Nhức nhối quản lý và điều hành Quỹ Bình ổn, dự báo "nóng" về giá xăng dầu

An Linh Thứ sáu, ngày 15/09/2023 14:00 PM (GMT+7)
Giá xăng dầu từ tháng 7 cho đến nay tăng liên tục, nhưng Quỹ Bình ổn giá không có động thái xả, chi quỹ để bình ổn. Mới đây, lãnh đạo Công ty Xuyên Việt Oil bị khởi tố, bắt giam nhưng doanh nghiệp vẫn "ôm" hơn 200 tỷ đồng khiến dư luận hoài nghi về việc sử dụng quỹ này.
Bình luận 0

Quỹ Bình ổn giá bị đặt nhiều dấu hỏi về quản lý, hoạt động hiệu quả

Theo Bộ Tài chính, trong quý II/2023, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu chỉ chi vỏn vẹn chi gần 6 tỷ đồng, trong khi khoản trích quỹ này của người dân đã lên đến gần 1.800 tỷ đồng.

Vậy, số tiền hàng nghìn tỷ đồng của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang ở đâu?

Theo Bộ Tài chính, tính hết 6 tháng năm 2023, tồn dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã lên đến hơn 7.420 tỷ đồng. Số trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cao gấp hơn 300 lần so với số tiền chi của Quỹ này để bình ổn giá xăng dầu trong quý II. Bình quân trong quý II, mỗi ngày số tiền trích Quỹ Bình ổn giá khi người dân mua xăng dầu là hơn 20 tỷ đồng, trong khi đó đó số tiền quỹ này chi ra để giảm tác động tăng giá xăng dầu chỉ 65 triệu đồng/ngày.

Giá xăng dầu dự báo nóng, nhức nhối quản lý, điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu - Ảnh 1.

Giá xăng dầu dự đoán tăng tiếp theo trong tháng 9, tháng 10 (Ảnh: BCT)

Hiện có 34 doanh nghiệp xăng dầu đang nắm Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, trong đó có doanh nghiệp ôm hàng nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang giữ số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu gần 3.200 tỷ đồng, số chi xả quỹ bình ổn của doanh nghiệp này là hơn 2.24 tỷ đồng. Đứng thứ 2 là Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà với hơn 612 tỷ đồng; Công ty cổ phần tập đoàn Thiên Minh Đức đang nắm giữ số dư quỹ hơn 468 tỷ đồng; Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp nắm giữ hơn 454 tỷ đồng;...

Đặc biệt, Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil, doanh nghiệp vừa bị cơ quan công an khởi tố, bắt hàng loạt lãnh đạo vẫn ôm hơn 219 tỷ đồng tiền Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Liên quan đến sử dụng Quỹ Bình ổn giá trong xăng dầu, theo thống kê từ tháng 4 cho đến ngày 11/9, có 17 lần điều chỉnh giá xăng dầu định kỳ, trong đó có 10 lần giá xăng tăng và 4 lần giá xăng giảm. Giá xăng tăng mạnh nhất là đợt điều chỉnh giá ngày 21/7 từ 1.200 đến 1/300 đồng/ lít tùy loại. Trong các đợt điều chỉnh từ ngày 3/4 đến hết ngày 11/7, giá xăng có 11 lần điều chỉnh, tăng 1.890 đồng/ lít, có 4 lần giảm, 3 lần giữ nguyên.

Từ ngày 21/7 đến ngày 11/9, giá xăng tăng liên tiếp 5 lần, trên 3.000 đồng/ lít, chỉ một lần giá giữ nguyên là kỳ điều chỉnh ngày 11/9.

Theo số liệu từ đầu năm đến nay, xăng dầu đã qua 24 lần điều chỉnh định kỳ của liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính, trong đó có 13 lần điều chỉnh tăng và 7 lần điều chỉnh giảm, hơn 3 lần giữ nguyên. Thế nhưng, theo đánh giá của giới chuyên gia, trong bối cảnh đó mức chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của liên Bộ chưa bám sát được xu hướng tăng giá này, nên không có điều chỉnh phù hợp.

Giá xăng dầu dự báo nóng, nhức nhối quản lý, điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu - Ảnh 2.

Cụ thể, mặt hàng RON 95 và E5 RON 92, Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ chi sử dụng 3 lần trong tháng 1/2023, sau đó không được sử dụng; mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa chi sử dụng duy nhất vào đầu tháng 8 và dầu mazut tính đến nay chỉ ba kỳ chi quỹ.

Cụ thể, với các mặt hàng xăng, trong ba lần chi sử dụng Quỹ bình ổn, tổng số tiền chi tương đương gần 2.800 đồng/ lít, đối với dầu diesel, Quỹ chỉ chi 300 đồng; dầu hỏa chi 400 đồng và chi 850 đồng đối với dầu mazut.

Báo cáo của Bộ Tài chính và một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho thấy, hiện số dư Quỹ bình ổn xăng dầu tới 31/7 hơn 7.438 tỷ đồng, tăng gần 1,8 lần so với số dư vào cuối năm 2022, (hơn 4.600 tỷ đồng) và là mức cao nhất từ quý I/2021.

Theo PGS. TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) các nước trên thế giới xây dựng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như kho dự trữ để can thiệp vào những tình huống cần thiết. Quỹ được hình thành dựa trên đóng góp của ngân sách nhà nước, doanh thu trích từ việc sản xuất dầu thô hoặc đều đặn trích lập số tiền rất nhỏ trong giá xăng dầu ở mỗi kỳ điều chỉnh…

Qua khảo sát trong giai đoạn 2020-2022, PGS. TS Phạm Thế Anh nhận thấy mức độ biến động (đo bằng lệch chuẩn) của giá xăng dầu sau khi sử dụng quỹ có xu hướng cao hơn.

Mặt khác có thời điểm, cơ quan điều hành vẫn trích lập vào Quỹ Bình ổn giá khi giá xăng dầu thế giới tăng. Tiêu biểu như năm 2022, giá xăng gần 30.000 đồng/lít nhưng người dân vẫn phải đóng vào quỹ khiến giá xăng tiếp tục tăng.

Ông Thế Anh cho rằng, thời gian qua điều hành sử dụng quỹ xăng dầu không đạt mục tiêu đề ra là bình ổn, giá xăng dầu vẫn biến động tăng cao. Trong khi sử dụng quỹ không có sự khác biệt lớn khi so sánh với trường hợp không sử dụng quỹ, thậm chí mức độ biến động của giá khi sử dụng quỹ còn lớn hơn.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng, qua sự việc trên cơ quan quản lý Nhà nước cần phải tổng rà soát lại toàn bộ số dư Quỹ Bình ổn giá tại các doanh nghiệp, nên có đoàn thanh tra một cách nghiêm túc về việc gửi tài khoản nào ở ngân hàng và số dư thực tế ra sao.

"Tôi cho rằng, việc này cơ quan quản lý phải thanh tra nghiêm túc, bởi bất cứ một sự ưu ái đặc biệt nào cũng có thể dung túng cho hành vi sai trái, né tránh quy định", ông Doanh nói.

Về vụ việc của Công ty Xuyên Việt Oil, chuyên gia Lê Đăng Doanh yêu cầu phải truy cứu trách nhiệm đến cùng của đơn vị này, sử dụng các công cụ pháp luật để truy thu số tiền chiếm dụng để bảo toàn số tiền mà người dân đóng cho Quỹ Bình ổn giá.

TS. Lê Đăng Doanh nêu quan điểm, đã đến lúc không nên giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Giữ Quỹ Bình ổn giá để tạo ra sự ổn định nhất định, nhưng mục đích đó lại không đạt được. "Vậy sự ổn định do Quỹ Bình ổn giá này rất mong manh nên tôi ủng hộ quan điểm là bỏ quỹ, để phản ánh biến động theo thế giới", ông nói.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, trong các kỳ điều chỉnh vừa qua, lẽ ra phải trích Quỹ Bình ổn giá để chặn đà tăng của giá xăng dầu, nhưng cơ quan điều hành không làm điều đó, để giá xăng dầu chạm ngưỡng 25.000 đồng/lít.

Ông Phú cho rằng, tác động tiêu cực của giá xăng dầu tăng cao không tính bằng việc tăng mấy nghìn đồng khi đi đổ xăng mà quan trọng là tính vào giá thành của doanh nghiệp, của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu không kiểm soát giá xăng dầu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chỉ số CPI, lạm phát.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem