Vợ chồng tôi bất đồng quan điểm trong mọi vấn đề. Đã có 2 con 7 tuổi và 3 tuổi nhưng cả hai không chịu hiểu về nhau. Tôi phải đi làm cả ngày và đưa đón các con, công việc rất áp lực nhưng chưa bao giờ kêu ca với chồng. Chồng tôi đi làm xa, cuối tuần mới về nên cả hai ít nói chuyện, tâm sự.
Nếu tôi không chủ động gọi điện, nhắn tin, anh cũng không liên lạc. Có thời gian tôi như bị stress, lúc nào cũng nghĩ đến ly hôn và cảm thấy mình không khác gì mẹ đơn thân. Có khi mẹ đơn thân còn tốt hơn vì không bị chồng phê phán, trách mắng (cả tôi và các con).
Chồng tôi nhìn cái gì cũng không vừa lòng. Ảnh minh họa
Anh nhìn cái gì cũng không vừa lòng. Căn nhà cấp 4 với trên 30 năm sử dụng, đồ đạc trong nhà là của bố mẹ tôi sắm sửa đã lâu nên mối mọt, tồi tàn nhiều. Vì vậy muốn sạch sẽ như lau như ly cũng khó. Anh luôn bảo về là thấy khó chịu, bức bối vì bừa bộn, bẩn thỉu, phải lao vào dọn dẹp nên cáu gắt là đương nhiên.
Tôi không cần điều đó, cả tuần anh không ở nhà, về thì hãy vui vẻ chơi với các con, nhà có trẻ con chứ không phải phòng nhỏ có mình anh, nên không thể lúc nào cũng gọn gàng được. Nhưng anh luôn nghĩ mình đúng, phàn nàn, chê trách vợ con. Mà quan điểm về gọn gàng của chúng tôi khác nhau. Anh sạch sẽ một cách thái quá, như tờ giấy trắng mà có một chấm nhỏ là vứt đi. Tôi dọn dẹp kiểu gì cũng bị bắt lỗi.
Việc giáo dục con cái cũng làm tôi khó chịu. Khi anh dạy con, tôi không bao giờ tham gia. Bọn trẻ rất sợ bố. Nhưng khi tôi dạy con, anh luôn yêu cầu chúng làm ngược lại hoặc không cho làm những điều tôi nói. Ví dụ, con ăn lâu và không tập trung, tôi yêu cầu tắt tivi hoặc ăn xong phải rửa bát, nhưng anh cứ mở tivi cho con xem, bảo con lớn không phải rửa bát vì rửa không sạch, mẹ không rửa thì bố rửa.
Đỉnh điểm tối qua, tôi yêu cầu con lấy quần áo của 2 chị em trong máy giặt ra phơi, anh bảo để mẹ làm, vì mẹ đang ngồi không. Mà từ lúc đi làm về, tôi nấu nướng, tắm giặt cho con, rửa bát, chưa hề được nghỉ ngơi. Tôi giận quá nói lại chồng. Suy nghĩ của anh là con còn nhỏ, chỉ cần chuyên tâm vào học hành, không phải làm gì. Nhưng tôi thì khác, các cháu nên làm tất cả những việc phù hợp với độ tuổi. Cho nên nhiều lúc các cháu phải đứng giữa yêu cầu của bố và mẹ, không biết làm gì cho đúng.
Còn về vấn đề chi tiêu, chúng tôi cũng rất mẫu thuẫn. Anh chi rất nhiều tiền cho ăn uống, sắm sửa quần áo, lúc nào cũng chỉn chu khi đi ra khỏi nhà. Tôi góp ý nhiều lần là nếu chi tiêu lãng phí như vậy thì chưa hết tháng đã hết tiền. Mà thực tế nhiều lần chúng tôi phải đi vay khi có vấn đề đột xuất vì không có tiền tiết kiệm.
Hầu như tiền chi tiêu, con ăn học là lương của tôi. Lương của chồng chỉ đủ cho anh đi lại, tiêu xài và giúp đỡ gia đình chồng; không động đến lương của tôi là còn may. Tôi khuyên anh tìm việc gần nhà để giảm chi phí và cùng nhau chăm sóc con nhưng anh không đồng ý.
Tôi cũng có thể tìm việc gần chỗ anh làm nhưng anh nhất quyết không cho, bảo người ta muốn về xuôi chẳng được, còn dắt díu nhau lên ngược, điều kiện học của con không tốt bằng nơi tôi ở hiện tại. Giờ chúng tôi đang chiến tranh lạnh, không ai chịu làm hòa. Tôi luôn nghĩ phải ly hôn nhưng không thể làm được vì không có dũng khí. Xin chuyên gia và mọi người cho tôi lời khuyên..
Tuyết
Tôi muốn ly hôn. Ảnh minh họa
Chuyên gia tham vấn tâm lý Nguyễn Bá Đạt gợi ý:
Chào Tuyết,
Đọc thư của bạn có nhiều điều suy ngẫm, bởi ngay từ đầu các bạn đã không thảo luận và đưa ra những nguyên tắc của cuộc sống chung. Ví dụ: công việc gia đình ai làm; chăm sóc giáo dục con là trách nhiệm của cả cha và mẹ; chi tiêu trong gia đình là cả hai cùng đóng góp.
Khi những điều này không được thảo luận và thống nhất, vợ và chồng ứng xử theo thói quen, chẳng hạn chồng bạn sẽ sử dụng lương của anh ấy vào việc cá nhân và giúp đỡ nhà chồng, bạn phải dùng lương của mình chi cho toàn bộ gia đình.
Bạn và chồng nên nói chuyện dứt khoát với nhau về mọi mặt trong cuộc sống hôn nhân từ chuyện tình cảm, tài chính, trách nhiệm chăm sóc và quan điểm giáo dục. Nếu hai bên không thể đi đến thống nhất và mọi thứ không được cải thiện, việc chia tay là điều khó tránh khỏi.
Nếu chồng bạn muốn giữ gia đình, cả hai cần thay đổi, đặc biệt là anh ấy. Nếu anh ấy không biết thay đổi từ đâu, có thể đi tham vấn tâm lý để được giúp đỡ cụ thể.
Chúc vợ chồng bạn sớm thay đổi để tiếp tục sống chung với nhau.
(*) Tít bài đã được Dân Việt đặt lại
Vui lòng nhập nội dung bình luận.