Tâm thư chăm vợ đẻ của ông chủ nhà hàng được nghìn người chia sẻ

Thứ bảy, ngày 20/05/2017 09:30 AM (GMT+7)
"Đi đâu thì nhớ đi muộn và về thật sớm. Vợ nói 2-1=0 thì vẫn phải tươi cười cho là đúng", ông bố Hà Nội 3 con chia sẻ.
Bình luận 0

Chia sẻ dưới đây là của ông bố 3 con Bùi Tùng ở Hà Nội khi đang chăm sóc vợ mới sinh em bé thứ 3. Ông chủ chuỗi nhà hàng sinh năm 1988 kể rằng, vợ anh 3 năm sinh liên tiếp 3 lần nên khá vất vả. Mỗi lần, dù kinh doanh bận rộn đến đâu, anh luôn cố gắng sắp xếp, dành thời gian để ở bên cạnh và tự tay chăm sóc vợ.

"Tâm thư" dưới đây của anh chàng dí dỏm này trên Facebook hôm 17/5 khi đang chăm vợ sinh ở bệnh viện đã thu hút 9,3 nghìn lượt thích, được chia sẻ hơn 4,3 nghìn lượt:

img

Anh Bùi Tùng chăm vợ đẻ trong bệnh viện. 

Nếu 500 anh em tin tôi... thì cố gắng đọc hết và hiểu hết cho vợ đỡ khổ. Không phải là nịnh phụ nữ hay vợ em nhưng đúng là "có con rồi mới biết lòng cha mẹ". Cứ phải thức đêm thức hôm cùng vợ chăm con trong viện mới thấu hết những nỗi khổ, mệt mỏi và cả đau đớn của người phụ nữ khi bụng mang thai và sinh con. 

Tôi thì chưa đẻ bao giờ nhưng kinh nghiệm chắc cũng đủ dùng (3 con, đã hai lần trực tiếp chăm cả mẹ lẫn con từ lúc lâm bồn cho đến khi xuất viện, một sinh thường và một sinh mổ). Với kinh nghiệm từ 2 lần nằm vùng bệnh viện chăm vợ đẻ thì tôi nói thật, cái cảnh một đêm thấp thỏm thức dậy 3-5 lần, lúc pha sữa, lúc thay bỉm, khi con tự nhiên khóc... thì đến thanh niên sức dài vai rộng, cú đêm như tôi còn phát hoảng.

Nhiều lúc phát cáu (trong đầu thôi) chứ đừng nói đến mấy mẹ vừa bụng mang dạ chửa mệt mỏi 9 tháng trời, rồi lại đau đớn vì vừa sinh xong. Các mẹ đẻ thường còn đỡ một chút chứ mấy mẹ đẻ mổ thì thôi rồi. Vết mổ chưa lành hẳn. chỉ cần cử động thôi đã đau chứ đừng nói là đứng lên ngồi xuống ru con, nựng con, cho con ti...

img

Chị Trần Quỳnh, vợ anh Bùi Tùng trân trọng sự quan tâm, chăm sóc và nhất là những thấu hiểu, đỡ đần của chồng khi vợ mang thai, sinh nở.

Còn chưa kể đến mấy mẹ bị tắc tia sữa. Lần đầu sinh, vợ tôi đau đến phát sốt, phát rét, ngực lúc nào cũng căng cứng, làm đủ mọi cách, nào thì chồng giúp rồi máy hút xong lại đắp thuốc mà ngực cứ như quả bóng, trong khi con không có giọt sữa nào để ti, gào khóc ầm ĩ... 

Như tôi có vào trông mệt thì còn được về nghỉ, nhờ người thay chứ các mẹ thì đau đớn mệt mỏi thế nào cũng chẳng ai thay được. Ngày nào cũng như ngày nào, không cố thì cũng phải gắng thôi. Đấy là nếu như may mắn, bình thường được chồng và gia đình yêu thương chăm sóc chu đáo, chứ vô phúc gặp phải hoàn cảnh oái oăm (có con mà không chồng, chồng lười, gia đình chồng ác...) thì không hiểu là sẽ còn khổ cực và tủi hờn như thế nào. Bảo sao chửa đẻ xong là nhiều mẹ tiều tuỵ, phát điên, stress, hâm hâm là vì thế. 

img

"Vợ yêu giỏi lắm, đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc rồi nè...Thương lắm, yêu vợ trần đời luôn!", anh Bùi Tùng viết chia sẻ trên Facebook khi vợ vừa sinh. 

Không phải nói đâu xa, như tôi, kinh nghiệm có rồi, độ tinh tế cũng có thừa, còn mỗi điểm mấu chốt mà ông chồng nào cũng phải tự đặt câu hỏi và trả lời hàng ngày là có thực sự yêu vợ, thương con, hiểu và cảm thông cho sự vất vả hy sinh của vợ hay không.

Nếu "có thực sự" thì ít nhất trong thời gian vợ kiêng cữ chăm con hãy là một người chồng tốt, một người cha mẫu mực, hết lòng chiều vợ, thương con, đi nhẹ nói khẽ cười duyên. Đi đâu thì nhớ đi muộn và về thật sớm. Vợ nói một cấm được cãi 2, vợ nói 2-1=0 thì vẫn phải tươi cười cho là đúng. Tuyệt đối không đôi co, to tiếng, đi đêm về hôm, bỏ vợ một mình ôm con (mấy bà mà cay cú không làm gì được là mấy bà cấu con mình đấy).

Nói thật, là đàn ông, tôi cũng thích chơi. Tôi từng chơi có tiếng luôn nhưng cái gì phải ra cái đấy. Đàn ông thật sự biết chọn thời điểm để chơi. Đừng ai lợi dụng lúc vợ nằm ổ để trốn đi chơi. Như thế hèn lắm. 

Vương Linh (VnExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem