Gia tăng “rào cản” tại các thị trường xuất khẩu, nông sản Việt tìm cách thích ứng

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 13/01/2024 19:26 PM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, hiện các thị trường liên tục có những quy định kiểm dịch, an toàn thực phẩm mới, các đơn vị chuyên môn của Bộ phải nghiên cứu, từ đó tham mưu giải pháp giúp người dân, doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu này, khơi thông thị trường.
Bình luận 0

Đáp ứng tốt quy định của thị trường nhập khẩu

Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, sau 2 năm triển khai đáp ứng quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp (DN)sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu (Quy định 248) và quy định các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Quy định 249) của Trung Quốc, các DN của Việt Nam quan tâm đến việc đăng ký DN xuất khẩu nông sản thực phẩm sang Trung Quốc.

Các DN Việt Nam đã sử dụng tốt phần mềm đăng ký online của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) và tận dụng được các ưu điểm về khai báo thông tin mặt hàng của hệ thống quản lý DN. Một cơ sở chế biến có thể đăng ký được nhiều sản phẩm nếu đáp ứng được các yêu cầu của GACC, đây là điều kiện thuận lợi cho DN khi đăng ký.

Gia tăng “rào cản” tại các thị trường xuất khẩu, nông sản Việt tìm cách thích ứng- Ảnh 1.

Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc tăng vọt. Ảnh: V.G

Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, năm 2023, văn phòng đã tiếp nhận và xử lý 1.164 thông báo về các dự thảo quy định mới, các thay đổi về SPS của thành viên WTO, tăng hơn 20 thông báo so với năm 2022. Trong đó, 821 thông báo dự thảo lấy ý kiến và 343 thông báo bổ sung về dự thảo có hiệu lực hoặc thay đổi thông tin.

Nếu tính riêng dự thảo thông báo thay đổi biện pháp SPS, Nhật Bản có thông báo nhiều nhất với 142 thông báo (chiếm 12% tổng thông báo), tiếp theo là EU 121 thông báo (10%), Mỹ 90 thông báo (8%), Trung Quốc 34 thông báo (3%)...

P.V

Đã có 3.013 mã số DN xuất khẩu vào Trung Quốc được cấp, tương đương khoảng gần 3.000 cơ sở chế biến nông sản thực phẩm. Trong số trên, có 1.570 mã số (chiếm 52%) là những nhóm ngành hàng có nguy cơ cao do 5 cơ quan thẩm quyền quản lý.

Tuy nhiên, vẫn còn một số lãnh đạo DN chưa quan tâm sâu sát đến việc đăng ký và quản lý mã số dẫn đến việc xảy ra lỗi kỹ thuật trong quá trình xuất khẩu như sai tên DN, sai mã số, thiếu thông tin trên nhãn mác, mất mật khẩu tài khoản…

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, Văn phòng SPS Việt Nam đã góp phần quan trọng, kịp thời giúp các DN đáp ứng được các yêu cầu của Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023.

Gia tăng "rào cản"

Theo ông Lê Thanh Hòa-Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, các thị trường trọng điểm xuất khẩu nông sản của Việt Nam có xu thế gia tăng các biện pháp SPS như thay đổi mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật (MRL), dư lượng kháng sinh, vật liệu tiếp xúc thực phẩm, ô nhiễm vi sinh vật... vì vậy, cần thiết phải tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của Văn phòng SPS Việt Nam với các cơ quan trong mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật, các cơ quan khoa học, hiệp hội ngành hàng để góp ý các quy định của thị trường, cập nhật thông tin cho các bên liên quan và khuyến nghị các giải pháp thích ứng...

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho rằng, các quy định về SPS của các nước thay đổi liên tục, làm cho DN đôi khi còn bị động trong đáp ứng quy định. Văn phòng SPS Việt Nam cần cập nhật thông tin sớm cũng như thông tin tuyên truyền kịp thời tới các DN, hợp tác xã, nông dân để nông sản Việt đáp ứng tốt các quy định của các thị trường.

Gia tăng “rào cản” tại các thị trường xuất khẩu, nông sản Việt tìm cách thích ứng- Ảnh 2.

Thời gian qua người nuôi tôm hùm Khánh Hòa gặp khó do quy định mới của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Ảnh: Kim Sơ

Gia tăng “rào cản” tại các thị trường xuất khẩu, nông sản Việt tìm cách thích ứng- Ảnh 3.

Ông Huỳnh Tấn Đạt cũng kiến nghị, Văn phòng SPS Việt Nam cần tuyên truyền các quy định về SPS theo chuyên đề, thị trường, ngành hàng để các DN, hiệp hội nắm bắt thông tin hiệu quả. 

Đồng thời qua đó cũng giải quyết sâu hơn các vấn đề vướng mắc ở từng ngành hàng, thị trường. Văn phòng cũng nên phối với các cục chuyên ngành cùng các hiệp hội trong tuyên truyền để qua đó hiệp hội thông tin tới các thành viên.

Tìm cách thích ứng

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 của Văn phòng SPS Việt Nam, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã đánh giá rất cao hoạt động của văn phòng.

"Năm 2023, ngành nông nghiệp đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây, là điểm sáng của cả nước, kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt 53 tỷ USD. Đây là cố gắng lớn trong khó khăn, có vai trò quan trọng của các cơ quan "gác rào cản" của Bộ, cơ quan kiểm dịch, trong đó có Văn phòng SPS Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy xuất nhập khẩu, thông báo các quy định mới về kiểm dịch, an toàn thực phẩm mà các thị trường đặt ra"- Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, năm 2023, nguồn cung dồi dào, cầu giảm, trong khi các đoàn thanh tra, kiểm tra của EU, Mỹ, Hàn Quốc liên tục vào Việt Nam. Tháng 6 đón đoàn kiểm tra của EU, tháng 8 là đoàn kiểm tra của Mỹ, tháng 10 là đoàn kiểm tra của Hàn Quốc, chưa kể các cơ quan kiểm dịch của Trung Quốc họp trực tuyến liên tục kiểm tra an toàn thực phẩm...

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, các thị trường ngày càng tăng cường các quy định về kiểm dịch động thực vật, an toàn thực phẩm, trong đó có những quy định rất mới, ví dụ như quy định mới của Trung Quốc liên quan đến nhập khẩu tôm hùm bông gắn với bảo vệ động vật hoang dã hay vấn đề giảm phát thải, châu Âu đã chính thức có quy định các vật tư nông nghiệp không có chứng nhận giảm phát thải là không vào được châu Âu; vấn đề dinh dưỡng, trách nhiệm xã hội trong từng sản phẩm cũng được quy định.

"Văn phòng SPS Việt Nam phải phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y... tham mưu với Bộ NNPTNT phối hợp với các bộ ngành chức năng hỗ trợ các DN thực hiện các quy định này như thế nào. Khi đàm phán mở cửa thị trường cho bất cứ sản phẩm nào cũng cần có cái nhìn tổng thể. Văn phòng SPS Việt Nam giống như một người tổng quản, giữ vai trò điều phối, đồng thời cảm nhận được Việt Nam đang cần cái gì, thiếu cái gì, từ đó đưa ra những đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo Bộ NNPTNT" - ông Nam phân tích.

Trong năm 2024, Thứ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị Văn phòng SPS Việt Nam tiếp tục phát huy chức năng, nhiệm vụ, đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đơn vị trong Bộ, ngoài Bộ NNPTNT để tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, giúp người dân, doanh nghiệp đáp ứng kịp thời các quy định mới của thị trường nhập khẩu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem