Nghe bà mẹ hai con chia sẻ cách hạn chế sinh non

Hải Đăng Thứ tư, ngày 21/01/2015 08:36 AM (GMT+7)
Dưới đây là những chia sẻ của bà mẹ Nguyễn Hải Đăng, sinh 1988, hiện đang làm kinh doanh tại Hà Nội.
Bình luận 0
Trộm vía, dù phải làm công việc không hề nhẹ nhàng, mình đã sinh hai con đủ ngày đủ tháng và rất khỏe mạnh. Xin chia sẻ một chút kinh nghiệm của bản thân để các mẹ hạn chế sinh non, dẫn tới những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bé nhé!
img
Chị Nguyễn Hải Đăng cùng chồng và con gái lớn.

Thứ nhất: Chuyện đi lại

Lần đầu mang thai, được tám tuần thì mình có dấu hiệu động thai, bác sỹ khuyên hạn chế vận động và uống, đặt thuốc giữ thai. Vậy là mình bắt đầu tìm hiểu và thực hiện các cách giữ thai, thật bất ngờ là cả hai lần sinh thì các con đều đủ "chín tháng mười ngày".

Theo đó, quan trọng nhất là chuyện vận động, đi lại. Trong ba tháng đầu cần chú ý vận động nhẹ nhàng, đi lại nếu không có chồng hoặc người đưa đón thì nên ít đi xe máy, tránh xóc, nảy, va chạm. Khi đi xe bus, ô tô nên ngồi khép hai chân lại. Ngồi sau xe máy thì cần ngồi một bên.

Sau ba tháng thì các mẹ có thể tự do thoải mái hơn. Tuy nhiên đến tháng thứ bảy lại bắt đầu cẩn thận. Hai đứa bạn thân của mình, có thể vì chủ quan nên ngày nào cũng phóng xe máy đi làm đều sinh non từ tuần 36, 37.

Thứ hai: Chuyện ăn uống

Đây là do thể trạng từng mẹ, nhưng chủ yếu là các mẹ nên tự ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng và ăn nhiều rau quả. Khi mang thai, mình không hề uống sữa bầu mà các con đều có cân nặng 3,4kg. Tuy nhiên, mình đặc biệt kiêng những thứ sau đây để tránh bị động thai:

Về hoa quả: nhãn, vải, đu đủ xanh, táo mèo.

Về rau: rau ngót, rau răm, ngải cứu, chùm ngây, tầm bóp.

Về thức ăn: quẩy, nem chua, gỏi, susi.

Thứ ba: Khám thai

Trừ trường hợp đau hay có dấu hiệu bất thường thì trung bình một tháng đi khám thai một lần. Như vậy để biết được sự phát triển của con và kịp thời cung cấp các chất dinh dưỡng mà con cần trong từng giai đoạn.

img
Cậu con trai thứ hai của gia đình.

Vào tháng cuối thì việc khám thai cần được quan tâm hơn. Chủ yếu là các mẹ tự theo dõi các cơn co, gò tử cung. Để đảm bảo thì mỗi tuần nên khám một lần để kiểm tra ối. Nhiều mẹ ít thăm khám nên không biết được tình trạng ối và dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Thứ tư: Căng thẳng

Cuộc sống vốn đầy lo toan, lại cộng thêm tâm lý khi mang thai nên phụ nữ giai đoạn này thường rất dễ căng thẳng. Tuy nhiên, điều này lại ảnh hưởng nhiều đến thai nhi.

Để thai nhi được khỏe mạnh, người mẹ cần giải tỏa mọi bức xúc và không để bản thân sa vào những suy nghĩ tuyệt vọng. Hãy nghĩ rằng "con đang phải chịu đựng những suy nghĩ của mình" và vì vậy hãy "bơ đi mà sống".

Thứ năm: Chuyện vợ chồng

Với các mẹ có tiền sử bị xảy thai và tử cung yếu thì nên hạn chế sinh hoạt vợ chồng ngay cả những tháng "an toàn" (từ tháng thứ tư đến tháng thứ 7). Các trường hợp bình thường thì chuyện ấy nên diễn ra nhẹ nhàng, trong ba tháng đầu và ba tháng cuối nên giữ.

Để đảm bảo cho sự an toàn của thai nhi và để giúp chồng đỡ bị "ức chế", các mẹ có thể tìm hiểu và lựa chọn những cách, tư thế quan hệ không ảnh hưởng đến con.

 * Trên đây chỉ là những lời khuyên từ những kinh nghiệm của bản thân mình. Để giữ sức khỏe tốt nhất trong giai đoạn thai kì, bạn nên tới bác sĩ và nhận lời khuyên chính xác nhất nhé.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem