Tâm sự nghẹn ngào của cô gái vừa mất cha vì ung thư

T.N (ghi lại theo lời kể của nhân vật) Thứ tư, ngày 25/05/2016 09:40 AM (GMT+7)
“Những ngày khó khăn và hoảng loạn và kinh khủng nhất của cuộc đời mình. Ngày không ngủ, đêm cũng không ngủ. Chỉ nghĩ một câu thôi: “Làm thế nào bây giờ để cứu bố?"
Bình luận 0

"Facebook nhắc về ngày này 2 năm trước.

Một cái status mà hàng chục người vào inbox hỏi có phải H. đấy không, H. bị hack facebook à hay có chuyện gì thế. Mình không trả lời ai cả.Ngày này hai năm trước, là tròn 12 ngày mình cầm trên tay kết quả chụp CT của bố, cũng là ngày bố đang nằm Việt Đức, khoa gan mật, bị ung thư.

Bác sĩ nói bố chỉ còn vài tháng. Người hiền hậu như bố mình, cả cuộc đời dành cho con cái, đến ngày sắp được thảnh thơi thì người ta bảo ông sắp chết. Mình căm hận cuộc đời tưởng chừng không thể chịu được.

img

Ảnh minh họa

Những ngày khó khăn và hoảng loạn và kinh khủng nhất của cuộc đời mình. Ngày không ngủ, đêm cũng không ngủ. Chỉ nghĩ một câu thôi: “Làm thế nào bây giờ để cứu bố?"

Ngày nghe bác sĩ Q. nói bố chỉ còn vài tháng, mình đã quỳ sụp xuống ôm lấy chân ông và khóc nghẹn không thành lời, bắt ông hứa dù bận bịu như thế nào thì chính tay ông, bác sĩ phẫu thuật gan tụy giỏi bậc nhất vẫn sẽ là người mổ cho bố, hi vọng kéo thêm vài năm nữa.

Nhưng rồi chính sau đó, khi ông nhận lời, mình đã nghe lời một ông bác sĩ khác trong khoa xin ngừng mổ. Vì 80% chết ngay trên bàn mổ, 20% sống còn lại hên xui. Cả gia đình không ai ủng hộ mổ, mình đấu tranh đến bạc tóc cả mấy ngày, kiên quyết mổ cho bố, đến cuối cùng không chịu nổi áp lực của sự đặt cược, mình kí giấy xin thôi.

Để rồi đưa bố về, mấy tháng sau di căn rồi, u to chèn gây tắc mật sợ hoại tử gan, mang lên xin mổ thì chỉ còn có thể mổ nối mật ruột đi vòng qua khối u mà không mổ bóc nó ra được nữa.

Ngày mổ xong, bố nằm trong phòng, con ngồi ngoài hành lang, Bác sĩ Q. đi buồng buổi sáng và trước mặt 20 bác sĩ trong khoa, cộng với hơn chục người nhà, ông chỉ thẳng mặt mình chửi: “Cô ngu dốt lắm. Cô làm nhà báo mà cái đầu cô ngu dốt lắm. Cô không cho mổ cho bố khi còn sớm còn hy vọng kéo thêm được 3-4 năm, cô đưa bố cô về để u nó lên to thế này nó chèn thế này, giờ mổ nối còn ích chi! Cùng lắm được 6 tháng nữa. Cô chứ không phải ai khác là người giết bố mình đấy. Bố cô chết sớm hơn là do cô cả đấy". Từng lời từng chữ ông đã ném vào mặt tê tái như thế…

Những ngày sau đó là chuỗi ngày gồng lên để chống đỡ với sự yếu đuối và bất lực của bản thân, đọc tất cả những gì có thể đọc và gặp tất cả những người có thể gặp, trong lòng trong đầu từng hơi thở từng ý nghĩ đều nghĩ làm thế nào, làm thế nào, làm thế nào...

Một ngày ở Hà Nội tự dưng nóng ruột, rủ chồng bế con nhảy tàu về nhà, về tới nơi mới hay chiều hôm qua bố đang ngồi thì ngất, mạch đo không được, y tá được gọi đến nhà bảo gia đình chuẩn bị hậu sự đi. Thế mà mẹ đổ một cốc nước đường gừng bố tỉnh lại. 

Sáng về đến nơi thấy bố xanh như tàu lá, linh cảm không lành, bảo hình như bố bị xuất huyết trong rồi, mắt trắng da bệch thế kia. Ông bảo không biết, bố thấy bồn cầu đỏ nâu ba hôm nay rồi nhưng cứ nghĩ mình ăn cháo đậu đỏ.

Bố đang yếu lắm, nếu bắt ông đi 50km xuống Vinh nhập viện rồi không phải chảy máu dạ dày lại mò về thì mất công quá. Bồn cầu thì ông xả mất rồi. Mỗi ngày ông đi có một lượt, biết làm sao.

Mình lao vào nhà vệ sinh, lôi xô đựng giấy của 5 người trong nhà lên, cầm từng cái một để xem cái nào nâu đỏ. Xong cầm từng cái giấy nâu đỏ lên mũi ngửi thật kĩ.

15 phút miệt mài bới và ngửi. Nôn oẹ, xong lại ngửi, lại nôn lại ngửi. Khao khát bố nhất định phải sống vô cùng.

Cho đến khi cầm chắc được nắm giấy mà biết chắc là của bố. hai vợ chồng dặn dò mẹ chuẩn bị đồ đạc sẵn, giờ bọn con mang giấy này đi xét nghiệm, nếu trong phân có hồng cầu tỷ lệ cao thì chắc chắn bố bị xuất huyết dạ dày rồi, mang ngay bố xuống Vinh luôn. Nếu không phải thì may quá, bố đỡ mất công đi lại.Kết quả đúng như mình dự đoán. Ung thư đã di căn đến D2 tá tràng gây thủng loét. Cả nhà nhìn nhau, nỗi tuyệt vọng xâm lấn dần dần.

Mình đã hy vọng biết bao nhiêu, cố gắng biết bao nhiêu, khả năng làm được gì thì làm hết 200% sức lực, nghĩ nát cả óc trong mỗi cân nhắc mỗi lựa chọn liên quan đến chữa trị cho bố. Ngay cả chuyện ăn uống của bố, đến tận bây giờ vẫn là nỗi day dứt băn khoăn. Có nhiều lí do để mình lựa chọn phương pháp ăn kiêng ăn chay cho bố, nhưng đến giờ khi bố mất rồi mình đã hàng nghìn lần tự hỏi, có phải do mình mà bố yếu sức đi hơn không, thiếu dinh dưỡng thiếu máu triền miên không...

Ngày bố ốm bố rất thích ăn yến, bảo ăn xong thấy khoẻ hơn, mình lại nghe bác sĩ K. nói ăn dinh dưỡng quá u nhanh to nên kiên quyết không cho bố ăn. Ngày bố ốm bố cũng thèm ngọt xin vài cái kẹo, mình cũng bảo thôi bố cố gắng. Bố đã nghe mình, cố gắng triền miên 1 năm 2 tháng 13 ngày, ăn chỉ cháo đậu, cháo cà rốt, nấm, rau, khoai...

Hơn 1 năm bố bệnh ốm nằm viện, mình là đứa kí tất cả các loại giấy tờ chịu trách nhiệm lựa chọn, cam kết... có những quyết định được đưa ra sau cả tháng, cả tuần, cả đêm trắng cân não, lại có cả những quyết định buộc phải thốt ra trong vài phút, vài giây. Trong những lúc ấy, chỉ nghĩ một điều: “Làm sao để giữ được bố cho các em"; "Nếu vì lựa chọn này mà bố đi nhanh hơn, lấy đi những ngày tháng ít ỏi lẽ ra các em còn có bố, lẽ ra bố còn có thể sống thêm vài tháng nữa thì làm thế nào?"; "Nếu mổ xẻ, nếu hoá trị, liệu có hi vọng gì không, hay lại đày đoạ bố thêm?". Bố đã đặt sinh mạng cho mình lựa chọn. Thế mà mình đã không thể làm được gì để cứu được bố.

Nếu mình tin vào bác sĩ, liệu có phải bố vẫn sống được thêm vài năm??? Nếu mình để bố ăn thịt cá thật nhiều dinh dưỡng vào, bố có đỡ mệt?.

Cuộc đời đôi khi bắt buộc bạn phải lựa chọn dù bạn không muốn điều đó. Và lựa chọn nào cũng sẽ có hệ quả của nó mang lại. Đặt cược và sẵn sàng chấp nhận là một chuyện, nhưng nếu mình làm mà người khác chịu thì sự chấp nhận đó nó day dứt và đau đớn biết bao nhiêu!"

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem