Hơn 50% số phụ nữ cho rằng bị chồng đánh là “hợp lý”

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 09/10/2015 21:04 PM (GMT+7)
Kết quả điều tra mới đây cho thấy, 50% phụ nữ cho rằng chồng đánh vợ là “hợp lý”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đó là cách mà phụ nữ “ngụy trang” nỗi đau để tồn tại.
Bình luận 0

Tự tử vì nồi cơm sống

Mới đây, tại khu vực cầu Văn Điển (thuộc thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã xảy ra vụ việc người mẹ tự tử cùng với con trai 4 tuổi. Nạn nhân được xác định trú tại xã Tựu Liệt (Thanh Trì). Theo lời kể của người dân địa phương, trước đó vài ngày, nạn nhân đã bị chồng đánh vì nấu cơm sống nên ôm con bỏ nhà đi... Rất nhiều người đã lên án nạn nhân chỉ vì lý do nhỏ nhặt mà dẫn đến nghĩ quẩn, gây hại cho mình và con.

img

Cầu thủ Công Phượng – đội tuyển bóng đá quốc gia với thông điệp tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình.     Ảnh:   CSAGA

Tuy nhiên, phân tích sâu về vấn đề này, bà Hoàng Tú Anh – Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số CCIHP (Hà Nội) cho rằng, đừng nhìn vào lý do vụn vặt “nồi cơm sống” để làm thước đo cho nỗi đau đớn, tổn thương mà bạo lực gia đình (BLGĐ) đã gây cho nạn nhân. Trước đó có thể có những mâu thuẫn, bạo lực khác, khiến nạn nhân suy sụp, ức chế, cảm thấy đơn độc, tuyệt vọng... “Để mình không tuyệt vọng, suy sụp, nhiều phụ nữ bị BLGĐ đã phải “lên dây cót” cho bản thân, chấp nhận việc bị chồng đánh, “bình thường hóa” những nỗi đau thể xác và tủi nhục tinh thần” – bà  Anh lý giải về việc tại sao 50% số phụ nữ lại chấp nhận bị “chồng đánh”.

Tại Hội thảo công bố kết quả điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em – phụ nữ 2014 (MICS) do Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc vừa tổ chức, 50% số phụ nữ (từ 14-49 tuổi) cho biết, chồng đánh vợ có lý do là chấp nhận được. Đặc biệt, có đến 28,2% phụ nữ cho rằng, người chồng có thể đánh vợ vì các lý do- đi chơi không nói với chồng; bỏ bê con cái; cãi lại chồng; từ chối quan hệ tình dục và... làm cháy thức ăn. Càng phụ nữ ở vùng sâu vùng xa, nông thôn, trình độ văn hóa thấp thì càng dễ chấp nhận bị chồng đánh vì mọi lý do hơn.

Tự hào về sự... nhịn nhục

"    Nếu chỉ tuyên truyền để chị em hiểu về quyền lợi của mình, biết rằng BLGĐ là phạm pháp, là không thể chấp nhận được mà lại không chỉ cho họ “cánh cửa” để tìm sự trợ giúp, để thay đổi cuộc sống của bản thân thì sẽ càng khiến họ đau lòng, tuyệt vọng mà thôi”.
Bà Hoàng Tú Anh 

Bà Tú Anh phân tích, những người phụ nữ chịu đựng BLGĐ kéo dài và chấp nhận nó như “một phần của cuộc sống” vì không tìm kiếm được sự giúp đỡ. Bỏ chồng sợ bị họ hàng kỳ thị, con cái không được nuôi dạy, ra khỏi nhà sợ không có chỗ dung thân, báo công an thì bị coi là “việc trong nhà”, báo cho hội phụ nữ lại bị hòa giải xuê xoa... “Để sống tiếp, phụ nữ bị BLGĐ phải tìm lý do để “chấp nhận được” tình cảnh đau khổ của mình. Họ tự vơ lỗi, đổ lỗi cho mình, rằng mình không xinh, không khéo, không ngoan nên chồng đánh là đương nhiên. Nếu thấy mình tốt đẹp mà vẫn bị chồng đánh thì thật quá đau đớn, uất ức, càng khó sống hơn” – bà Tú Anh nhận định.

Theo bà Tú Anh, trong khi làm nghiên cứu về BLGĐ, bà còn phát hiện ra sự khó hiểu đau lòng hơn: Nhiều phụ nữ tự hào về mình đã có thể chịu đựng được sự đánh đập, sỉ nhục của chồng. Có chị bị chồng đánh đập 10 năm, sau đó anh ta còn bỏ nhà đi theo người tình, chị vẫn cần mẫn giữ vai “vợ” hữu danh vô thực trong gia đình, một mình bươn chải làm kinh tế, chăm bố mẹ chồng, nuôi nấng 2 con... Anh chồng sau vài năm đi biệt tích đã quay lại và coi như chưa có chuyện gì xảy ra, tiếp tục làm “trụ cột” hờ trong nhà, suốt ngày chỉ rong chơi, nhậu nhẹt và đánh vợ...

“Khi tôi hỏi chị có thấy khổ không, tại sao lại chấp nhận người chồng đã vô dụng còn đánh đập mình, chị ấy tỏ ra hết sức phấn khích. Chị ấy bảo chị ấy tự hào vì mình đã có nghị lực trải qua nỗi đau chồng phản bội, đánh đập mình để giữ được con cái có bố có mẹ. Chị ấy bảo: “Chẳng mấy người làm được như tôi đâu. Phải người khác thì gia đình đã tan đàn xẻ nghé rồi”. Tôi đã hoàn toàn sững sờ vì “niềm vui” của chị” – bà Tú Anh chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết – Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe phụ nữ Hà Nội (chuyên chăm sóc, tư vấn người bị bạo lực gia đình) khẳng định: “Chẳng ai thích bị đánh cả. Nhưng họ chẳng có cách nào khác là thừa nhận thực tế chồng có thể đánh họ bằng bất cứ lý do gì, thậm chí “bới bèo ra bọ để đánh”, nói nặng thì chê hỗn, mà nói ngọt có thể bị đánh vì lẳng lơ, nấu cơm nhão bị đánh mà để cơm khô cũng sẽ ăn đạp”.

Bác sĩ Quyết phân tích, luật pháp thì đầy đủ nhưng chưa được áp dụng hiệu quả để bảo vệ phụ nữ, khiến chị em cảm thấy đơn độc khi bị đánh đập, xỉ nhục.  “Họ câm nín, họ thỏa hiệp, họ quen với “văn hóa bị đánh” là vì bị dồn đến đường cùng, không có lựa chọn nào khác” – ông Quyết cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem