Những điều cần biết để cứu sống con bạn trong trường hợp khẩn cấp

Như Nguyệt (theo Mirror) Thứ bảy, ngày 08/08/2015 10:38 AM (GMT+7)
Nhiều bậc cha mẹ sẽ không biết phải làm gì trong các trường hợp khẩn cấp mà hậu quả có thể dẫn đến những cái chết thương tâm của con trẻ.
Bình luận 0

Những ngày nghỉ hè dài là thời gian vui vẻ nhưng cũng có thể là thời kỳ vô  cùng nguy hiểm cho trẻ em. Một thống kê mới đây của Anh cho thấy số vụ tai nạn nghiêm trọng ở trẻ em tăng vọt trong sáu tuần gần đây. Mỗi ngày, trung bình có đến 58 trẻ em được đưa đi cấp cứu vì vô tình bị nhiễm độc, và nghẹt thở. Vì thế, các bậc phụ huynh cần tự trang bị cho mình kiến thức đầy đủ để có thể cứu sống con mình trong những trường hợp khẩn cấp.

Dưới đây là một số hướng dẫn để đối phó với các tình huống khẩn cấp phổ biến nhất.

Con bạn nuốt phải đồ có hại

img

Các chất có hại có thể bao gồm rượu, thuốc, sản phẩm làm sạch hay một số loại cây cỏ, hoa quả có độc.

Việc làm đầu tiên là phải biết được nhữxng gì trẻ đã nuốt, nuốt khi nào và bao nhiêu. Sau đó, hãy ép trẻ nôn hết ra nếu có thể và đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất ngay lập tức để có những biện pháp y tế can thiệp.

Con bạn bị ngạt thở do có dị vật trong đường hô hấp

Rất có thể trẻ vô tình nhét một viên bi hay một hạt đậu vào mũi hay bị sặc trong lúc ăn khiến đồ ăn chèn vào đường hô hấp.

Dấu hiệu của trẻ là ôm lấy ngực hoặc cổ, sẽ không có khả năng nói, hít thở khó khăn hoặc ho khan, dần dần có biểu hiện tím tái mặt do thiếu oxy.

Bước một: Giữ bé hơi chúi về phía trước, đập mạnh năm cái vào lưng. 

img

Chú ý tay đánh vào phải vuông góc với lưng, đập dứt khoát. Điều này sẽ tạo ra một rung động mạnh mẽ và làm thay đổi áp suất trong đường thở, thường là đủ để đánh bật vật gây tắc nghẽn trong đường hô hấp. Nhưng nếu không thấy hiệu quả, chuyển sang bước hai.

Bước hai: Ấn năm lần vào bụng.

Đặt hai tay vào bụng trẻ tầm ngang thắt lưng, ấn xuống kéo nhanh hướng lên trên. Cách này có thể ép không khí ra khỏi phổi và đánh bật các vật nghẽn. Nếu chưa được, lặp lại các bước một và hai thêm ba lần, đồng thời gọi cấp cứu.

Con bạn bị ngạt nước

img

Nếu trẻ bị ngạt nước dẫn đến bất tỉnh, phải tiến hành hô hấp nhân tạo ngay. Các bước hô hấp nhân tạo: Đầu tiên, đặt trẻ nằm nghiêng, làm sạch đường hô hấp của trẻ bằng cách hút sạch dịch trong mũi và khoang miệng. Sau đó, để trẻ nằm ngửa, cổ hơi ngửa, dùng ngón cái và ngón trỏ bịt mũi trẻ, rồi hít thở thật sâu và thổi hơi trực tiếp qua miệng trẻ. Trong lúc hô hấp nhân tạo đồng thời phải kiểm tra nhịp tim qua động mạch cổ, bẹn...

Nếu thấy không có mạch đập nghĩa là tim đã ngừng đập, phải kết hợp hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực. Vị trí ép tim là nửa dưới xương ức. Đối với trẻ nhỏ chỉ được dùng gót bàn tay của một cánh tay để ép lên vị trí tim. Còn với những trẻ lớn, bạn có thể dùng cả hai tay chồng lên nhau, sau đó tiến hành ép tim ngoài lồng ngực với tần suất 100 lần/phút. Sau 30 nhịp ép tim là 2 lần hà hơi thổi ngạt. Sau khi trẻ bắt đầu thở lại thì gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất.

Con bạn bị sốt co giật

img

Sốt quá cao dễ dẫn đến tình trạng co giật. Một khi đã co giật, tính mạng của trẻ dễ bị đe dọa, hoặc có thể sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề về sau, như bị động kinh. Cách tốt nhất là thường xuyên theo dõi nhiệt độ của trẻ và có những biện pháp hạ nhiệt trước khi trẻ sốt quá cao. Tuy nhiên, khi trẻ đã bắt đầu bị co giật, cần tiến hành ngay những bước sơ cứu sau: Đầu tiên, phải đảm bảo rằng không để trẻ cắn vào lưỡi của mình. Sau đó, đặt trẻ nằm ở nơi bằng phẳng, thông thoáng, nới rộng hoặc cởi hết quần áo của trẻ.

Tiếp theo, dùng khăn sạch nhúng nước ấm, vắt khô và lau khắp người trẻ, đặc biệt vùng bẹn, nách, cổ và trán, làm liên tục cho đến khi trẻ hết cơn co giật. Ngoài ra có thể kết hợp đặt thuốc hạ sốt qua hậu môn. Khi trẻ hết cơn co giật, cho trẻ nằm nghiêng sang một bên, đầu gối cao hơn người, để hơi ngửa để tránh dịch hậu môn vào phổi và đưa trẻ đến bệnh viện sớm.

Con bạn bị bỏng

Cố gắng làm mát vết bỏng dưới vòi nước lạnh trong ít nhất 10 phút, bất chấp sự phản đối của trẻ. Mỗi giây làm mát đều sẽ giúp vết bỏng tránh rộp nước và nhanh lành da hơn, giảm sự đau đớn, tổn thương dây thần kinh và nguy cơ để lại sẹo.

img

Sau khi vết bỏng đã được làm lạnh, bọc ngoài bằng màng dính hoặc một túi nhựa sạch. Dùng màng dính hoặc túi nhựa là lựa chọn tốt hơn bông băng hay vải rất nhiều, vì nhựa không dính vào vết bỏng, giữ cho vết thương sạch sẽ và làm giảm đau bằng cách giữ lại một phần không khí trên bề mặt của da. Đưa trẻ đi cấp cứu nếu thấy cần thiết.

Con bạn bị đập vào đầu

Trẻ chạy chơi bị ngã “cắm đầu xuống đất”, hoặc trong lúc đùa nghịch vô tình đập vào đầu nhau, khiến đầu sưng vài cục u là chuyện rất phổ biến. Nhiều người cho rằng chuyện đó là bình thường nên hay xem nhẹ, mà không hề biết rằng bị đập vào đầu cũng rất dễ gây tử vong.

Khi phát hiện con bị đập vào đầu, cần cho trẻ nằm nghỉ ngơi, lấy vật lạnh chườm vào vết thương để tiêu sưng, giảm đau, và theo dõi biểu hiện của trẻ. Nếu trẻ mất ý thức hoặc trở nên buồn ngủ hay ói mửa, hãy giữ cho đầu trẻ được cố định và lập tức gọi cấp cứu. Không nên tự ý di chuyển trẻ bởi có thể trẻ đã bị chảy máu trong, việc di chuyển không đúng cách có thể làm tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

Con bạn bị gãy xương

Nếu nghi ngờ trẻ bị gãy xương, đầu tiên là không được lập tức di chuyển trẻ. Hãy cho trẻ uống thuốc giảm đau, sau đó dùng vật cứng để nẹp vị trí bị nghi ngờ gãy xương. Trong trường hợp gãy xương kèm vết thương hở cháy máu, cần tiến hành làm sạch vết thương, cầm máu và bảo vệ vết thương không bị bẩn rồi mới tiến hành làm nẹp. Sau đó, gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất.

img

Con bạn bị dị ứng nghiêm trọng

Nguyên nhân thường gặp của dị ứng phản ứng, hay "sốc phản vệ" là tiêm thuốc, ăn các loại hạt (lạc, vừng, thông,...), ăn động vật có vỏ (như tôm, cua, nhộng,...) hoặc bị côn trùng đốt, cắn.

img

Con bạn có thể phát ban nổi đốm, ngứa hoặc sưng ở bàn tay, bàn chân, mặt. Một số trường hợp có thể khó thở, nôn mửa và tiêu chảy. Nếu quan sát thấy bất kỳ các triệu chứng trên, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Một phản ứng dị ứng có thể xảy ra rất nhanh và có khả năng gây tử vong vì nó có thể dẫn đến sưng đường hô hấp. Trong lúc chờ cấp cứu, hãy trấn an trẻ để đảm bảo trẻ không bị rối loạn hô hấp hay rồi loạn nhịp tim do sợ hãi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem