Cướp 100 triệu chữa bệnh ung thư cho vợ có là tình tiết giảm nhẹ?

Đ.V Chủ nhật, ngày 10/11/2019 15:02 PM (GMT+7)
Luật sư khẳng định, pháp luật không cho phép thực hiện hành vi cướp giật tiền của người khác để giải quyết khó khăn của bản thân, gia đình.
Bình luận 0

Chiều ngày 9/11, tin từ Công an huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết cơ quan này vừa vận động Phạm Văn Hậu (SN 1989, ngụ thôn Triệu xá 1, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn) ra đầu thú để điều tra về hành vi "Cướp giật tài sản".

Trước đó, khoảng 10 giờ ngày 6/11, bà N.T.T (SN 1960, ngụ thôn Nhuận Trạch, xã Đông Tiến) đến UBND xã để nhận số tiền 100 triệu đồng vay từ ngân hàng. Nhận được số tiền vay, bà T bọc vào túi nilon màu đen và để trước giỏ xe đạp.

img

Đối tượng Phạm Văn Hậu và tang vật vụ án - Ảnh Công an tỉnh Thanh Hóa cung cấp

Trên đường về nhà, đến khu vực Khu công nghiệp Đông Tiến (thuộc thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn), bất ngờ một nam thanh niên mặc áo chống nắng đi từ phía sau áp sát và giật chiếc túi đựng 100 triệu đồng trong giỏ xe đạp sau đó tẩu thoát.

Vào cuộc điều tra, đến tối ngày 7/11, Công an huyện Đông Sơn đã xác minh được nghi phạm là Phạm Văn Hậu nên đã phối hợp vận động Hậu ra đầu thú, giao nộp số tiền 100 triệu đồng vừa cướp được.

Tại cơ quan công an, Phạm Văn Hậu khai nhận do vợ bị mắc bệnh ung thư xương và thiếu tiền chữa trị nên khi đến UBND xã Đông Tiến để nhận tiền vay đã thấy bà T vay số tiền 100 triệu đồng, từ đó Hậu đã nảy sinh ý định cướp số tiền trên.

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, cướp 100 triệu đồng để lấy tiền chữa bệnh ung thư cho vợ chỉ là lý do để giải thích nguyên nhân, động cơ của hành vi vi phạm pháp luật mà đối tượng khai với cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ động cơ gây án là do lòng tham hay do hoàn cảnh khó khăn, quẫn bách.

Tuy nhiên, trong vụ án này, nguyên nhân, động cơ gây án không phải là yếu tố quan trọng, dù là lý do gì, hành vi của đối tượng này cũng thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm và có căn cứ để xử lý hình sự. Nguyên nhân, động cơ chỉ có phần nào tác động đến mức hình phạt chứ không quyết định đến tội danh, cấu thành tội phạm trong vụ án.

Theo thông tin ban đầu của vụ việc, hành vi của đối tượng này không dùng vũ lực, không đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để tấn công nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản nên hành vi không cấu thành tội “cướp tài sản” theo quy định của pháp luật.

Hành vi thể hiện là nhanh chóng tiếp cận nạn nhân, nhanh chóng giật tài sản và tẩu thoát nên hành vi của đối tượng này có thể sẽ bị xử lý về tội “cướp giật tài sản” chứ không phải là tội “cướp tài sản”.

Vị luật sư phân tích, khác với tội cướp giật tài sản, tội cướp tài sản có tính chất nghiêm trọng hơn rất nhiều bởi yếu tố dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để tấn công nạn nhân, làm nạn nhân tê liệt ý chí, tạo thời cơ cho đối tượng chiếm đoạt tài sản.

Hành vi cướp tài sản liền lúc xâm hại đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân với mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân nên tính chất nguy hiểm cao trong nhóm tội phạm xâm hại quyền sở hữu, bởi vậy khung hình phạt của tội danh này rất nghiêm khắc.

Trước đây là tử hình nhưng từ khi bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật, mức cao nhất của hình phạt này là tù chung thân.

Còn đối với hành vi cướp giật tài sản cũng có thể xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm thấp hơn với hành vi cướp tài sản. Hành vi đặc trưng của tội cướp giật tài sản là tìm cách tiếp cận nạn nhân, nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng tẩu thoát.

Mục đích là hướng đến tài sản chứ không có mục đích sử dụng vũ lực trước khi chiếm đoạt tài sản. Nếu cướp giật tài sản với số tiền trên 500 triệu đồng hoặc làm nạn nhân thiệt mạng thì mức hình phạt cũng ở mức cao nhất là tù chung thân.

Như vậy, trong vụ án này đối tượng gây án sẽ bị áp dụng nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự. Cụ thể nếu đối tượng sử dụng xe máy để cướp giật tài sản của nạn nhân thì hành vi này được xác định là “dùng thủ đoạn nguy hiểm”. Mức phạt có thể lên đến 10 năm tù giam.

Ngoài ra nếu nạn nhân từ đủ 70 tuổi trở lên thì hành vi được xác định là “phạm tội với người già yếu” (điểm g), ngoài ra số tiền 100 triệu đồng cũng là một trong những tình tiết định khung hình phạt.

Bởi vậy, nếu nội dung khai nhận của đối tượng là đúng sự thật, vợ bị bệnh nặng cần tiền cứu chữa, nghi phạm vẫn không tránh khỏi sự trừng phạt của pháp luật, pháp luật không cho phép thực hiện hành vi cướp giật tiền của người khác để giải quyết khó khăn của bản thân, gia đình.

Còn theo luật sư Trương Quốc Hòe, tội cướp giật tài sản được thể hiện bởi hành vi công khai chiếm đoạt tài sản đang do người khác quản lí rồi nhanh chóng tẩu thoát.

Trong vụ việc này, đối tượng ra đầu thú và giao nộp tài sản đã cướp, khi ra xét xử sẽ được xem xét để có thể áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định của Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp vừa có tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ, khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem