như chạm vào rồi những gì thân thuộc nhất, yêu thương nhất

Tôi nhớ có lần nấu lại món ăn mẹ hay nấu vừa hát khe khẽ hát bài yêu thích, mỉm cười vì cảm thấy không có cuộc sống nào thật sự là màu hồng nếu con người ta thiếu đi những niềm vui bé nhỏ nhưng vô cùng ấm áp... từ góc bếp thương yêu. Con gái tôi tò mò hỏi mẹ: mẹ nấu món gì mà vui thế?; "À, để mẹ kể cho con nghe nhé, món này ngày xưa".....Con gái tôi reo lên: "Con biết là món gì rồi, món ăn kỷ niệm mẹ nhỉ?".

Thỉnh thoảng chồng tôi lại bảo: em luộc món "gà tần "đi. Chẳng hiểu sao bao nhiêu lần loay xoay với món gà truyền thống, món gà của tôi vẫn hơi bị nhừ chẳng khác gì món gà tần, vì tôi bị ám ảnh bởi những con gà còn đỏ máu chua chín hẳn, và tôi luôn cảm thấy phải thêm chút thời gian nữa thì món gà của mình mới đủ chín. Tôi chợt nhớ lần cãi nhau đầu tiên cũng do món ăn này khi ông chồng của tôi khen rối rít: "Món gà tần của em ngon thế" và tôi vốn tính dễ tự ái vì tưởng chồng khen đểu. Thế mà sau bao nhiêu năm, gia đình tôi đã thành thói quen lại gọi món này bằng cái tên mỹ miều như thế.

Tôi bảo với cô bạn tôi rằng cậu hãy nấu món ăn của riêng cậu, món ăn từ gia vị ký ức của góc bếp gia đình cậu và cậu sẽ thấy món ấy thật đặc biệt.

Mỗi người phụ nữ đều có những món ăn gia truyền của riêng mình, món ăn ấy mang gia vị đặc biệt từ chính họ.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem